Trong thời điểm mà xã hội có những biến chuyển nhanh về nhiều mặt trong đời sống, mở ra nhiều lựa chọn cho nghệ sỹ thực hành nghệ thuật đương đại, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu vẫn lạc quan nhận định: “Di sản” sẽ là một chủ đề đầy giá trị đối với nhiều nghệ sỹ và đặc biệt là đối với nghệ sỹ đương đại.
Ở Việt Nam, Trường Mỹ thuật Đông Dương ngay từ buổi ban đầu đã hướng người học có thái độ trân trọng học hỏi, tiếp thu và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật truyền thống. Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Bùi Thị Thanh Mai cho biết: Nội dung về di sản nghệ thuật tạo hình truyền thống được đưa vào trong các môn học như Trang trí, Kiến trúc, Thẩm mỹ và Lịch sử nghệ thuật. Cả ba môn học đều liên quan đến di sản mỹ thuật cổ, nhưng cách tiếp cận và mục đích của mỗi môn học có sự khác nhau. Sau này khi có những thay đổi về môn học, thì nội dung di sản nghệ thuật tạo hình truyền thống nằm trong các môn học như: Lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Nghiên cứu mỹ thuật cổ…
Giảng viên trẻ Lê Trần Hậu Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, những năm gần đây, trường đã đưa vào giảng dạy bộ môn video art, trong đó các đề tài đưa vào giảng dạy và yêu cầu sinh viên thực hành luôn đề tài, chủ đề về văn hóa truyền thống để sinh viên nghiên cứu và trình bày những quan niệm, cách nhìn của mình thông qua loại hình nghệ thuật mới này. Qua nghiệm thu các đề tài có thể thấy, sinh viên có những sáng tạo rất tốt, thể hiện thuần thục mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại.
Với tư cách là nghệ sĩ âm thanh duy nhất trong dự án “Đối thoại với Đình làng” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện trong hai năm 2012 - 2013, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho biết: Trong âm nhạc, thì di sản là nguồn vốn quí và được khá nhiều nhạc sĩ quan tâm, từ các nghệ sĩ âm nhạc đương đại cho tới nhạc phổ thông và nhạc điện tử, hầu hết đều ý thức khá rõ rằng cách để khẳng định mình, tác phẩm và phong cách của mình, thì không gì tốt hơn là dựa vào và tự khai thác, đầu tư nghiên cứu và tìm những hướng mở mới, dựa trên nền tảng âm nhạc cổ truyền và truyền thống gốc của dân tộc mình.
Đã từng có sự phân biệt giữa âm nhạc cổ truyền và âm nhạc hiện đại, trong quá khứ hai dòng âm nhạc này đã từng tách biệt và thậm chí không hoà thuận được với nhau. Nhưng những thể nghiệm của nhiều nhà soạn nhạc và nghệ sĩ trình diễn hàng đầu trên thế giới đã chứng minh rằng, hai dòng âm nhạc cổ và mới không những hoà hợp tốt được với nhau, mà còn tạo đà để cả hai cùng trở nên mạnh mẽ và phổ biến hơn, trong đó cả người sáng tạo, nghệ sĩ trình diễn và khán giả đều tìm thấy mình và cái gốc lõi của mình, đều cùng hòa hợp được trong không gian âm nhạc chung, và cùng thoải mái trong thưởng thức tác phẩm và chương trình âm nhạc. Đó là những gì mà phần lớn các nhà soạn nhạc và nhiều nghệ sĩ trình diễn, đã, đang và sẽ tìm và hiểu sâu hơn về cả hai hướng, cổ và mới, để làm nền và phát triển sức sáng tạo từ cá nhân đến tập thể, và lan ra đến cộng đồng rộng lớn hơn.
Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền cho biết: Nghệ sĩ Việt Nam ngày nay rất quan tâm và coi trọng di sản, bản sắc, tính dân tộc, bởi thông qua những tác phẩm trong các cuộc triển lãm nghệ thuật ở trong nước, ta đều thấy các tác giả muốn đưa những cảm giác về không gian, về đời sống xã hội, những truyền thuyết, những sự kiện lịch sử vào tác phẩm của mình.
Có thể nói rằng, các tác phẩm nghệ thuật đương đại ngày nay vẫn luôn coi di sản là một “chất liệu” để sáng tạo nghệ thuật. Các nghệ sĩ “sử dụng” di sản trong tác phẩm của mình như là một kinh nghiệm, một mạch nguồn cảm hứng nhằm khơi gợi và nương vào đó để tạo nên tác phẩm mang hơi thở của truyền thống nhưng thực sự riêng biệt và cá tính.