Ðó là tỉnh U-đon Tha-ni, ở vùng đông - bắc Thái-lan. Trong câu chuyện với khách thăm, các vị lãnh đạo các cấp cũng như nhiều người dân Thái-lan ở đây đều trân trọng gọi hai tiếng "Bác Hồ", tự hào giới thiệu làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương của tỉnh, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc.
Noọng Ôn nay thành Làng du lịch văn hóa - lịch sử, thu hút nhiều du khách quốc tế tới thăm, góp phần phát triển du lịch của tỉnh, thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị Thái-lan - Việt Nam, mở rộng giao lưu giữa tỉnh nhỏ này với khu vực và thế giới.
U-đon Tha-ni, theo các bạn Thái-lan là đất thánh, đất lúa. Trong hơn 1,4 triệu dân, tới 95% số dân theo đạo Phật, ngoài sáu bộ tộc Thái chính với ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng độc đáo, còn có cộng đồng Việt kiều, Hoa kiều sống đoàn kết, hòa hợp. Chúng tôi có dịp cảm nhận nét đặc sắc đó khi rong ruổi trên con đường nhựa rộng rãi, phẳng phiu chạy giữa những cánh đồng vàng óng lúa chín đã gặt chất đống góc ruộng. Những ngôi vườn với những vạt chuối, hàng dừa, rặng đu đủ trĩu quả... Cơm nếp thơm đựng trong những cái típ ăn với lạp thật ngon miệng. Cảm giác yên ấm, no đủ ngự trị khắp vùng cao nguyên xanh...
Ðón cơ hội do các dự án phát triển Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), dự án Hành lang kinh tế Ðông - Tây (EWEC) mở ra, U-đon Tha-ni đã đón đầu, hội nhập, khai thác tốt tuyến du lịch đường bộ qua Viêng Chăn (Lào) sang Vinh - Hà Nội - Hạ Long (Việt Nam) và khai thác thế mạnh "trời cho" quy hoạch bảy khu du lịch với 39 điểm đến (gồm bảy danh thắng, 12 vườn sinh thái, 20 di tích lịch sử). Trong đó có Di sản thiên nhiên thế giới Bản Chiêng, làng dệt Bản Mên, bảy ngôi đền thờ Phật là Phra Thạt Pôn-thong, Phra Thạt Bản-điêm, Phra Thạt Nang-phên, Phra Thạt Ðon-kẹo, Phra Phút-tha-bạt Bua-bốc, Phra Phút-tha-bạt Bua-ban và Phu Phra-bạt đều tọa lạc trên khuôn viên rộng nằm sát tỉnh lộ. Du khách đến thăm đền đều bỏ giày dép ở ngoài cửa, đi nhẹ, nói khẽ, thắp hương, đặt hoa, lễ, tiền công đức một cách trật tự. Vì vậy các ngôi đền không hề ồn ào, sân đền, bàn thờ, đâu cũng sạch tinh, gọn ghẽ. Các quầy bán hàng lưu niệm ở lối vào ngăn nắp, dễ chịu nhất là các chủ quầy hàng luôn nở nụ cười tươi rói với khách. Ở các làng nghề cũng vậy. Hàng hóa bày la liệt. Chủ hàng mời chào khách đon đả, giới thiệu tỉ mỉ "lai lịch" hàng hóa, vui lòng hướng dẫn khách thao tác làm một vật gì đó và bao giờ cũng hẹn gặp lại.
Ðược hỏi về lợi ích mà các dự án GMS, EWEC mang lại, Tỉnh trưởng U-đon Tha-ni Xay-da-phon Rắt-ta-nạ-na-kha nêu ngắn gọn: U-đon Tha-ni sẽ được lợi rất nhiều mặt kinh tế, thương mại, du lịch, văn hoá và quan trọng là chuyển giao công nghệ. Ông khẳng định: "Ðể đón trước những bước phát triển mới quan hệ giữa Thái-lan và Việt Nam, chúng tôi chủ trương xây dựng Khu di tích Hồ Chí Minh tại chính làng Noọng Ôn - địa danh mà các bậc tiền bối cách mạng Việt Nam đã từng hoạt động cứu nước".
Là người trực tiếp chịu trách nhiệm dự án xây dựng Khu du lịch Noọng Ôn, ông Huyện trưởng Phi-sụt Khô-sịt nói: "Tôi được biết ý tưởng xây dựng Khu di tích này từ hai năm trước và rất vinh dự có một di tích như thế tại địa phương". Ông rất kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh vì ông biết Bác Hồ là người vận động toàn dân Việt Nam giành độc lập thống nhất Tổ quốc. Ðó là nguyên nhân khiến ông hào hứng tham gia dự án này. Ông cho rằng, Việt Nam và Thái-lan có chung ý tưởng giành độc lập cho nhân dân. Mấy cụ lớn tuổi người Thái-lan và Việt kiều vẻ mãn nguyện kể rằng "già Thầu Chín là con người đặc biệt lắm, rất giản dị, nói năng nhã nhặn, hiểu nhiều, biết rộng, thạo cày ruộng, trồng cây, bắt cá, đóng gạch, dạy thanh niên Việt Nam làm cách mạng, rất yêu thương trẻ em".
Bằng những nghĩa cử và tấm lòng thành kính hướng về Bác với mong muốn phục dựng lại di tích, bà con Việt kiều đã quyên góp số tiền khá lớn mua lại khuôn viên gần 1.000 m2, nơi Người đã ở và hoạt động năm xưa tại Noọng Ôn rồi chuyển giao cho UBND xã Xiêng Phin tiến hành khôi phục di tích. Với sự quan tâm tích cực của chính quyền sở tại, sự hỗ trợ về mặt chuyên gia tư vấn của Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà cũ của Bác được dựng theo nguyên mẫu ban đầu; Nhà đa năng, phòng chiếu phim, đọc sách, hệ thống âm thanh, chiếu sáng... được sửa sang, nâng cấp và xây dựng mới bằng tiền do bà con Việt kiều, cá nhân, tổ chức trong nước đóng góp. Ðến nay, di tích Bác Hồ ở Noọng Ôn đã trở nên khang trang, sạch đẹp. Tổng cục Du lịch Thái-lan nhận định: "Việt Nam là đối tác gần gũi, chặt chẽ với Thái-lan. Chủ tịch Hồ Chí Minh sống trong muôn triệu trái tim Việt Nam. Dự án Khu du lịch Noọng Ôn rất hấp dẫn du khách quốc tế vì gắn với một mốc son lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam". Theo Ban quản lý xây dựng Khu di tích Bác Hồ, từ khi khánh thành Nhà đa năng (năm 2010), khách thăm đông hơn, nhất là những kỳ cuối tuần lượng khách đến thăm lên tới vài trăm người. Những du khách đến từ Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga, Ô-xtrây-li-a, Pháp, Ðức... xúc động sâu sắc khi xem các hiện vật, hình ảnh trưng bày, họ hỏi rất nhiều về Bác và chụp nhiều ảnh kỷ niệm.
Tỉnh trưởng Xay-da-phon chia sẻ với chúng tôi niềm xúc động trước tấm tình sâu nặng của bà con Việt kiều đối với quê hương, đất nước. Ông cho biết: U-đon Tha-ni sẽ giữ gìn phát triển Khu di tích Noọng Ôn, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc thành điểm du lịch nổi tiếng, góp phần tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa Thái-lan với Việt Nam và các nước. Ông khẳng định điều đó là hiện thực vì các nước trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng đều có điều kiện thuận lợi triển khai những tua du lịch đã được nhiều người lựa chọn "Một điểm đến nhiều quốc gia".