Chuyện suy thoái môi trường, cảnh quan tại các di tích, điểm du lịch, lễ hội luôn là vấn đề “nóng”. Nhưng dự thảo thông tư về bảo vệ môi trường ở các khu vực này lại chưa “đo” được hết và có khả năng giảm độ “nóng” này.
Một “chuyển động” mới đang ở bước chuẩn bị nhưng rất đáng quan tâm và thể hiện sự tích cực nhất định, đó là việc đăng tải để lấy ý kiến và dự thảo lần 2 Thông tư liên tịch giữa hai Bộ VHTT&DL và Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Vấn đề môi trường vốn chưa trở thành trọng tâm hoặc còn ít được quan tâm trong các văn bản quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội và du lịch, bảo tồn di sản…, nay trở thành tâm điểm. Càng ý nghĩa khi hiện nay ở rất nhiều nơi, cảnh quan di tích, điểm du lịch bị phá hoại, xâm lấn, môi trường trong các hoạt động sự kiện, lễ hội bị ô nhiễm.
Nhưng cũng chính vì sự đa dạng, phức tạp của thực trạng này mà qua dự thảo, người viết bài này thấy cần bổ sung thêm nhiều nội dung cũng như từ ngữ để bảo đảm sự bao quát, sâu sát và sát thực khi thông tư được chính thức ban hành.
Ngoài Chương I về những quy định chung, dự thảo có các chương riêng về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội và bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Nhưng nhìn vào chương nào cũng thấy vẫn còn những điểm hổng, dễ trở thành khe để lách luật khi xảy ra vi phạm. Cũng như còn có không ít thực tế bị bỏ sót.
Chỉ tính riêng ở Chương I, trong Điều 4 của chương này đã có vài điểm chưa hợp lý. Khoản 2 Điều 4 yêu cầu niêm yết quy định bảo vệ môi trường tại các cơ sở. Nhưng thực ra mỗi cơ sở đều đã có bảng quy định chung về giữ gìn an ninh, trật tự, văn minh, vệ sinh, môi trường… Nếu cần, chỉ bổ sung là đủ, đâu phải niêm yết thêm để tăng lên lắm bảng, biểu, làm rối thêm không gian di tích, điểm du lịch?
Tiếp đến, Khoản 4 điều này yêu cầu thông báo và xử lý khi chất lượng môi trường tại các hoạt động du lịch, lễ hội không đạt mức chỉ tiêu theo quy định. Cần bổ sung thêm các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, vì ở những nơi này khi đông người hoặc khi nhiều người vô ý thức, sẽ có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, xâm hại cảnh quan.
Ở Điều 5 về trách nhiệm bảo vệ môi trường tại cơ sở, tại Khoản 2, ngoài các từ như “tuyên truyền, giáo dục, vận động”, cần phải thêm từ “yêu cầu” để việc bảo vệ phải trở thành nhiệm vụ chứ không chỉ là tự nguyện. Khoản này dùng từ “khuyến khích hoạt động bảo vệ môi trường” là quá nhẹ. Đã là khuyến khích thì người ta có thể không cần tuân thủ và dễ có lý lẽ để “chống lại” khi vi phạm, xâm hại đến môi trường.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm nội dung thường xuyên cải tạo, củng cố, phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp… Đồng thời, cùng với việc xây dựng thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, cần có nội dung yêu cầu việc sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ phải tôn trọng, không gây hại đến môi trường. Chỉ khách hành hương, tham quan, du khách là chưa đủ, mà những người “sống nhờ” di tích, di sản, điểm du lịch, lễ hội… càng phải nghiêm túc chấp hành quy định này.
Cũng ngay ở Khoản 3 của điều này với nội dung tập trung vào quản lý và xử lý chất thải, thì lại “nảy” ra nội dung không liên quan, nói về chống tiếng ồn, độ rung. Vấn đề ô nhiễm âm thanh vốn bị phê phán gay gắt nhiều năm qua, nhất là vào các dịp lễ hội, cần được đưa thành một mục riêng với những quy định cụ thể. Trong đó có yêu cầu về việc tính toán, đo đạc nhằm chống sự hỗn tạp, âm thanh vượt mức cho phép tại các cơ sở.
Dự thảo dành riêng Điều 7 để nói về nhà vệ sinh ở cơ sở, nhưng ngoài Khoản 1 đòi hỏi phải xây dựng, bố trí theo quy định của pháp luật, thì Khoản 2 lại chỉ “khuyến khích” thực hiện các quy định như có biển chỉ dẫn, vị trí thuận lợi, khu vực vệ sinh riêng cho nam, nữ, dọn dẹp khi có mật độ sử dụng cao… Đây là những điều kiện cần thiết để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hoạt động văn hoá, du lịch, tâm linh. Cho nên đừng chỉ “khuyến khích”, mà phải trở thành yêu cầu bắt buộc.
Đọc toàn bộ dự thảo, dễ thấy các nhà soạn thảo thiên về bảo vệ cái đã có, phòng chống những vi phạm xâm hại đến môi trường có khả năng xảy ra, còn việc củng cố, cải thiện và làm đẹp hơn những môi trường, cảnh quan di tích, điểm du lịch, lễ hội thì gần như chưa nói đến.
Thií dụ, Điều 3 Chương I mới chỉ yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường khi có hoạt động xây mới, bảo quản, tu bổ… Vậy khi không và chưa có các hoạt động này, chẳng lẽ những người có trách nhiệm không phải đánh giá và cam kết? Điều này cần thêm yêu cầu: đối với các điểm di tích, du lịch đang hoạt động bình thường vẫn phải có đánh giá thực trạng và kế hoạch bảo vệ, cải thiện môi trường theo định kỳ.
Đây là nội dung lớn và quan trọng rất cần bổ sung trong toàn bộ dự thảo. Bởi môi trường, cảnh quan đang bị xem nhẹ ở nhiều cơ sở. Trong xây dựng mới, trùng tu, tu bổ…, mật độ các công trình xây dựng và bê tông hoá đang lấn át dần màu xanh cây cối, mặt nước. Các hồ ao ở khu vực di tích, điểm du lịch thường xuyên bị đe doạ thu hẹp hoặc làm bẩn.
Dự thảo cần đưa ra yêu cầu đối với tất cả các địa phương, cơ quan chức năng, ban quản lý các cơ sở về trách nhiệm trong việc tạo dựng cảnh quan, mỹ quan, cải thiện, củng cố và không ngừng nâng cấp để môi trường ở đây. Làm đẹp cho môi trường quanh di tích, danh thắng, điểm du lịch… chính là cách phòng chống ô nhiễm môi trường tốt nhất.