Trong những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), Việt Nam đã tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa - nghệ thuật.
Giao lưu văn hóa nghệ thuật đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, duy trì giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; trở thành thành tố nổi bật trong ngoại giao văn hóa và quan hệ quốc tế của nước ta.
Hiện nay và trong thời gian tới, Việt Nam tham gia hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, không chỉ trong kinh tế mà ở nhiều lĩnh vực, kể cả văn hóa - nghệ thuật (VHNT) và chính VHNT có tác động tích cực đối với phát triển hợp tác quốc tế (HTQT) của nước ta. Những năm qua, hoạt động VHNT Việt Nam do Nhà nước ta tổ chức, triển khai tại nước ngoài hoặc do người Việt Nam ở nước ngoài tiến hành (có sự hỗ trợ từ trong nước), diễn ra sôi động với nhiều hình thức đa dạng, đã góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu quốc gia Việt Nam; mở đường cho sự tiếp xúc, hợp tác đầu tư của nước sở tại vào Việt Nam; bảo tồn giá trị văn hóa, ngôn ngữ tiếng Việt và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng Việt kiều, khẳng định dòng chảy của văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Qua đó, có thể khẳng định, VHNT có vai trò cơ bản trong hoạt động quan hệ quốc tế.
Trước hết, việc triển khai chính sách hợp tác quốc tế trong VHNT của nước ta là nhằm duy trì giá trị văn hóa và tinh hoa văn hóa Việt Nam tại các nước sở tại. Giao lưu, hợp tác VHNT chính là quá trình tiếp xúc, trao đổi, tiếp biến, dung nạp, nâng cao... các giá trị văn hóa, sản phẩm VHNT, trình độ sáng tạo, mức độ thụ hưởng đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Từ đó, tăng cường sự hiểu biết của những nền văn hóa với những đặc thù VHNT riêng; có thể khẳng định sự độc đáo của mình trong môi trường, quy mô văn hóa rộng hơn, mang tính nhân loại, quốc tế. Thực tế là trong hội nhập toàn cầu và giao lưu quốc tế, việc bạn bè quốc tế có thể hiểu đúng hay không đúng về Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào sự quảng bá văn hóa của Việt Nam. Thời đại mới đặt ra các cơ hội và thách thức cho hoạt động quan hệ quốc tế ở nhiều lĩnh vực, trong đó có VHNT. Vì thế, nước ta cần chủ động đón nhận các cơ hội phát triển cũng như vượt qua các thử thách để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại...
Ðẩy mạnh đồng bộ hoạt động HTQT trong VHNT của Nhà nước phải chú trọng toàn diện các mặt. Nhà nước đề ra các chính sách HTQT, chiến lược, sách lược, kế hoạch, luật pháp, quy định, định hướng, hỗ trợ (cả vật chất, kinh phí, nhân lực...), chú trọng thứ tự các đối tác nước ngoài ưu tiên, lĩnh vực ưu tiên. Nhà nước giao cho ngành chức năng tổ chức cho cán bộ, văn nghệ sĩ, học giả, nhân dân... triển khai sao cho phù hợp với từng đối tác. Nhà nước sử dụng các Diễn đàn quốc tế quan trọng về VHNT, giáo dục (UNESCO, UNDP, UNIDO...) để đề xuất sáng kiến vì cộng đồng và quảng bá VHNT nước nhà tới từng đối tác. Nhà nước chú trọng tới người Việt Nam ở nước ngoài như là cộng đồng ruột thịt, gắn với đất nước về nhiều mặt, trong đó có việc họ tham gia HTQT về VHNT tại nước sở tại... Cần nói thêm rằng VHNT nếu phát huy được "sức mạnh mềm" của mình có thể thể hiện được một hoặc nhiều tác dụng sau đây trong đối ngoại: mở đường, giao lưu, xúc tác, thân thiện, khích lệ, thẩm thấu, lan tỏa,...
Bên cạnh đó, hoạt động VHNT Việt Nam tại nước ngoài tác động tích cực đến đường lối chính trị đối ngoại, hợp tác quốc tế của đất nước. Các hoạt động VHNT Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có ý nghĩa trực tiếp đối với những người Việt Nam ở xa Tổ quốc, mà còn là một kênh thông tin quảng bá, làm lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ sự giao lưu, cộng sinh, tương tác, lan tỏa về văn hóa, giữa cộng đồng người Việt Nam và cư dân nước sở tại có thêm một sự kết nối gắn bó, thân thiết hơn, tăng hiệu quả thực chất các mối quan hệ quốc tế cho Việt Nam; đồng thời góp phần xây dựng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước có kiều bào ta sinh sống, nâng cao vị thế đất nước, tạo tình cảm thân thiện tốt đẹp của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam. Các đoàn (văn nghệ sĩ, học giả, nhà báo, nghệ nhân, nhà sáng tác, ca sĩ, nhà biểu diễn...) trong nước sang hoạt động VHNT vì mục tiêu HTQT, sẽ có dịp trao đổi nghề nghiệp không chỉ với những người nước ngoài cùng chuyên môn, mà còn với giới văn nghệ người Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, vừa nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, có thêm quan hệ, tác động tích cực trở lại cho chính sách HTQT về VHNT của Nhà nước ta.
Các hoạt động VHNT mang tính hợp tác quốc tế và quảng bá vị thế đất nước ta do các Ðại sứ quán và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại các nước, giúp cho bà con Việt kiều hiểu hơn về thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội trong nước và vị thế của đất nước, được tận mắt chứng kiến những thành quả của công cuộc đổi mới, chứng kiến sự thay đổi của quê hương thân yêu. Ðây chính là thực tiễn có tính thuyết phục mạnh mẽ nhất làm cho kiều bào chuyển biến về nhận thức, tự phủ nhận những thông tin không đúng về Việt Nam; bày tỏ thái độ ủng hộ Tổ quốc, tự giác chống lại âm mưu phá hoại tuyên truyền chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, HTQT... Mặt khác, có tác dụng làm cho đông đảo công chúng sở tại hiểu đúng, tin cậy, ủng hộ, hợp tác với Việt Nam.
Hoạt động VHNT của Việt Nam tại nước ngoài phải trở thành thành tố nổi bật trong ngoại giao văn hóa và trong quan hệ quốc tế. Ngày nay, các chủ thể, phương tiện chuyển tải các giá trị VHNT đa dạng, mở rộng hơn nhiều so với trước đây. Không chỉ các cơ quan Nhà nước, mà cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân người Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể chủ động làm việc này. Loại hình VHNT có điều kiện để quảng bá cũng đa dạng hơn, được trao đổi, tiếp thu tinh hoa VHNT thế giới nhiều hơn. Do vậy, hoạt động VHNT cần trở thành điểm sáng, điểm nhấn trong ngoại giao văn hóa nói riêng và đối ngoại của nước ta nói chung.
Các đối tượng chúng ta hướng tới hiện nay rộng lớn và đa dạng. Cần phải tiếp cận ở góc độ toàn diện, liên thông, phải chú ý ngay từ khâu chính sách, cách tổ chức, triển khai, tổng kết, nhìn toàn cục về VHNT từ chính môi trường trong nước, để từ đó triển khai hợp tác quốc tế về VHNT hiệu quả ra nước ngoài. Phải đưa các chương trình, kế hoạch HTQT trong VHNT vào chiến lược, chính sách ngoại giao văn hóa của Nhà nước để triển khai đồng bộ cả ở trong nước và nước ngoài một cách nhịp nhàng, khoa học. Do vậy, khi nói đến ngoại giao văn hóa thì không chỉ nhằm tới các hoạt động ở ngoài nước, mà cần chú trọng cả các hoạt động văn hóa trong nước phục vụ khách nước ngoài. Ðối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần được chú trọng đặc biệt. Ngành chức năng có thể huy động họ trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa Việt Nam đặc sắc, mang nhiều lợi thế nhất tới bạn bè thế giới, góp phần thúc đẩy lĩnh vực HTQT của Việt Nam trong quan hệ song phương, đa phương.
Hoạt động VHNT của người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, tạo cơ hội cho thế hệ Việt kiều trẻ tìm hiểu về cội nguồn dân tộc, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếng Việt; tạo điều kiện cho họ tham gia hoạt động HTQT đúng với sở trường, nguyện vọng, khả năng của họ đóng góp cho Tổ quốc. Những hoạt động VHNT nhằm bảo tồn văn hóa Việt Nam ở nước ngoài do chính bà con Việt kiều tổ chức đã giúp cho họ xây thêm "cây cầu" nối tinh thần với Tổ quốc, gắn bó, có trách nhiệm với Tổ quốc, phát huy được "vai trò kép" của mình trong nhiều hoạt động, kể cả hoạt động HTQT với nước sở tại và các nước khác. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động VHNT, giao lưu HTQT đối với cộng đồng Việt kiều, phải chú ý đến vai trò của ngôn ngữ tiếng Việt hơn nữa. Vì "ngôn ngữ là thành tố căn bản nhất của mọi nền văn hóa và truyền thống văn hóa".
Hoạt động VHNT trong tổng thể chính sách HTQT, thúc đẩy các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; Hội đoàn Người Việt Nam ở nước ngoài lớn mạnh - đó là các nhân tố mở rộng quan hệ quốc tế cho đất nước. Việc phát triển các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần lựa chọn địa bàn ưu tiên, có thể kết hợp đầu tư Nhà nước với các đối tác phù hợp và phục vụ được nhiều mục đích, hiệu quả, cân đối được thu chi. Ðây là những nhịp cầu trong quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa đối ngoại, thúc đẩy Việt kiều hướng về cội nguồn, hướng về Tổ quốc. Ðó là những điểm đến tin cậy, lý thú cho cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc và bạn bè quốc tế có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về đất nước, con người và truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và Hội đoàn Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần tích cực vào thành công chung của hoạt động ngoại giao Việt Nam nói chung và HTQT trong các lĩnh vực, trong đó có VHNT, trên con đường hội nhập và phát triển bền vững, lâu dài.
Có thể nói, VHNT có vai trò đặc biệt, là điểm nhấn lung linh, tỏa sáng, là "sức mạnh mềm" của ngoại giao văn hóa và hoạt động HTQT của nước ta hiện nay. Nhìn tổng thể, sự xuất hiện của VHNT Việt Nam tại nước ngoài đã góp phần mở rộng các quan hệ hợp tác, quan hệ giao lưu đa dạng của nước ta với thế giới. Thấy rõ vai trò to lớn của VHNT, các ngành chức năng nước ta đã và đang xây dựng các chính sách Ngoại giao văn hóa, HTQT bài bản hơn, gắn với hiệu quả và tầm nhìn lâu dài. Chắc chắn rằng, nếu sử dụng VHNT đúng tầm, thích hợp thì con đường HTQT của Việt Nam sẽ thuận lợi, rộng mở, là nhân tố tích cực tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với nhiều nước, nhiều đối tác khác nhau.