Chiều 30-6, tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban chỉ đạo thăm dò, khai quật khảo cổ văn hóa dưới nước đã tổ chức cuộc họp Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, trục vớt tàu đắm cổ tại vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích chủ trì cuộc họp. Dự họp có GS.TS Nguyễn Quốc Hùng- Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa, PGS.TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia- Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật của Bộ VH-TT&DL, các chuyên gia khảo cổ Việt Nam, lãnh đạo các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn.
Theo Ban chỉ đạo, cuộc khai quật, trục vớt tàu đắm cổ tại vùng biển Bình Châu đã thực hiện từ ngày 4-6 đến 23-6-2013. Kết quả thu được 268 thùng hiện vật (trong đó 91 thùng hiện vật còn nguyên với số lượng hơn 4.000 hiện vật và 177 thùng hiện vật vỡ).
Các hiện vật khai quật trong con tàu đắm chủ yếu như: Đồ đồng (gương đồng, quả cân đồng; các loại tiền đồng xuất hiện từ thế kỷ XIII trở về trước). Đồ gốm sứ (hũ, lọ và chậu). Nhiều loại hũ và lọ có bốn tai nổi trên vai, men nâu phủ 2/3 chiều cao. Chậu gốm men nâu có loại miếng tròn thành cao. Có một số loại chum kích thước lớn, trên vai có in nổi mác hiệu của lò sản xuất như Đức Chính Nhuận, Ngô Nhậm Hiệu.
Đồ gốm men ngọc (đĩa, bát, lư hương, cốc). Đặc biệt loại đĩa có kích thước 32-34cm, dáng miệng chậu loe ngang, thành trong in lõm băng cánh hoa cúc. Dưới đáy phủ men để lại dấu bàn kê hình vành khen. Có loại đĩa trang trí nổi hình rồng mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ XIII. Loại ly hương men ngọc gắn ba chân nổi với nhiều sắc độ khác nhau. Loại bát men ngọc có miệng loe, thành cong, đế thấp, đáy mộc khá phổ biến.
Tước và lọ hai tai nổi với số lượng ít, nhưng cũng mang đặc trưng gốm men ngọc thế kỷ XIII. Đồ gốm sứ hoa lam gồm: ấm hai bầu, loại hai tai nổi và loại chén vẽ hoa cúc dây phủ men trắng xanh, đáy mộc. Đồ gốm men màu và đồ sứ men trắng xanh với loại đĩa trong lòng in nổi hai hình cỏ, có đĩa in hình lá đề để mộc…
Qua xem xét các loại hình thuộc dòng đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh, các nhà nghiên cứu sử học và khảo cổ cho rằng, đây là các loại đồ gốm sứ thuộc thế kỷ XIII, cách ngày nay khoảng 700 năm, là con tàu đắm cổ nhất được tìm thấy trong vùng biển Việt Nam từ trước đến nay.
Cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm cổ ở vùng biển Bình Châu là cuộc khai quật thứ 6 trong vùng biển Việt Nam và là hiện tượng mới chưa từng có trong khai quật khảo cổ học dưới nước. Kết quả khai quật đã đóng góp vào việc nghiên cứu con đường tơ lụa ở biển Đông trong nhiều thế kỷ trước đây.
Các loại hình hiện vật mang lại nhiều nhận thức mới về đồ gốm sứ thế kỷ XIII ở Việt Nam cũng như trên Thế giới. Đây là những tài liệu, hiện vật đóng góp đặc biệt quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Hiện trạng con tàu tuy cách ngày nay gần 700 năm nhưng còn khá nguyên vẹn, có cấu trúc độc đáo, hiếm thấy. Đây là một hiện vật cổ quan trọng rất có giá trị đóng góp vào việc nghiên cứu tàu cổ trên thế giới.
Hiện vật khai quật từ con tàu cổ được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ngãi. |
Đánh giá kết quả bước đầu, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Trưởng ban chỉ đạo khẳng định: “Cuộc khai quật, trục vớt tàu đắm cổ tại vùng biển Bình Châu đã tiến hành các bước chặt chẽ, đúng qui định của Nhà nước. Tỉnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa rất đúng đắn, có hiệu quả, phù hợp với thực tế. Công tác khai quật được phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng từ T.Ư đến tỉnh và huyện. Các khâu bảo quản, đóng gói, vận chuyển, xử lý tại kho đều thực hiện đúng phương án, đảm bảo an toàn về người và hiện vật”.