Với chủ đề "Ðiện ảnh - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập", Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 - năm 2013 đã khép lại cùng các giải bông sen vàng, bông sen bạc cho tác phẩm và nghệ sĩ xuất sắc trong số 139 tác phẩm dự giải. Số lượng phim dự thi nhiều, tuy nhiên thẳng thắn đánh giá thì kỳ liên hoan lần này không có nhiều phim hay tham dự.
Như tất cả mọi kỳ liên hoan trước, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 - năm 2013 là dịp để các nghệ sĩ điện ảnh, nhà quản lý, nhà sản xuất phổ biến phim trao đổi kinh nghiệm đồng thời tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững của điện ảnh nước nhà. Trước lễ khai mạc liên hoan phim, một cuộc họp báo khá cởi mở giữa ban tổ chức và các ban giám khảo nhằm giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của báo chí đối với các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan cùng những tác phẩm dự thi.
Ðược báo chí cũng như công chúng quan tâm hơn cả là mảng phim truyện điện ảnh. 29 phim truyện điện ảnh dự giải chứng tỏ liên hoan vẫn là sân chơi mà các đơn vị sản xuất và nhiều nhà làm phim kỳ vọng. Ðạo diễn Ðào Bá Sơn, Trưởng ban giám khảo phim truyện điện ảnh chia sẻ, ông cũng như các thành viên đã gạt hết những định kiến về nhiều luồng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng phim này, phim khác là "thảm họa" phim Việt để có những đánh giá công tâm, chuẩn xác nhất.
Chiến tranh đã qua gần 40 năm, nhưng đề tài về người lính, về chiến tranh cách mạng, thời kỳ hậu chiến mang lại khá nhiều cảm xúc như: Những người viết huyền thoại, Nước mắt người cha. Một số phim thương mại được dàn dựng chuyên nghiệp, cách thể hiện hấp dẫn và lôi cuốn: Scandal - Bí mật thảm đỏ, Thiên mệnh anh hùng... Tuy nhiên còn không ít phim vì chạy theo doanh thu nên làm cẩu thả, hời hợt như Hello cô Ba, Yêu em anh dám không, Hiệp sĩ guốc vông, Bí mật giầu sang... nên cũng dễ hiểu tại sao được coi là "thảm họa". Cá nhân đạo diễn Ðào Bá Sơn cũng không khỏi băn khoăn về khuynh hướng khai thác cái ác, bạo lực, sự tàn bạo nhiều khi lấn át cái hay, cái đẹp, khiến người xem hoang mang.
Trước những thắc mắc về khâu tuyển chọn phim dự thi, Cục trưởng Ðiện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan khẳng định, sẽ sớm đề ra những tiêu chí chọn phim chặt chẽ để chất lượng phim dự thi đồng đều hơn từ kỳ liên hoan tiếp theo. Hai phim truyện điện ảnh Những người viết huyền thoại và Scandal - Bí mật thảm đỏ, một phim theo dòng "chính thống" còn một phim giải trí, nhưng đều được thực hiện bởi một đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, được sự thống nhất tuyệt đối của các thành viên trong ban giám khảo nên cùng nhận giải Bông sen vàng. Ở các hạng mục còn lại, phim dự thi tăng 30% so với mọi năm, phải chăng vì lý do đó hay là vì giải pháp an toàn nên ban giám khảo đã trao rất nhiều giải đồng hạng như đồng giải đạo diễn, quay phim, diễn viên chính xuất sắc...
Liên hoan đã kết thúc, nhưng dư luận về công tác tổ chức một liên hoan phim mang tầm cỡ quốc gia vẫn khiến những người tham dự chưa thật sự hài lòng. Ðây là kỳ liên hoan đúng dịp kỷ niệm lần thứ 60 Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Ðiện ảnh Cách mạng Việt Nam, lễ khai mạc còn là đêm vinh danh nền điện ảnh có bề dày hơn nửa thế kỷ. Mặc dù vậy, những gì diễn ra tại lễ khai mạc thể hiện một sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, từ chuyện thảm đỏ đến những màn múa thừa thãi, vụng về... Công tác khán giả tại liên hoan còn thiếu chặt chẽ dẫn đến những phản ứng từ khán giả, nhất là các bậc phụ huynh khi con em họ phải xem những bộ phim không phù hợp với lứa tuổi. Hưởng ứng liên hoan phim tại tỉnh nhà, nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cho học sinh đi xem phim như là một hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, do sơ suất của Ban tổ chức, vì không dán mác cấm trẻ em dưới 16 tuổi nên bộ phim Scandal - Bí mật thảm đỏ với nhiều cảnh bạo lực, chém giết, cảnh nóng đã khiến cho các em học sinh lớp 7, Trường THCS Cao Xanh hoảng hốt, còn phụ huynh thì vô cùng bức xúc.
Cũng tại liên hoan, những người làm nghề lại có dịp ngồi với nhau để bàn giải pháp phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim thời gian tới. Theo ông Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Ðiện ảnh Việt Nam, vấn đề sản xuất và phát hành phim đã được bàn thảo rất nhiều nhưng dường như tình hình không biến chuyển, không có kết quả cụ thể. Số lượng phim sản xuất ra ngày một tăng, nhưng chất lượng phim là cả một câu chuyện dài. Hội thảo thì nhiều nhưng chưa bàn một cách chi tiết về chất lượng. Quan niệm về chất lượng phim Việt hiện nay cũng chưa thống nhất. Ðề tài và nhân vật là hai vấn đề quan trọng của điện ảnh Việt Nam đương đại chưa được mổ xẻ một cách thấu đáo.