Sử dụng hiệu quả nguồn vốn mục tiêu quốc gia về văn hóa

13:57, 15/07/2013

Với tổng mức đầu tư 1.809 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (trong đó có 926 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 883 tỷ đồng vốn ngân sách sự nghiệp), việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về văn hóa trong ba năm từ 2011 đến 2013, đã đạt được những kết quả nhất định trong các lĩnh vực: bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi, giải trí cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo; phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống; tăng cường năng lực cán bộ văn hóa cơ sở.

Các mục tiêu chương trình được thực hiện mang ý nghĩa quan trọng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là cộng đồng dân cư tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những nơi còn nhiều khó khăn; góp phần mở rộng giao lưu, hội nhập trong nước và quốc tế, khẳng định vị thế của nền văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề đòi hỏi  nỗ lực giải quyết một cách đồng bộ, dứt điểm, nhất là về bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng chậm, không hợp lý hoặc không ưu tiên cho các mục tiêu văn hóa, chưa tích cực huy động các nguồn lực cùng tham gia, gây tác động tiêu cực làm chậm tiến độ triển khai các dự án của chương trình; không theo kế hoạch đã lập khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không nắm được tình hình thực hiện và khó điều hành; tùy tiện trong sử dụng nguồn vốn của chương trình làm ảnh hưởng đến phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với địa phương trong xây dựng kế hoạch, thống nhất chỉ đạo điều hành.

 

Ðể các mục tiêu chương trình được triển khai hiệu quả, các địa phương cần quan tâm bố trí nguồn vốn đối ứng dành cho mục tiêu văn hóa; chủ động có biện pháp tích cực huy động các nguồn lực tham gia nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có các nguồn vốn đầu tư từ xã hội hóa thông qua các cơ chế ưu đãi cùng các nguồn vốn thu bán vé tham quan, đóng góp công đức và những hoạt động dịch vụ văn hóa khác. Thực hiện  xã hội hóa cũng không có nghĩa là bằng mọi giá mà phải đúng mục tiêu đề ra nhằm phục vụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Ðặc biệt, cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình, nhất là ở các cấp cơ sở để tạo sự hỗ trợ, quan tâm cùng chung tay đóng góp của cộng đồng. Trong quá trình thực hiện dự án, các địa phương nên có kế hoạch phối hợp đồng bộ, lồng ghép những chương trình ở địa bàn với dự án được ngân sách trung ương đầu tư. Quá trình thực hiện chương trình cho thấy, ở các dự án trùng tu, tôn tạo di tích, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn ít địa phương quan tâm đầu tư đồng bộ, do đó không đẩy mạnh được việc khai thác du lịch, tạo nguồn thu đầu tư cho các di tích về lâu dài.

 

Mặt khác, các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình MTQG về văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong từng giai đoạn và hằng năm đã được cân đối để thực hiện, vì vậy, cơ chế điều hành chương trình phải được xây dựng rõ ràng nhằm khắc phục tình trạng địa phương phân bổ lại vốn không đúng mục tiêu, dự án của chương trình đã được phê duyệt.