Là Ðại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, một danh tướng thế giới, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tôn vinh Ðại tướng của nhân dân, người đã cầm quân đánh bại cả hai thế lực xâm lược mạnh nhất ở thế kỷ 20, đó là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một vị tướng nhân văn, vị tướng của hòa bình, am hiểu, gần gũi và rất quan tâm tới hoạt động văn hóa nghệ thuật và giới văn nghệ sĩ.
Tôi nhớ đầu những năm 70 của thế kỷ 20, khi tôi đang nghiên cứu, học tập tại Ru-ma-ni, có một nhà báo người châu Âu gặp tôi nói rằng: Tôi có nguyện vọng sang Việt Nam để viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được gặp Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng và thăm cây cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) có sức chịu đựng hàng tấn bom của đế quốc Mỹ. Cũng tại Thủ đô Bu-ca-rét của nước bạn, tôi gặp một thực tập sinh người An-giê-ri tên là Mô-ham-mét đã từng là lính lê dương tù binh ở mặt trận Ðiện Biên Phủ năm 1954, kể chuyện với tôi rằng, anh thoát chết là nhờ có lòng nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Giáp. Tôi đã viết bài báo kể về cuộc gặp với người cựu tù binh đăng trên Báo Quân đội Nhân dân năm 1974 và sau này nhà văn Ðào Phương đã dựa trên cảm hứng này để viết vở kịch Vào Ðiện Biên.
Tuy rất tôn kính, ngưỡng mộ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng đến thời điểm đầu năm 1990, tôi chưa một lần được gặp ông. Mãi đến tháng 9-1990, tại Hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân Kỷ niệm 100 nămNgày sinh của Người, cũng là dịp UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Chủ trì hội thảo có Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà lãnh đạo khác. Tôi đọc bài tham luận với nhan đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sân khấu dân tộc", trong đó có trích ý của Giáo sư Chu-ma-khơ của CHDC Ðức (trước đây) viết về chiến thắng Việt Nam. Ông đã viết một cách hình tượng: Hồ Chí Minh là tác giả và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là đạo diễn thành công vở kịch "Việt Nam Chiến thắng thần kỳ". Tôi đọc xong được cả hội trường vỗ tay. Khi tôi từ trên bục bước xuống thì Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đến vỗ vai tôi hỏi:
- Ðồng chí lấy đâu ra tư liệu này? Có thể chuyển cho tôi được không?
Tôi thưa: - Dạ! Ðây là phát biểu của nhà nghiên cứu sân khấu người Ðức là Giáo sư Chu-ma-khơ, người đã từng được gặp Bác Hồ nhiều lần và đã viết trên báo như vậy...
Từ lần đầu tiếp xúc trực tiếp đó, tôi được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp biết đến. Ðến tháng 5-1994, khi tôi làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu sân khấu Việt Nam, nhân Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, viện của chúng tôi tổ chức hội thảo khoa học "Nghệ thuật sân khấu với Ðiện Biên Phủ" có triển lãm và biểu diễn vở chèo Mối tình Ðiện Biên của cố tác giả Lưu Quang Thuận do Ðoàn chèo Hà Nội biểu diễn. Chúng tôi mời Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tới xem mấy màn chính trong vở chèo này. Mặc dù trời nóng bức, người xem rất đông, nhưng Ðại tướng vẫn ngồi xem từ đầu đến cuối. Xem xong, ông nói với các nghệ sĩ, diễn viên và các cán bộ của Viện Nghiên cứu sân khấu Việt Nam, đại ý: Tôi rất xúc động và hoan nghênh các nghệ sĩ đã có những đóng góp quý báu dành cho đồng bào và chiến sĩ Ðiện Biên. Ðại tướng cũng nhận xét thẳng thắn: Tác phẩm mới chỉ đề cập đến không khí của những ngày sau khi chiến thắng Ðiện Biên, tiết mục chưa thật sự mang chất chèo mà có phần gần với kịch nói hơn... Ý kiến của Ðại tướng làm cho mọi người phải suy nghĩ là làm thế nào phản ánh chân thực hơn, sâu sắc hơn chiến dịch Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và làm thế nào để những vở chèo đề tài hiện đại có chất chèo hơn...
Một kỷ niệm khác với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là tháng 5-2004, nhân Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam được sự hỗ trợ của báo Sài Gòn giải phóng tổ chức Hội thảo "Văn học nghệ thuật với Ðiện Biên Phủ". Chúng tôi xin gặp Ðại tướng Võ Nguyên Giáp để xin ý kiến về nội dung hội thảo và mời ông tới dự. Ðại tướng khen ngợi ý tưởng này và hoan nghênh các văn nghệ sĩ trước đây đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, là chiến dịch Ðiện Biên Phủ cũng như hiện nay trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ông nói: Tôi sẽ cố gắng tới dự hội thảo này, nếu vì lý do gì đó không đi được thì tôi sẽ cử chị Hà (phu nhân của ông) đi dự thay.
Thật ít thấy một bậc danh tướng, danh nhân nào lại bình dị và chân tình như vậy. Sau hội thảo, ngày 28-4-2004, chúng tôi đến thăm và báo cáo Ðại tướng kết quả hội thảo. Ðại tướng cùng phu nhân đã thân mật tiếp và nghe tôi báo cáo tình hình văn nghệ sĩ đã và đang tiếp tục sáng tác và biểu diễn về đề tài Ðiện Biên Phủ. Ðại tướng rất vui và đánh giá cao những tài năng và cống hiến của văn nghệ sĩ với Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và với Ðiện Biên Phủ nói riêng.
Tiếp theo đó, trong dịp này, tôi lại được cùng đoàn văn nghệ sĩ cả nước lên thăm, tặng hoa cho Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có NSND Chu Thúy Quỳnh, người đã từng biểu diễn ở mặt trận Ðiện Biên Phủ. Gặp chị, Ðại tướng không những nhận ra ngay mà còn nhớ cả những điệu múa mà chị đã biểu diễn ở mặt trận Tây Bắc năm xưa.
Tuy Ðại tướng Võ Nguyên Giáp rất bận, lại phải tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm, nhưng với tôi và nhiều anh chị em nghệ sĩ khác, dường như ông luôn luôn có ưu tiên, cho nên khi nào tôi xin được gặp Ðại tướng, qua thư ký của ông là Ðại tá Nguyễn Văn Huyên, cũng đều được ông nhận lời. Cũng vì vậy, đã nhiều lần, tôi được dẫn nhiều anh em văn nghệ sĩ, trong đó có cả nhà văn một số nước đến thăm Ðại tướng và được ông tiếp và nói chuyện.
Ấn tượng về Ðại tướng Võ Nguyên Giáp rất sâu đậm trong ký ức giới văn nghệ sĩ. Riêng trong trái tim tôi, ông luôn luôn là một danh tướng huyền thoại, một con người vĩ đại, một nhân cách lớn. Không bút mực nào có thể nói hết được những tình cảm của chúng tôi dành cho ông, một học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tài năng và đức độ.