Ấn tượng Festival Trà

08:15, 12/11/2013

Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013 đã thành công tốt đẹp, để lại trong lòng Thái Nguyên và cả nước cũng như bạn bè quốc tế một dư âm đẹp về cây chè và người làm chè xứ Thái. Nhiều du khách trong nước, quốc tế khi về dự Festival, thưởng trà Thái Nguyên đã trầm trồ: Trà Thái Nguyên thơm, ngon nổi tiếng nhất nước, bởi cây chè ở đây gạn chắt tinh túy đất trời để lặng lẽ hiến dâng cho con người hương vị trà độc đáo, đượm hồn quê mà chỉ vùng đất này mới có…

Với chủ đề “Trà Việt Nam - Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa”,  Festival Trà năm nay gồm 6 hoạt động chính: Lễ Khai mạc; Hội thảo về sản phẩn Trà và xúc tiến đầu tư phát triển ngành Chè, xúc tiến du lịch; Lễ hội Văn hóa Trà; Carnaval Trà; Cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” và Lễ bế mạc. Festival Trà chính thức diễn ra từ ngày 9 đến hết ngày 11-11, với sự tham gia của 73 đoàn trà trong nước và 6 đoàn trà quốc tế. Festival Trà còn có sự tham gia của những đạo diễn có tên tuổi trong nước và gần 1.000 nghệ sĩ Trung ương, địa phương.

 

Trong những ngày diễn ra Festival, cả Thái Nguyên rực rỡ, tưng bừng bởi hàng loạt các hoạt động tôn vinh người trồng chè, sản phẩm chè và văn hóa ẩm trà. Đặc biệt là các hoạt động thuộc Chương trình Lễ hội Văn hóa Trà với chủ đề “Trà Thái Nguyên trong tâm hồn Việt” được thể hiện bằng các hoạt động giao lưu cùng học giả, chuyên gia nghiên cứu về Trà; Trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm Trà; Triển lãm bộ sưu tập Ấm trà cổ; Thi trình diễn nghệ thuật pha, mời trà; Thi bàn tay Vàng; Thi búp chè Vàng và Đêm hội thưởng trà… Theo nhận định của Ban Tổ chức: Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013, được diễn ra an toàn, tiết kiệm, song rất thành công cả về nội dung cũng như hình thức.

 

Festival Trà góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với cây chè và sản phẩm trà; đây là dịp quan trọng để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh cây chè, các sản phẩm và văn hóa trà Thái Nguyên nói riêng, trà Việt Nam nói chung; qua đó nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên. Festival Trà cũng đã thể hiện rõ lịch sử, tiềm năng về thế mạnh của cây chè Thái Nguyên, một vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Ban Tổ chức cũng đã trao 27 cúp Vàng, 24 cúp Bạc, 16 cúp Đồng và các giải Khuyến khích cho các doanh nghiệp, HTX, làng nghề chè có thành tích xuất sắc tại 3 cuộc thi: Búp chè Vàng; Bàn tay Vàng và trình diễn nghệ thuật pha, mời trà.

 

Trong thời gian diễn ra Festival Trà, những đường phố Thái Nguyên trở thành nơi hội tụ của những miền chè trên cả nước. Đường Hùng Vương có Chợ quê trưng bày sản phẩm trà; đường kề công viên Sông Cầu có Con đường Trà Việt tái hiện lại các hoạt động văn hóa, tinh thần của làng quê Việt Nam đầu thế kỷ trước. Trong khu vực Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và đường Thanh Niên có những làng nghề trưng bày sản phẩm chè, giới thiệu văn hóa ẩm thực trà. Không gian bình dị, lời mời chào đón du khách của nghệ nhân thân thiện, giữa mọi người về hội gần gũi, ấm áp, nồng đượm như chén trà. Anh ở miền chè Shan tuyết Hà Giang; chị trên vùng chè cổ thụ suối Giàng (Yên Bái); bạn trên sóng chè Mộc Châu (Sơn La); bạn ở vùng chè lớn nhất cả nước, tỉnh Lâm Đồng…, còn tôi, quê Thái Nguyên, có nương chè soi bóng bên dòng sông Công, sông Cầu có những nương chè xanh trải dài dưới màu nắng vàng như mật ong tạo nên hương trà xứ Thái, gặp nhau, mời chén trà nước xanh như mắt ngọc. Mỗi vùng chè lại mang một vị, hương, sắc khí khác, ví như mỗi vùng quê lại có một tập tục mang đậm nét văn hóa riêng, và nét văn hóa ấy lắng đọng ở ngay trong chén trà.

 

Ông Giang Sơn Thủy, Trưởng phòng Kinh doanh chè thuộc Công ty TNHH Đức Thiện cho biết: Chúng tôi từ Suối Giàng (Yên Bái) về Thái Nguyên dự Festival, chúng tôi mang sản phẩm trà được hái từ những cây chè cổ thụ mọc trên vùng đất Suối Giàng, với mong muốn được giao lưu với bạn bè trong nước và quốc tế về sản phẩm chè đặc trưng của quê hương tôi. Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, đại diện Công ty Chè Ô Long Haiyih Lâm Đồng chia sẻ: Lâm Đồng là vùng đất có diện tích chè lớn nhất cả nước, nhưng nói về sản phẩm chè xanh, thì chè Thái Nguyên và chè Lâm Đồng đều có hương, vị độc đáo riêng. Song chúng tôi tự hào có sản phẩm trà Ô Long trồng trên xứ hoa Đà Lạt… Bên bàn trà lúc nào cũng đông khách vào, ra thưởng ẩm, ông Triệu Văn Mềnh, Trưởng phòng Kinh doanh HTX Chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tâm sự: Chè của HTX lấy thương hiệu Fìn Hò Trà. Xã viên của Fìn Hò Trà chủ yếu người đồng bào Dao... Về dự Festival Trà, chúng tôi được người làng chè Thái Nguyên đón tiếp nồng hậu và được trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm làm chè ngon với nghệ nhân làng chè Thái Nguyên và bạn làm chè trong cả nước.

 

Tham dựFestival còn có người làm chè đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Bạn bè quốc tế  đến Thái Nguyên, cởi mở, hồn hậu giới thiệu với du khách về nét đẹp văn hóa ẩm thực trà của xứ sở quê hương mình. Và bình dị nhưng ắp đầy niềm tự hào là những nghệ nhân đến từ các làng nghề chè của Thái Nguyên. Bên từng bộ bàn, ghế tre trúc, trong mái lán lợp cọ đơn sơ, mà ấm áp lời tâm giao của người về hội thưởng trà. Hàng vạn du khách trong nước và quốc tế về dự Festival, thưởng trà xứ Thái giữa lời cọi ngân nga bên cây đàn tính, cảm thấy lòng nhẹ nâng khi mỗi lần nhấp môi thưởng trà, lòng thầm hẹn Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ ba năm 2015 trở lại, để được đến thăm những làng chè và nhẩn nha uống chén trà của người trồng chè nơi vùng đất Thái Nguyên “Đệ nhất danh trà”.