Khoảng 22 giờ ngày 15/8, tại vùng biển thuộc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân đã phát hiện thêm con tàu cổ thứ hai cách con tàu cổ trước khoảng 100m và nằm sát với bờ biển.
Tuy nhiên, do phát hiện vào ban đêm nên công tác bảo vệ con tàu gặp nhiều khó khăn.
Ngay sau khi phát hiện tàu cổ, nhiều ngư dân đã tập trung về đây để khai thác cổ vật trong con tàu. Sáng 16/8, nhiều tàu của ngư dân tập trung tại khu vực này đã dùng những phương tiện thô sơ như máy hút cát, đồ lặn, dây hơi để lặn xuống tìm cổ vật. Ngư dân đã tìm được nhiều cổ vật như bát, đĩa sành, sứ vẫn còn khá nguyên vẹn.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phát hiện tàu đắm, ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội biên phòng tìm mọi cách tiếp cận, khoanh vùng để bảo vệ tàu đắm chứa cổ vật. Tuy nhiên, do lượng tàu thuyền của ngư dân quá lớn cũng như sự liều lĩnh của một số ngư dân, nên lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn để tiếp cận và bảo vệ tàu cổ đắm.
Ngư dân Nguyễn Thịnh cho biết từ mặt nước xuống đến tàu cổ đắm khoảng 2m, trong sáng 16/8 đã tìm được một số bát, đĩa cổ nhưng đồ vỡ cũng rất nhiều.
Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du tịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh, huyện Bình Sơn cũng như xã Bình Châu tiến hành tuyên truyền để nhân dân hiểu được đây là di sản văn hóa dưới nước, là tài sản Quốc gia nên không được khai thác trái phép. Nhờ vậy, hiện nay nhiều ngư dân đã rời khỏi khu vực có con tàu cổ đắm. Muốn khai quật con tàu này, cần phải thăm dò lại và làm đúng theo trình tự khoa học.
Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi cho biết qua những chiếc bát, đĩa mới phát hiện thì niên đại của con tàu này muộn hơn tàu trước. Và đây là con tàu cổ thứ ba được phát hiện tại vùng biển Bình Châu này tính từ năm 1998. Điều này chứng minh rằng khu vực này trước đây là nơi neo trú của nhiều tàu thuyền./.