Không có công chúng thì nghệ thuật không có chỗ đứng

09:00, 21/11/2013

Những tháng cuối năm, anh chị em nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên tất bật hơn bởi việc “chạy” chương trình theo kế hoạch. Vừa tham dự Hội diễn ở Hải Phòng trở về, lại "bầu đoàn" kéo nhau lên Lạng Sơn biểu diễn, rồi khi trở về Thái Nguyên, lại đi biểu diễn phục vụ công chúng trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên cho biết: Công việc bận rộn, nhưng với người nghệ sĩ thì không có niềm vui nào hơn là được biểu diễn phục vụ nhân dân.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Đoàn coi trọng việc tuyển chọn những chương trình, tiết mục có nội dung, tư tưởng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để dàn dựng, tập luyện tham gia Liên hoan Sân khấu, Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và phục vụ cán bộ, nhân dân trong tỉnh, chủ yếu là địa bàn thuộc các xã vùng cao, vùng ATK, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Đoàn còn thực hiện một số hợp đồng biểu diễn cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhân dịp hội nghị, tổng kết, khai trương. Trong hoạt động, Đoàn không trông chờ, ỷ thế biểu diễn theo kế hoạch trên giao, mà luôn chủ động mang nghệ thuật đến với công chúng, gần gũi với công chúng thông qua từng tiết mục biểu diễn.

 

Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Đoàn thực hiện biểu diễn 150 buổi. Ngoài thực hiện biểu diễn phục vụ đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, Đoàn còn thường xuyên phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; Trung tâm Văn hóa tỉnh để dàn dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân các ngày lê, Tết. Năm 2012, Đoàn thực hiện biểu diễn 146 buổi, đạt 100% kế hoạch, trong đó biểu diễn 20 buổi phục vụ chính trị không thu tiền; 88 buổi phục vụ đồng bào các xã vùng đặc biệt khó khăn; 24 buổi phục vụ đối tượng chính sách và 14 buổi biểu diễn doanh thu.

 

Các chương trình nghệ thuật do Đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện như: “Ký ức 27 tháng 7”; “Qua những miền di sản”; “Khúc tráng ca Lưu Xá”… được cơ quan cấp trên cũng như công chúng đánh giá cao. Cũng trong năm 2012, Đoàn đã dàn dựng thành công chương trình ca múa nhạc với chủ đề “Âm vang một miền quê”. Chương trình tham gia Liên hoan Sân khấu - Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại tỉnh Sơn La, được 2 Huy chương vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 giải Nhì chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc, 1 giải đội múa xuất sắc. Cũng trong năm này, Đoàn đã dàn dựng thành công vở chèo “Quan âm Thị Kính” được Hội đồng nghệ thuật Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch đánh giá cao về nghệ thuật và nội dung.

 

 

Với thực lực của Đoàn hiện nay thì đó là một cố gắng, nỗ lực lớn của anh chị em cán bộ, nghệ sĩ. Bởi cái khó vẫn là “khổ lắm, nói mãi” do Đoàn chưa có đạo diễn sân khấu, cùng đó là nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho đoàn hạn chế, nên việc xây dựng 1 chương trình mới, 1 vở mới, Đoàn gặp không ít khó khăn. Nhưng không vì thế anh chị em cán bộ, nghệ sĩ trong Đoàn buông xuôi, đợi đủ điều kiện mới “sáng đèn, tỏ mặt”, mà luôn hướng về công chúng bằng cách khắc khục khó khăn thực tại, tự dàn dựng chương trình, nâng cao chất lượng đêm diễn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân.

 

Theo kế hoạch, năm 2013, Đoàn thực hiện 150 buổi diễn. Các buổi công diễn phục vụ đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách và phục vụ nhiệm vụ chính trị đã thực hiện đều để lại ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ. Song ấn tượng hơn cả là các chương trình nghệ thuật: “Võ Nhai - Nơi cội nguồn” được biểu diễn tại huyện Võ Nhai; chương trình nghệ thuật “Thái Nguyên - Một thời để nhớ” được biểu diễn tại Hà Nội để phục vụ các đồng chí cựu lãnh đạo Nhà nước đã nghỉ hưu; chương trình “Ngàn hoa dâng Bác” được tổ chức tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Phú Đình (Định Hóa)...

 

Đặc biệt trong năm nay, Đoàn dàn dựng thành công 2 chương trình mới, trong đó 1 Chương trình ca múa nhạc với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, con người Thái Nguyên; một chương trình cho loại hình sân khấu chèo, bằng vở diễn “Đường đua trong bóng tối”… Nội dung vở chèo phản ánh về tệ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy đua quyền lực trong xã hội và phản ánh lối sống thực dụng của một bộ phận công chức Nhà nước.

 

Ông Tuấn cho biết: Vở chèo “Đường đua trong bóng tối” được Đoàn lựa chọn, mang tham dự Cuộc thi Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 tại Hải Phòng. Tham gia vở diễn này, 2 nghệ sĩ Hà Bắc và Văn Tình được Ban Tổ chức trao tặng Huy chương Vàng; Nghệ sĩ ưu tú Minh Thắng và Nghệ sĩ Minh Chuyên được trao tặng Huy chương Bạc. Dự kiến đầu tháng 12 năm nay, vở chèo “Đường đua trong bóng tối” chính thức được cán bộ, nghệ sĩ của Đoàn công diễn phục vụ nhân dân Thái Nguyên.

 

Ông Tuấn nói: Phương châm hoạt động của Đoàn hiện nay là tự tìm đến công chúng, bởi không có công chúng thì nghệ thuật không có chỗ đứng chân.