Thái Nguyên, cửa ngõ vùng Đông Bắc Tổ quốc, trung tâm Thủ đô gió ngàn là vùng đất lịch sử, vùng đất văn hóa và vùng trà nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam.
Trà Thái Nguyên hoàn mỹ cả 4 tiêu chuẩn: Thanh, sắc, vị, thần, có hương thơm của cốm non, đậm hương nhài, hương sen. Sắc chè xanh, trong, vị dịu, không gắt; Người thưởng trà Thái Nguyên được hưởng trọn vẹn cái hương vị lan tỏa đậm đà vừa cao sang, quyến rũ, vừa dân dã mà ấm lòng tri âm: Thoang thoảng hương cốm bay/ Búp xanh non như ngọc/ Chè Thái Nguyên ngọt giọng/ Ấm lòng khách tri âm.
Thái Nguyên có nhiều vùng chè, làng chè nổi tiếng như làng chè Trại Cài, chè thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), làng chè La Bằng (Đại Từ), làng chè Điềm Mặc (Định Hóa) và đặc biệt là làng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Vùng chè Tân Cương trải rộng trên 5 xã, nằm ở lưu vực Sông Công, dưới chân Tam Đảo được trời ban cho chất đất và ánh sáng quý, hiếm lại được tưới đẫm bởi nước sông Công - Nước mắt của nàng Công thuở trước đã tạo ra một đặc sản chè riêng có: Chè Tân Cương - Thái Nguyên! Festival Trà Thái Nguyên lần thứ nhất, tôi đã đi trong hương trà Tân Cương, giữa màu xanh ngút ngát, ngắm nhìn những búp chè xanh non như ngọc, được thưởng trà trong những quán nhỏ và say trong hương vị trà cùng "Người đẹp Thái Nguyên": Khen ai rót chén nâng mời/Hương thơm sực nức như mười ngón tay/Đứng ngồi ai níu áo đây/Tương tư ở lại, ngất ngây theo về.
Vì "Tương tư ở lại..." nên tháng 11-2013, tôi lại về với đất chè Thái Nguyên - về các làng chè - lần này là làng chè Điềm Mặc, mặc dù đất chè Tân Cương vẫn nhiều vương vấn.
Điềm Mặc, vùng đất nằm dưới chân Đèo De, đã trở nên nổi tiếng kể từ ngày 20-5-1947, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên lên An toàn khu Định Hóa, đặt đại bản doanh trên đồi Khau Tý, lãnh đạo toàn dân đánh bại thực dân Pháp xâm lược "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng". Điềm Mặc trở nên một địa danh lịch sử và địa danh thơ từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác bài Cảnh khuya, sáng ánh trăng rừng Việt Bắc: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Điềm Mặc, như một sự trùng phùng ngẫu nhiên của lịch sử, là một vùng đất yên bình luận từ tên gọi: Điềm: êm đềm; Mặc: Lặng lẽ. Không chỉ có thế Điềm Mặc còn là một vùng chè nổi tiếng nhưng hiện vẫn còn ít người biết.
Từ T.P Thái Nguyên, ngược Quốc lộ 3, bắt đầu rẽ vào An toàn khu Định Hóa từ cây số 31, hai bên đường đã hiện ra những ngọn đồi phủ xanh chè, bên những mái nhà sàn lợp lá cọ phía xa xa, với hình ảnh những cô gái chè "Vành khăn che nửa nụ cười/ Hoa chè thì trắng tay người lại đen" Trong câu thơ của thi sĩ Ba Luận. Vùng đất ấy, con người ấy là một tiềm năng cần được đánh thức, bởi vì, dẫu có muốn nói hay thì bây giờ vùng chè Điềm Mặc, làng chè Điềm Mặc vẫn đang ở dạng tiềm năng - "êm đềm, lặng lẽ" cũng là bởi vì, người dân Điềm Mặc, người dân Thái Nguyên, còn nặng về quan điểm "hữu xạ tự nhiên hương" mà không nghĩ tới, không cần tới sự quảng bá nhưng nay làng chè Điềm Mặc đã có tên trong danh sách những làng chè nổi tiếng của Thái Nguyên. Dẫu mới là khởi đầu nhưng là sự khởi đầu chắc chắn và có nền tảng vững chắc, để rồi đây, du khách đến thăm An toàn khu, viếng Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Đèo De sẽ được thưởng thức và mua về làm quà đặc sản chè mang thương hiệu Điềm Mặc đậm chất văn hóa và lịch sử./.