Một lần ông bác tôi, nay đã ngoài 80 tuổi ở xã Bảo Lý (Phú Bình) cười sảng khoái vuốt chòm râu bạc trắng bảo: Đi dọc con sông Máng quê ta sẽ gặp hàng chục cây cầu. Mỗi cây cầu đều mang dấu tích lịch sử của vùng đất cổ Phú Bình. Này nhé, 4 cây cầu vồng từ thời Pháp thuộc, 3 cây cầu đều tên là cầu Mây! Câu chuyện nhỏ rất thú vị của bác hôm ấy đã thôi thúc tôi tìm hiểu về những cây cầu gắn bó với người dân quê mình suốt bao nhiêu năm qua...
Chứng nhân
Trước hết, không thể không kể đến 4 cây cầu vồng, đúng như tên gọi của nó: dáng cầu cong như hình cầu vồng sau mưa, độ cao tính từ mặt nước sông lên đến thành cầu khoảng 10m. Từ phía Bắc của huyện, xuôi theo dòng sông Máng (còn gọi là sông Đào), tôi đếm được 4 cây cầu kiểu này ở xã Bàn Đạt, Bảo Lý, thị trấn Hương Sơn và xã Tân Đức. Theo các cụ kể lại thì 4 cây cầu trên đều do thực dân Pháp xây dựng khi đào sông Máng, áng chừng vào đầu thế kỷ XX. Trong khi đang ngắm nghía, chụp ảnh và ghi chép gần cây cầu vồng ở xã Bảo Lý, tôi gặp cụ Nguyễn Xuân Lộc, 80 tuổi ở xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý và được cụ cho biết: Ngày ấy, đường bộ chưa thuận tiện như bây giờ, việc đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Thực dân Pháp dùng thuyền căng cột buồm để đi dọc sông Máng lên vùng Bắc Kạn chở gỗ về xuôi, hay lên Trại Cau lấy quặng sắt mang về Móng Cái (Quảng Ninh), lại chuyên chở lương thực, thực phẩm từ dưới đó ngược lên. Chính vì vậy chúng đã tính toán xây cầu cao “vổng” lên để thuyền buồm chui qua dễ dàng. Cây cầu vừa là phương tiện đi lại của bà con hai bên bờ sông, vừa là người bạn gắn bó và chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử ở địa phương. Hai bên mặt cầu, tôi đọc được nguyên vẹn dòng chữ màu trắng viết nguệch ngoạc: "Tích cực chuẩn bị tổng phản công", "Tất cả để chiến thắng" và không khỏi thắc mắc, thời ấy, người dân làm thế nào để trèo xuống hai bên thành cầu để viết những dòng chữ này?
Đôi mắt nheo nheo, ông Lộc bảo: Nghiên cứu các tài liệu lịch sử của địa phương và nghe cụ thân sinh kể lại thì bà con xã Cô Dạ (khi đó gồm 4 thôn) sớm giác ngộ cách mạng, Cô Dạ khi ấy còn là địa điểm sản xuất vũ khí và nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Năm 1945, trước thời điểm cả nước tổng phản công hơn 1 tháng, để cổ vũ tinh thần của bà con, 4 thanh niên trong xã (trong đó có cụ thân sinh của ông Lộc) được cán bộ cách mạng chỉ đạo đã thả thang, buộc dây vào người leo lên tấm ván, viết hai khẩu hiệu này. Những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử, cùng với cả tỉnh, Cô Dạ đã được giải phóng.
Ông Dương Đình Cung, năm nay 74 tuổi, cũng ở xóm Cô Dạ tiếp lời: Vì cây cầu có độ dốc lên xuống hai bên cao nên việc đi lại qua đó rất khó khăn. Hai bên cầu ngày ấy toàn là những bụi tre nứa, nếu không may xuống dốc "mất phanh" cả người và xe lao vào lũy tre rất nguy hiểm. Năm 1989, nhân dân trong vùng (gồm hơn 90 hộ) đã góp tiền xây dựng cây cầu bằng qua hai bờ sông gọi là cầu Cô Dạ. Từ ấy, rất ít và dần dần chẳng ai còn đi qua cây cầu vồng nữa. Hai đầu cầu giờ cỏ dại mọc um tùm. Những vạt rêu mốc phủ quanh thân cầu, tạo dấu tích của một cây cầu đã đi vào lịch sử. Cùng chung "số phận" như cầu vồng ở Bảo Lý, cây cầu vồng ở xã Bàn Đạt giờ cũng chẳng mấy có người đi qua.
Giữa trung tâm thị trấn Hương Sơn cũng có một cây cầu vồng với độ tuổi và dáng vóc tương tự như cây cầu ở xã Bảo Lý, nằm khiêm nhường bên cây cầu bằng được xây dựng sau nó. Chỉ khác là mấy năm gần đây, chính quyền địa phương đã xây hệ thống bậc thang lên cầu, quét ve và sửa sang, trang trí hệ thống đèn điện. Cầu vồng trở thành đường cho người đi bộ từ bên thị trấn sang chợ huyện, góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông ở khu vực. Vào buổi tối, khi đi qua đây, tôi vẫn ngắm nhìn cây cầu sáng ánh đèn nhấp nháy, trên dòng sông chảy nên thơ in bóng cây gạo già nua. Những đêm hè, rất nhiều người lên cầu đứng hóng mát, đón nhận không khí thật yên bình. Cây cầu đã hòa vào sự phát triển và tạo dấu ấn rất riêng của Phú Bình nói chung, thị trấn Hương Sơn nói riêng. Còn cây vồng ở xã Tân Đức, hiện giờ người dân hai bên bờ sông vẫn đi qua thường xuyên vì nếu không, họ phải ngược xuống cây cầu bằng ở gần chợ trung tâm xã mất gần 1km.
3 cây cầu có tên gọi cầu Mây
Trò chuyện với thầy giáo Dương Tố Hoàn, ở xóm Soi, xã Nhã Lộng tôi được biết: Hiện tại ở khu vực xã Nhã Lộng, Xuân Phương có 3 cây cầu chung tên gọi là cầu Mây. Ở cạnh gốc đa già sù sì có tuổi thọ chắc phải gần 100 năm nay thuộc xóm Kiều Chính (xã Xuân Phương), khoảng năm 1968, Nhà nước đã bắc một cây cầu dài hơn 100m qua dòng sông Cầu (bờ sông bên thuộc địa phận xóm Chiễn 2, xã Nhã Lộng) để thuận tiện đi lại giữa các vùng. Cầu được thiết kế với hệ thống ván gỗ, hai bên có dây cáp sắt chắc chắn nhưng lối đi hẹp chỉ vừa cho một xe đạp tránh một xe máy, các loại xe vận tải như ô tô vẫn phải đi phà. Nghe tôi thắc mắc sao người dân lại gọi tên cầu là cầu Mây, bà Dương Thị Thịnh, năm nay 67 tuổi, ở xóm Chiễn 2, xã Nhã Lộng, hộ dân sinh sống gần cây cầu này cho biết: Ngày ấy, lối đi hai bên bờ sông Cầu toàn là những bụi cây mây và mái mọc um tùm. Có lẽ cái tên cầu Mây xuất phát từ ấy. Còn có người lý giải, những ngày trời nắng, nhìn cây cầu dài bắc qua dòng sông thơ mộng như một dải mây vắt ngang lưng chừng trời nên gọi là cầu Mây. Còn có người đặt cho nó cái tên là cầu đòng đành vì khi đi qua cầu thường đung đưa, ai không quen sẽ có cảm giác rất chóng mặt, phải vịn vào dây cáp men theo. Đầu năm 1980, cây cầu này bị hư hỏng nhiều nên được phá đi, làm mới tương tự cây cầu cũ nhưng rộng hơn, ván ghép liền, ô tô loại nhỏ có thể đi qua lại dễ dàng còn ô tô chở hàng và khách vẫn phải qua phà. Ai qua cầu phải đóng phí, huyện giao cho cán bộ ở phòng giao thông thu.
Tuy nhiên, đó không phải là cây cầu đầu tiên có tên gọi cầu Mây. Chuyện là thế này: Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xây dựng cây cầu bằng bê tông để đi lại giữa hai vùng Xuân Phương, Tân Kim (cách vị trí cây đa to ở khu vực xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương đã nói ở trên khoảng hơn 100m). Điều đặc biệt ở chiếc cầu này là nó được thiết kế như một cần cẩu, ở phía trên có hệ thống dây cáp, dùng để điều khiển nâng lên cao khi có thuyền buồm qua lại và hạ xuống bình thường để người dân hai vùng đi lại. Chính vì lẽ này, người dân khéo tưởng tượng cây cầu giống như dải mây vắt qua sông nên đặt tên gọi cho nó là cầu Mây. Khoảng năm 1968, 1969, đế quốc Mỹ đã thả bom làm sập cây cầu treo này. Sau đó, cây cầu đã được sửa chữa lại.
Dọc trục đường Quốc lộ 37 về Phú Bình hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp cây cầu được xây dựng kiên cố bằng bê tông, có chiều dài trên 150m, chiều rộng 10m. Tôi còn nhớ, năm 2000, khi ấy tôi đang học ở Trường THPT Phú Bình, được tham gia vào đoàn học sinh cầm cờ vẫy lúc làm lễ cắt băng khánh thành cầu, cũng đặt tên là cầu Mây. Trung tướng Phạm Thanh Ngân về dự và phát biểu. Cũng theo ông Hoàn: Từ năm 2000, khi có cây cầu Mây to, rộng này, việc đi lại của bà con cũng như thông thương phát triển kinh tế thuận tiện hơn nhiều. Làng quán, nhà cửa hai bên với các dịch vụ kinh doanh thương mại cũng theo đó mà đi lên, đời sống của bà con ngày một được cải thiện. Khi ấy, cây cầu đòng đành nằm khuất lấp vào giữa những bụi tre già và lối đi nhỏ ít người qua lại. Nó trở thành nơi tụ tập tiêm chích, mua bán ma túy của những con nghiện. Lúc đó, ông Hoàn đang là Bí thư Chi bộ xóm Soi 2 đã ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương phá bỏ cây cầu. Khoảng năm 2007, 2008, huyện đã chỉ đạo tháo dỡ cây cầu này. Hiện giờ, nói đến cầu Mây, người ta chỉ nhớ đến cầu bê tông to đẹp mà ít biết đến hai cây cầu cùng lịch sử tên gọi của nó trước đây.
Những cây cầu nằm yên bình bên dòng sông Máng, sông Cầu ở Phú Bình đã đi vào lịch sử, gắn bó và cùng vui buồn với biết bao thăng trầm trong đời sống của người dân quê lúa. Chúng là những hiện vật sống cần được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm tu bổ, đưa vào danh sách "địa chỉ đỏ" để giáo dục thực tế cho thế hệ trẻ thêm hiểu và tự hào về truyền thống, lịch sử vùng đất cổ anh hùng. Chắc chắn khi nghe câu chuyện sinh động về những tháng năm vất vả của cha ông thế hệ trước đã sống, chiến đấu cùng lịch sử, ý nghĩa tên gọi của từng cây cầu, các bạn trẻ sẽ vô cùng thích thú, thêm yêu, gắn bó và có ý thức chung sức xây dựng Phú Bình ngày một giàu đẹp hơn...