Tuy không mê thơ và cũng không biết làm thơ nhưng đến với “Ngày thơ gia đình” do “nhà thơ” nghiệp dư Phan Thị Hồng Duyên, ở tổ 24, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) tổ chức mới đây, tôi cảm nhận rất rõ sức sống mãnh liệt của thơ trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người, đó là một sân chơi đầy bổ ích, lý thú...
Buổi giao lưu được tổ chức tại nhà văn hóa của tổ dân phố đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong tổ cũng như của những bạn thơ. Trong số đó có cả những người yêu thơ, đại diện cho các câu lạc bộ thơ đến từ 7 tỉnh, gồm: Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Bình, Hưng Yên và ở các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. “Nhà thơ” Hồng Duyên vốn là một công nhân, nghỉ hưu cách đây hơn 20 năm, hiện kinh doanh hàng tạp hóa. Công việc lúc nào cũng bận rộn và luôn phải quan tâm đến chuyện lỗ lãi ấy tưởng chừng không cho phép bà nghĩ đến những điều bay bổng, mơ mộng, vậy nhưng, ẩn sau vẻ lam lũ, vất vả ấy lại là một tâm hồn văn nghệ sĩ với nỗi lòng chất chứa ngổn ngang tâm sự.
Bà Duyên tâm sự: Tôi biết làm thơ từ hồi còn đi học nhưng khi lớn lên, đi làm, lấy chồng rồi sinh con, cuộc sống vất vả đã không có điều kiện để nghĩ đến thơ. Cho tới khi nghỉ hưu, tôi đã tìm đến với thơ để tạo thêm niềm vui trong cuộc sống. Từ năm 2002, bà Duyên đã bắt đầu tham gia Câu lạc bộ thơ tháng Năm - sân chơi của những người yêu thơ 6 xã, phường phía Nam của T.P Thái Nguyên. Hiện nay, bà tham gia Câu lạc bộ thơ Đường Thái Nguyên, Hội thơ Đường xứ nhãn Hưng Yên (quê gốc của bà ở Hưng Yên) và Hội thơ Tản Đà toàn quốc. Đối với bà, thơ ca giờ đã không thể thiếu trong đời sống tinh thần hằng ngày, bởi nó mang đến cho bà sự thanh thản, nhẹ nhõm trong tâm hồn; thơ như một người bạn tâm giao, tri kỷ, luôn là nguồn động viên, an ủi bà những lúc vui và cả khi buồn.
Buổi giao lưu thơ là dịp để những người yêu thơ chia sẻ thưởng thơ và tặng thơ cho nhau. Bởi thế, không khí của buổi giao lưu từ đầu cho đến khi kết thúc đầy thi vị và lắng đọng nhiều tâm sự.
Bà Mai Thị Chung, tổ dân phố 24, phường Hương Sơn mộc mạc bảo: Tôi không biết làm thơ, nhưng tôi lại rất thích nghe thơ. Có những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ như thế này, tôi và bà con rất háo hức. Được tham dự, tôi thực sự bất ngờ bởi sự quy mô, bài bản của một buổi giao lưu mà chỉ do cá nhân bà Duyên đứng ra tổ chức.
Quả thật, việc câu lạc bộ hay một đoàn thể nào đó đứng ra tổ chức một chương trình hay một buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ là chuyện hết sức bình thường, nhưng với cá nhân, để tổ chức được một buổi giao lưu thơ như bà Duyên thì đó lại là điều không phải ai cũng làm được. Bởi theo ông Dương Văn Ký, ủy viên Ban chấp hành phụ trách văn phòng CLB thơ Đường tỉnh Thái Nguyên thì để tổ chức được một buổi giao lưu thơ như thế này cần phải hội tụ được nhiều yếu tố, đó là số lượng và chất lượng thơ của tác giả, uy tín của tác giả đó với bạn thơ và bạn bè, đồng thời cũng phải có điều kiện về tài chính. Tác giả Hồng Duyên đã hội tụ được các yếu tố đó, bởi thế, buổi giao lưu thơ của bà đã được tổ chức khá quy mô, thu hút được sự quan tâm của nhiều người thân, bạn bè gần xa.
Trên thực tế, thơ Đường vốn rất khó làm, vì các câu thơ đều phải đảm bảo tính ngắn gọn, xúc tích và thể hiện được ý tứ sâu xa mà người viết muốn giới thiệu, đặc biệt là niêm luật chặt chẽ, tạo cho bài thơ có nhạc, mà như nhà thơ Lê Kim Giao đã từng gọi đó là “thần luật”. Bởi thế lâu nay, thơ Đường vẫn được mệnh danh là thơ bác học. Tuy nhiên, ngày nay, thơ Đường đã được phổ biến rộng rãi hơn đến đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Khi làm thơ, dù là thể loại nào, mỗi người cũng đều cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống, để rồi “sống vui, sống khỏe, sống có ích” hơn. Cũng chính bởi điều này mà bà Hồng Duyên đã gắn bó với thơ. Có thể các bài thơ của bà chưa thực sự hay và nổi tiếng nhưng điều đáng trân trọng ở bà đó chính là có một tâm hồn nhạy cảm, yêu đời, yêu người, yêu cái đẹp, yêu nơi "chôn nhau cắt rốn" da diết, dù đã đi xa bao năm nhưng tấm lòng, tình cảm vẫn hướng về quê hương.
Ông Nguyễn Văn May, Chủ nhiệm CLB thơ Đường Giáng Quê, Bắc Ninh bày tỏ: Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, bà Hồng Duyên cũng vậy. Qua thơ để hiểu người. Thơ tuy không phải là chân lý nhưng nó lại giúp con người ta có định hướng, suy nghĩ tốt hơn. Buổi giao lưu thơ gia đình mà bà Hồng Duyên tổ chức như thế này rất đáng trân trọng. Đây cũng là một hình thức sinh hoạt mà qua đó góp phần thúc đẩy phong trào thơ ca phát triển. Mỗi người yêu thơ khi gieo chữ trên cánh đông thơ sẽ thu hái được đầy ắp một mùa hương, được giải tỏa nỗi niềm - đó chính là cái “lãi” lớn nhất của người làm thơ.
Đối với ông Nguyễn Đức Hùng, Chánh văn phòng Hội thơ Đường luật Việt Nam (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thì buổi giao lưu thơ như thế này tuy không còn mới mẻ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng với Thái Nguyên thì có thể coi đây là sự mở màn cho phong trào giới thiệu thơ. Ông Hùng hy vọng, sau đây sẽ thêm nhiều tác giả tiếp tục giới thiệu về tác phẩm trên thi đàn của Hội và tiếp thêm sức lan tỏa ra các tỉnh, thành trong cả nước.