Trong chuyến công tác lên miền biên viễn Cao Bằng của chúng tôi lần này, dường như có linh cảm đặc biệt nào đó mà đồng chí trưởng đoàn cứ động viên anh em nhất định phải vào thăm Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo, nơi ghi dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp quân sự của vị Đại tướng tài ba Võ Nguyên Giáp, mặc dù địa điểm này không có trong lịch trình của đoàn. Và điều mà chúng tôi không ngờ tới là chính buổi chiều hôm đó, 4-10, ngay khi cả đoàn còn đang tham quan di tích đồn Phai Khắt (nơi cách nay 69 năm, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã có trận đánh mở màn toàn thắng), thì nhận được hung tin: Cụ Giáp từ trần.
Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo, thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, nằm cách T.P Cao Bằng hơn 60km về phía Tây Nam. Nơi đây, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập với 34 chiến sĩ là những người ưu tú nhất được lựa chọn từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ với riêng cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam mà với cả nền độc lập, tự do của đất nước sau này. Tại buổi lễ thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã quán triệt Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nêu rõ nguyên tắc tổ chức và nhiệm vụ hoạt động của Đội.
Với quyết tâm “trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội, và đặc biệt trận đầu ra quân phải đánh thắng”, ngày 25-12-1944, Đội đã tiến công hạ đồn Phai Khắt. Ngay trong đêm hôm đó, Đội hành quân 18km đến đồn Nà Ngần và tiêu diệt đồn này trong buổi sáng ngày hôm sau. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngân là chiến công mở đầu cho truyền thống đánh thắng trận đầu và “bách chiến, bách thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng là chiến công mở đầu cho sự nghiệp quân sự huy hoàng với nhiều chiến công hiển hách của vị Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp. Chỉ sau một tuần, Đội đã nhanh chóng phát triển từ Trung đội thành Đại đội và trên đường Nam tiến, Đội đã sáp nhập với Việt Nam cứu quốc quân trở thành Việt Nam Giải phóng quân. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân đội ta ngày càng lớn mạnh, tinh nhuệ, lập nhiều chiến công, sát cánh cùng nhân dân chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Từ thị trấn Nguyên Bình, đi theo Tỉnh lộ 202 khoảng mười tám kilômét, chúng tôi có mặt tại Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo. Khu di tích là một khu rừng già có diện tích trên 200ha với rất nhiều loại cây, trong đó đáng chú ý là những cây sấu cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình từ 15-20 độ C. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng các hạng mục công trình trong Khu di tích để xứng với tầm vóc lịch sử của nó. Ngay khi bước vào Khu di tích, hiện ra trước mắt chúng tôi là bức phù điêu bằng đá khổng lồ khắc ghi hình ảnh của 34 chiến sĩ tuyên thệ dưới lá cờ Tổ quốc trong ngày lễ thành lập. Đây là công trình do Bộ Quốc phòng trao tặng nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-2004).
Chúng tôi bước trên những bậc bê tông đi sâu vào trong khu di tích, dưới tán rừng rậm bao phủ là Nhà bia Trung tâm, nơi ghi dấu những cứ liệu lịch sử quan trọng. Trong đó, trên tấm bia đá 4 mặt có khắc tên của 34 chiến sĩ, trong đó có 2 chiến sĩ là người xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên; Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh và dấu ấn buổi lễ thành lập. Tại đây, chính quyền địa phương đang cho tu bổ, chỉnh trang lại phần sân nền và hệ thống tường bảo vệ Nhà bia. Nằm chếch lên trên, phía bên trong Khu di tích là hai lán nhà binh, xây quay mặt vào nhau, ở giữa là khoảng sân rộng, là nơi 34 chiến sĩ sinh hoạt, nghỉ ngơi sau khi Đội được thành lập, công trình này đã được địa phương tôn tạo lại.
Tại đây, dấu tích về khu giếng nước ăn, nơi tập luyện và hoạt động của Đội vẫn còn và được phục dựng theo nguyên trạng. Từ dưới chân núi, chúng tôi leo 505 bậc bê tông để lên đỉnh Slam Cao, đỉnh cao nhất của dãy núi Khau Giáng, để đặt chân tới vị trí mà trước đây Đội chọn làm đài quan sát. Hai bên lối đi là những thân cây cao vút, dưới mặt đất được phủ một lớp thảm lá khô dày đặc càng tăng vẻ hoang sơ cho cả cánh rừng. Đỉnh Slam Cao là một bãi đất khá phẳng có dựng một cột cờ và nhà bia ghi dấu đài quan sát. Tại đây, vào trung tuần tháng 12-1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã quan sát và nắm rõ hoạt động của kẻ địch tại đồn Phai Khắt. Chính nhờ đó mà trận đánh mở màn tiêu diệt đồn Phai Khắt của Đội diễn ra khá dễ dàng, nhanh chóng.
Để hiểu rõ hơn về trận đánh đầu tiên và vai trò của người chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lúc bấy giờ, chúng tôi đã gặp chị Nông Thị Bích, tuyên truyền viên của Khu di tích, chị Bích cho biết: Đồn Phai Khắt nằm trên sườn núi Pù Đồn, từng là nhà của gia đình ông Nông Văn Lạc, xây năm 1940. Đầu năm 1944, quân Pháp đã chiếm nhà ông Lạc để làm đồn. Ngày 25-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh đồn Phai Khắt, tiêu diệt 1 tên, bắt sống 17 tên và thu được 17 súng. Thực hiện chiến thuật của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông, mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy một lực lượng với 2 súng ngắn, 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy đã lập được chiến công đầu tiên, tạo khí thế mạnh mẽ cho những trận đánh tiếp theo. Hiện nay, đồn Phai Khắt được tu bổ lại và được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Được biết, chị Nông Thị Bích là cháu họ của ông Nông Văn Lạc.
Về thăm Khu di tích gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp quân sự vẻ vang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng giây phút ông ra đi mãi mãi, trong lòng mỗi chúng tôi không khỏi trào dâng niềm xúc động, nghẹn ngào. Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được thừa hưởng hạnh phúc hôm nay là nhờ những hi sinh xương máu của các thế hệ cha ông đi trước. Xin được mượn lời của một nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, ông Stanley Karnow để nói về những cống hiến to lớn của Đại tướng cho đất nước và nhân loại: “Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Ông là một vị tướng tự học và chìa khóa về tài chỉ huy quân sự của công là chiến lược kiên trì, bền bỉ tuyệt đối”.