UNESCO bổ sung 19 di sản thế giới: Gọi tên núi Phú Sĩ và cố đô Triều Tiên

15:42, 26/06/2013

Hội nghị lần thứ 37 của Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc UNESCO diễn ra ở Campuchia vừa công nhận 19 di sản thế giới mới, trong đó có một số di sản nổi tiếng và được nhiều người biết như Núi Phú Sĩ của Nhật Bản và cố đô Kaesong của Triều Tiên. Hãy cùng điểm qua các đại diện xuất sắc mới được lựa chọn này.

Hội nghị lần này có 5 di sản tự nhiên và 14 di sản văn hóa được đưa vào danh sách của UNESCO, với nhiều di sản thuộc khu vực châu Á.

 

Từ cung điện ở Iran đến cố đô Triều Tiên

 

Đầu tiên phải kể tới Cung điện Golestan của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Cung điện này là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ của thời Qajar, cho thấy sự kết hợp thành công của nghệ thuật thủ công Ba Tư trước đó và kiến trúc mang ảnh hưởng phương Tây.

 

Đây là một trong những nhóm công trình cổ nhất ở Teheran. Nó đã trở thành nơi đặt chính quyền của gia đình Qajar, vốn lên nắm quyền vào năm 1779 và đã biến Teheran thành thủ đô của cả nước. Cung điện được xây dựng quanh một khu vườn, có bể bơi và các khu vực trồng cây. Nó có rất nhiều các đặc điểm kiến trúc và trang trí đặc trưng Iran trong thế kỷ 19.

  

Nơi đây trở thành trung tâm của nghệ thuật và kiến trúc Qajari. Tới nay nó vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ và kiến trúc sư Iran.

 

Tiếp đó là Các di chỉ và công trình lịch sử ở Kaesong (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên). Tọa lạc tại cố đô Kaesong ở phía Nam Triều Tiên, quần thi di sản này gồm 12 di tích cho thấy bề dày lịch sử và văn hóa của Triều đại Koryo, kéo dài từ thế kỷ 10 tới thế kỷ 14.

 

Quần thể di sản với các cung điện, lăng mộ, tường thành và cổng thành đã chứa đựng nhiều giá trị chính trị, văn hóa, triết học và tinh thần của một thời đại quan trọng trong lịch sử khu vực. Quần thể di sản này còn cómột đài quan sát thiên văn, hai trường học (bao gồm một trường đào tạo các quan lại).

 

Nơi này đã cho thấy sự chuyển đổi từ Phật giáo sang Khổng giáo ở khu vực Đông Á, sự đồng hóa các giá trị văn hóa tinh thần và chính trị tại các nhà nước từng tồn tại trước khi Triều Tiên được thống nhất trong triều đại Koryo. Sự kết hợp của Phật giáo, Khổng giáo, đạo Lão và các tư tưởng khác đã thể hiện trong quy hoạch của quần thể di sản và kiến trúc của các công trình tưởng niệm.

 

Đến núi Phú Sĩ, núi Thiên Sơn

 

Một kỳ quan độc đáo của châu Á được công nhận đợt này là núi Phú Sĩ của Nhật Bản. Vẻ đẹp của đỉnh núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng, vươn cao trên các ngôi làng và các con hồ này lâu nay đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ và các nhà thơ ở Nhật Bản. Ngọn núi cũng gần như trở thành một dạng điểm hành hương. Nó đã được mô tả trong nghệ thuật Nhật Bản từ thế kỷ 11. Từ thế kỷ 19, các bản in gỗ có hình núi Phú Sĩ đã khiến nó trở thành biểu tượng của Nhật Bản được cộng đồng quốc tế ghi nhận và còn có tác động sâu rộng trong sự phát triển của nghệ thuật phương Tây.

 

Di sản tự nhiên thứ hai là núi Thiên Sơn, Tân Cương (Trung Quốc). Ngọn núi này gồm 4 thành phần là Tomur, Kalajun-Kuerdening, Bayinbukuke và Bogda, với diện tích rộng 606.833 ha. Chúng nằm trong hệ thống núi Thiên Sơn của khu vực Trung Á, một trong những dãy núi lớn nhất thế giới. 

 

Núi Thiên Sơn Tân Cương có những đặc điểm địa lý có một công hai, với nhiều khu vực thắng cảnh thơ mộng, bao gồm những đỉnh núi phủ tuyết trắng tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh, các con sông và hồ nước trong lành, bên cạnh các hẻm núi đá đỏ.

 

Các khung cảnh này tương phản mạnh với khung cảnh sa mạc rộng lớn nằm gần đó, cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các môi trường nóng và lạnh, khô và ẩm, nơi hoang vắng chỗ phì nhiêu. Hệ sinh thái và địa chất của khu vực núi Thiên Sơn đã được bảo tồn rất tốt kể từ cổ xưa và cho thấy một ví dụ tuyệt vời về quá trình tiến hóa sinh học, sinh thái học.

 

Di sản này cũng mở rộng tới tận Sa mạc Taklimakan, một trong những sa mạc lớn nhất và cao nhất của thế giới, nổi tiếng với các đụn cát lớn và các cơn bão bụi khổng lồ. Thiên Sơn còn là môi trường sống quan trọng cho nhiều loài hoa cổ, một số vô cùng hiếm và đang bị đe dọa.

 

Châu Á góp hàng loạt di sản

 

Cùng với các di sản trên, Châu Á còn góp hàng loạt di sản đáng chú khác. Đó là di sản Các pháo đài trên đồi ở Rajasthan, Ấn Độ. Đó là Công viên quốc gia Tajik của Tajikistan. Công viên này là một vùng đệm nằm ở khu vực trung tâm của vùng của Pamir-Alai và bao gồm các dãy núi như Akademii Nauk, Zaalay, Beleuli, Zulumart, phần phía Đông của các dãy núi Vanch, Yazgulam và Darvaz. Nơi này có các đỉnh núi cao nhất khu vực Trung Á, gồm đỉnh Ismoili Somoni thuộc dãy Akademii (cao 7495 m) và đỉnh Lenin thuộc dãy Zaalay (cao 7134 m).

 

Nơi này có hơn 2.100 loài cây với độ cao lớn, phần lớn là cây hiếm, chỉ có ở địa phương.  Nó cũng có hệ động vật và chim muông hết sức độc đáo, không lặp lại ở nơi khác. Theo UNESCO, nơi này “gần như không bị ảnh hưởng bởi hoạt động nông nghiệp và định cư lâu dài của con người. Nó cũng mang tới “cơ hội có một không hai trong việc nghiên cứu hiện tượng kiến tạo lớp địa chất”.

 

Ngoài di sản Thiên Sơn, Trung Quốc cũng có một di sản văn hóa được đưa vào danh sách, là Khung cảnh Văn hóa Ruộng bậc thang Honghe Hani. Di sản này nằm trên một diện tích rộng 16.603 ha ở tỉnh Vân Nam. Khung cảnh nơi đây tuyệt đẹp nhờ các mảnh ruộng bậc thang nằm dọc theo sườn núi Ailao, chạy xuống sát hai bờ sông Hong.

 

Trong 1.300 năm qua, người Hani bản địa đã phát triển một hệ thống kênh mương phức tạp để mang nước từ khu vực đỉnh núi vẫn còn rừng bao phủ tới các mảnh ruộng bậc thang. Họ cũng tạo ra một hệ thống làm nông nghiệp khép kín, gồm những con bò, gà, lợn, cá, lươn và còn tập trung sản xuất cao lương đỏ, loại ngũ cốc chủ đạo ở đây. Cư dân Hani thờ cúng mặt trời, mặt trăng, các ngọn núi, các con sông và nhiều hiện tượng tự nhiên khác như lửa. Họ sống trong 82 ngôn làng nằm kẹp giữa các cánh rừng trên núi và các mảnh ruộng bậc thang và sở hữu những đặc điểm văn hóa hết sức độc đáo.