Giáo sư Văn Tân - “luồng gió nóng” của làng sử học Việt Nam

09:58, 24/09/2013

“Nếu trong cuộc đời một nhân vật, di sản đáng quý để lại cho thế hệ sau không phải là quyền cao chức trọng, mà là những gì có sức tồn tại lâu bền trong lịch sử thì Giáo sư Văn Tân quả là một nhà văn hóa lớn của chúng ta!”.

Giáo sư Văn Tân tên thật là Trần Đức Sắc, sinh năm 1913 ở thôn Kim Hoàng - Thọ Nam, nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Giáo sư mất năm 1988, thọ 75 tuổi, trong đó, ông có tới gần 60 năm tuổi Đảng, 10 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc mà di chứng để lại là đôi chân gần như bị liệt của ông.

Giáo sư Văn Tân vốn xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước. Sinh vào ngày đầu tháng 9, mất vào ngày cuối tháng 9, đến nay là vừa tròn 100 năm ngày sinh và 25 năm ngày mất của ông.

Trước tiên, phải nhắc đến Văn Tân trong vai trò một nhà cách mạng, sau ông chuyển sang hoạt động trong các cơ quan báo chí của Đảng như báo Tin Tức, báo Cứu Quốc. Sau nữa, ông chuyển sang cơ quan nghiên cứu của Đảng (Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa) và dần chuyển thành nhà sử học chuyên nghiệp hồi thập niên 1950-1960, đây cũng chính là thời kỳ thành lập Viện Sử học.


Ngày ấy, “Tổ Cổ sử” của Viện Sử học có những tên tuổi mà giới sử gia Việt Nam hôm nay gọi là những cây đại thụ và cổ thụ, gồm Trần Văn Giáp, Trần Văn Khang, Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Nguyễn Đổng Chi…, “Tổ Phiên dịch” có những nhà Hán học uyên thâm như Phạm Trọng Điềm, Đỗ Mộng Khương… Đứng đầu hai tổ là Giáo sư Văn Tân.

Ngày ấy, giới sử gia Việt Nam chỉ có một diễn đàn duy nhất để trao đổi và công bố những công trình nghiên cứu, đó là tờ nguyệt san Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Điều hành tờ báo này cũng chính là Giáo sư Văn Tân.

Cuộc đời và sự nghiệp “cây đại thụ”, “luồng gió nóng” của làng sử học Việt Nam

Giáo sư sử học Lê Văn Lan thuở còn là nhân vật ‘trẻ nhất làng” cổ sử của Viện Sử học đã từng được chính Giáo sư Văn Tân hướng dẫn công tác nghiên cứu, nhớ lại người thầy dạy nghề của mình, Giáo sư Lê Văn Lan nói:

“Giáo sư Văn Tân đương thời từng lao mình vào nghiên cứu các lĩnh vực sử cổ và trung đại, ông tung hoành, chiếm ngự không sót một mảng đề tài nào. Ông gây ấn tượng như một “học giả quyền uy”, một ông tướng “múa gậy vườn hoang” bởi đây chính là thời kỳ khai phá của một nền sử học mới. Ông cùng với những nhà sử học thời đó đã tạo nên tiền đề cho thế hệ các nhà sử học hôm nay được suy ngẫm về khoa học lịch sử”.

Giáo sư Văn Tân có biệt tài viết rất nhanh. Một luận văn, ông chỉ cần vài ngày đã hoàn thành. Cả cuốn “Lịch sử Việt Nam” dày 217 trang, ông chỉ viết trong hơn một tháng. Tập sách hoàn chỉnh đầu tiên viết về Nguyễn Trãi được ông viết xong trong 10 ngày.

Giáo sư Văn Tân chính là cây đại thụ mọc lên vùn vụt, tỏa rợp bóng trên lĩnh vực cổ sử. Ông cũng là luồng gió nóng thổi vào những tranh luận, hùng biện hấp dẫn, thú vị trong lĩnh vực nghiên cứu này.

Ông là một cây bút chiến sắc sảo, một nhà hùng biện sôi nổi. Trong những cuộc thuyết trình trước hàng nghìn người, Văn Tân với đầu óc mẫn tiệp và giọng nói sang sảng, thu hút sự hứng thú và thán phục của tất cả mọi người.

Nhiều người nghĩ Giáo sư Văn Tân có tài hùng biện bẩm sinh nhưng theo Giáo sư Lê Văn Lan, kỳ thực không hề bẩm sinh chút nào. Chính Giáo sư Lê Văn Lan đã từng tận mắt thấy ông khổ công chuẩn bị cho mỗi buổi thuyết trình như thế nào.

Trong khi các diễn giả thường đọc những bài viết sẵn hoặc chít ít cũng cầm tờ đề cương có viết những đoạn trích dẫn để khỏi phải học thuộc lòng, Giáo sư Văn Tân ngược lại, không bao giờ cầm một tờ giấy nào lên bục diễn thuyết. Thực ra, ông đã đọc đi đọc lại những điều cần nói không biết bao nhiêu lần.

Giáo sư Văn Tân vẫn thường dặn các “đồ đệ” như Giáo sư Lê Văn Lan, Giáo sư Nguyễn Danh Phiệt, Phó Giáo sư Vũ Huy Phúc… bằng câu nói nổi tiếng của Lê Quý Đôn: “Bụng không chứa ba vạn quyển sách, mắt không nhìn thấy khắp núi sông thiên hạ thì vị tất đã làm được văn hay”.

Vì vậy, ông luôn có ý cho các “đồ đệ” được đi cùng trong những chuyến công tác. Đối với Giáo sư Lê Văn Lan, đó chính là sự bình đẳng, là tình cảm thân thiết giữa người thủ trưởng, người thầy với cấp dưới, với cậu học trò.

Dẫu việc đi lại với Giáo sư Văn Tân thật khó khăn do ông bị liệt một bên chân nhưng ông vẫn đi rất nhiều. Những chuyến khảo sát giúp ông thu thập tài liệu cho những đề tài mà thư tịch còn mờ mịt.

Ông cũng đi thuyết trình lịch sử ở khắp các cơ quan, địa phương, cứ đâu mời là ông hăm hở đi, không từ chối một ai, ông thường bảo: “Sử học là tài sản của toàn dân”. Đến cuộc thuyết trình nào, ông cũng không quên bảo thẳng ban tổ chức: “Này, đừng bày vẽ tiệc tùng hay trả tiền thù lao nhé”.

Khi tới “nói chuyện sử học” với người dân, ông luôn dùng ngôn ngữ bình dị, được người dân yêu mến gọi là “cụ Văn Tân sử học”. Ông khoái chí lắm và thường nói với các anh em trẻ: “Họ mới chính là người làm ra lịch sử. Chúng ta chỉ chép sử thôi”.

Từ cuối thập niên 1950, Giáo sư Văn Tân đã khẳng định rằng giáo dục lịch sử dân tộc đóng một vai trò hết sức trọng yếu: “Lịch sử dân tộc là môn học có điều kiện giáo dục lòng yêu nước, ý thức giao cấp, quan điểm và lập trường giai cấp… Chúng ta lơ là về mặt giáo dục lịch sử dân tộc” (Trích ý kiến trao đổi để xây dựng quyển Thông sử Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa, số ra tháng 12/1958).

Thế hệ những người làm sử học hôm nay có điều kiện sống và làm nghề thuận lợi hơn hẳn trước kia, lại có may mắn được “đứng trên vai những người khổng lồ” thuộc các thế hệ nhà nghiên cứu đi trước.

Nước nhà và các bậc tiền bối kỳ vọng họ có thể tạo nên những đột phá mở ra triển vọng lớn cho nền học thuật nước nhà. Bảo bối dành cho thế hệ hôm nay không gì khác chính là bí quyết mà thế hệ đi trước đã “thuộc nằm lòng” - Dù điều kiện tối thiểu nhưng hãy cống hiến tối đa - đó cũng chính là những gì mà cả cuộc đời Giáo sư Văn Tân đã thực hiện.

Đầu năm 1988, để tưởng nhớ Giáo sư Đào Duy Anh, Giáo sư Văn Tân đã viết bài “Đào Duy Anh - một nhà văn hóa lớn, một nhà sử học lớn” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, giờ đây, xin được mượn lại câu kết trong bài báo ấy để nói về chính ông (trích lời Phó Giáo sư Vũ Huy Phúc):

“Nếu trong cuộc đời một nhân vật, di sản đáng quý để lại cho thế hệ sau không phải là quyền cao chức trọng, không phải là của cải vàng bạc, mà là những gì có sức tồn tại lâu bền trong lịch sử thì Giáo sư Văn Tân quả là một chiến sĩ cách mạng, một nhà văn hóa lớn của chúng ta!”.

(Bài viết sử dụng tư liệu của GS sử học Lê Văn Lan, Phó Giáo sư Vũ Huy Phúc và tác giả Thế Văn)