Kể từ khi hệ thống di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trùng tu, phục hồi được 132 công trình, hạng mục di tích tiêu biểu.
Trong đó có Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thanh, Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng); điện Hoà Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), chùa Thiên Mụ, cung An Định, các cổng của kinh thành Huế...
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Mai Xuân Minh cho biết bắt đầu từ cuộc vận động quốc tế tài trợ cho di tích Huế theo lời kêu gọi của UNESCO, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 50 tổ chức quốc tế, đứng đầu là các tổ chức chính phủ, phi chính phủ của các nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức... để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường.
Đáng chú ý, trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình nghiên cứu về văn hóa Huế.
Bên cạnh nguồn lực trong nước, việc tiếp cận, giới thiệu, hợp tác quốc tế trong trùng tu di tích Cố đô Huế ngày càng mang lại hiệu quả rõ rệt.
Gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế như Viện Nghiên cứu Di sản Thế giới UNESCO Waseda - Nhật Bản về trùng tu điện Long An (Thái Miếu triều Nguyễn), và việc phục hồi điện Cần Chánh.
Ngôi điện này trải qua 13 đời vua Nguyễn, bị hư hỏng hoàn toàn, hiện nay, Waseda đã xây dựng xong mô hình bộ khung gỗ điện Cần Chánh, đang tổ chức trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học để đi đến phục phục nguyên điện Cần Chánh.
Dự kiến, để phục hồi hoàn nguyên điện Cần Chánh phải tốn khoảng 32 triệu USD vốn ODA của Nhật Bản. Bắt đầu từ Quỹ Ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO với số tiền 100.000 USD để trùng tu di tích Ngọ Môn từ năm 1992, từ đó đến nay, Nhật Bản luôn có các dự án hỗ trợ trùng tu di tích Cố đô Huế.
Nhiều tổ chức quốc tế khác như tổ chức của Anh tài trợ trùng tu Thế Miếu; công ty hóa chất Rhone Polenc, Pháp tài trợ 1 triệu USD thực hiện việc bảo quản và tư vấn kỹ thuật chống mối cho công trình Hiển Lâm Các, Đại Nội...
Các chuyên gia bảo tồn Cộng hòa liên bang Đức (thuộc dự án đào tạo, bảo tồn và phục chế của Đức - GCREP) giúp phục chế thành công tranh tường tại Cung An Định.
Đối với văn hóa phi vật thể, Nhật Bản tài trợ dự án bảo tồn và phát huy những giá trị Nhã nhạc Huế với số tiền lên tới gần 250.000 USD.
Tổ chức sáng kiến Văn hóa và Du lịch Namhansanseong - Hàn Quốc và Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật truyền thống Quốc gia Hàn Quốc nghiên cứu và chế tác Bộ nhạc khí Bác chung Đặc khánh Việt Nam.
Biên chung (bộ 12 chuông đồng nhỏ), Biên khánh (bộ 12 khánh đá nhỏ), Bác chung (chuông đồng lớn), Đặc khánh (khánh đá lớn) là những nhạc cụ quan trọng trong dàn Nhã nhạc triều Nguyễn đã thất truyền về kỹ thuật chế tác và cách thức trình tấu từ đầu thế kỷ 20.
Việc hợp tác phục chế thành công các nhạc cụ này sẽ góp phần hoàn thiện cơ cấu dàn nhạc cung đình trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Huế, Âm nhạc cung đình Việt Nam.
Việc phát huy giá trị di tích trong việc thu hút khách du lịch ngày càng được đẩy mạnh, doanh thu từ khách tham quan tính từ năm 1998 đến nay đã đạt trên 817 tỷ đồng.