Năm 2012 là năm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, cũng như nhiều lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước. Theo đó, các hoạt động văn hóa- văn nghệ cũng được tổ chức sôi nổi, để lại dấu ấn quan trọng.
1. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không" diễn ra sôi nổi, trang nghiêm và xúc động trên khắp cả nước.
40 năm đã trôi qua nhưng trận chiến 12 ngày đêm lịch sử của quân và dân Thủ đô Hà Nội (18-31/12/1972) đã trở thành huyền thoại, và là bản hùng ca bất tử của dân tộc. Để ôn lại lịch sử hào hùng và tri ân những người đã tham gia chiến đấu và hi sinh trong trận chiến lịch sử này, nhiều hoạt động kỷ niệm đã diễn ra trên cả nước, tiêu biểu như Chương trình sử thi nghệ thuật đặc biệt “40 năm Khúc tráng ca Lưu Xá”; Giao lưu Âm vang "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"; "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"; Cầu truyền hình " Bản hùng ca Hà Nội"; nhiều triển lãm về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.... Bên cạnh đó, nhiều hoạt động như tổ chức biên soạn sách báo, tài liệu liên quan tới sự kiện, trình chiếu phim tài liệu, giao lưu gặp gỡ nhân chứng, hội thảo khoa học... về chiến thắng lịch sử này cũng đã được diễn ra.
2. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” (Bắc Giang) cũng được công nhận là Di sản tư liệu kí ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 6/12, kỳ họp thứ 7 của Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại UNESCO đã bỏ phiếu với sự đồng thuận cao, chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong tiêu chí phân loại của UNESCO theo Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, một di sản có tính tiêu biểu tức di sản đó có thể là đại diện văn hóa cho không chỉ quốc gia mà còn cả trong khu vực, và UNESCO khuyến khích các quốc gia khác học hỏi từ di sản được vinh danh. Vì vậy, việc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là một sự kiện có tầm vóc với văn hóa Việt Nam mà còn có tác động đến các nỗ lực bảo tồn di sản khác trong khu vực.
Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm có 3.050 tấm ván rời, được khắc trên gỗ thị, dùng để in kinh, sách, luật giới Phật giáo theo Thiền phái Trúc Lâm. Mỗi tấm mộc bản kinh gồm có hai mặt, khắc chữ Hán Nôm âm bản (khắc ngược để khi in ra giấy thành chữ xuôi) có kèm hoa văn độc đáo mang triết lý nhà Phật. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 50cm, bản nhỏ nhất có kích thước 15cm x 20cm. Bộ Mộc bản kinh Phật này được làm từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX (trước thế kỷ XVII chùa Vĩnh Nghiêm đã có nhiều mộc bản kinh Phật nhưng đã bị mai một). Với những giá trị đặc biệt, ngày 16/ 5, Hội nghị của UNESCO tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) đã quyết định công nhận Bộ Mộc bản kinh Phật của chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
3- Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 1 cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật. Đây là những Bảo vật Quốc gia lần đầu tiên được công nhận tại Việt Nam.
Các bảo vật này bao gồm Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn, cây đèn đồng hình người quỳ (Văn hóa Đông Sơn); trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn); ấn đồng "Môn Hạ Sảnh ấn" (thời Trần); bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê Sơ) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…
Đặc biệt, trong 30 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 1 này có tác phẩm "Đường cách mệnh", "Nhật ký trong tù", bản thảo "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" (Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia); bản thảo "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước" (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh); Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc viết từ ngày 10/5/1965 - 19/5/1969, lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).
Đây là những hiện vật, nhóm hiện vật tiêu biểu nhất cho các thời đại, vùng miền văn hóa của cả nước. Trước đó, những hiện vật, nhóm hiện vật trên đã qua nhiều lần xét chọn chặt chẽ từ hội đồng khoa học ở cơ sở, tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan và qua sự thẩm định kỹ lưỡng của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
4. Vịnh Hạ Long được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Suốt 4 năm chạy đua với 400 di sản của hơn 200 quốc gia, cuối cùng Vịnh Hạ Long của Việt Nam đã vinh dự được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Để vinh danh và đánh dấu sự kiện trọng đại này, ngày 27/4/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Vịnh Hạ Long là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới với sự chứng kiến của đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
5. Trao giải thưởng về Văn học nghệ thuật lần thứ IV, Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật lần thứ III, Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ VII.
Thêm một lần nữa, Giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật đã được tổ chức, trang trọng, đúng tác giả, tác phẩm, được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành tặng những tác phẩm xuất sắc, những nghệ sỹ tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đối với đội ngũ sáng tác và các nghệ sỹ, đây là sự quan tâm đặc biệt và là nguồn động viên to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân khích lệ văn nghệ sỹ cả nước đoàn kết, phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
6. Sau 4 năm phát động, Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Phát động từ tháng 3/2008, Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong cả nước đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, sinh động, sáng tạo, đưa Cuộc vận động trở thành một sinh hoạt có sức lan tỏa rộng lớn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Qua 4 năm thực hiện, đã có hàng ngàn bài báo, tác phẩm văn thơ, ca khúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kịch bản sân khấu, điện ảnh, các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian về chủ đề Bác Hồ và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ra đời. Nhiều tác phẩm giá trị được đăng tải, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo được sự quan tâm cổ vũ, hưởng ứng của đông đảo công chúng.
7. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhân năm hữu nghị Việt Nam - Lào; Việt Nam - Campuchia; Việt Nam - Hàn Quốc; Việt Nam - Ấn Độ.
Trong năm 2012, bằng các hình thức triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm, một loạt các sự kiện văn hóa đã được tổ chức nhằm tô thắm thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước bạn Lào, Campuchia, Ấn Độ, Hàn Quốc... Tiêu biểu là các hoạt động: Giao lưu văn nghệ “Thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào”; “Thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam”; “Ngày hội giao lưu văn hóa, nghệ thuật các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2012”; Chương trình nghệ thuật “Việt Nam - Hàn Quốc”; triển lãm “Vẻ đẹp Hàn Quốc qua con mắt người Việt”,...
8. Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012.
"Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012" đã diễn ra với chuỗi các hoạt động được tổ chức xuyên suốt, nhằm quảng bá điểm đến cho du lịch quốc gia với mục đích thu hút khách du lịch quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa, tiêu biểu như: Chương trình doanh nhân Việt Nam với văn hóa, di sản dân tộc; Liên hoan Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; Liên hoan Ẩm thực miền Trung; Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc; Liên hoan Hợp xướng quốc tế lần thứ II tại Việt Nam; Festival Huế 2012; các Lễ hội: Làng Sen, Lam Kinh, Cố đô Hoa Lư, Bài ca Đồng Lộc anh hùng, Văn hóa và du lịch Nhịp cầu xuyên Á lần III, Đêm phố cổ Hội An, Quảng Trị - Ký ức tháng 4, Phật Đản – Hoa đăng Huế 2012...
9. Các liên hoan văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, tạo được sức hút đối với công chúng.
Năm 2012 là năm liên tiếp diễn ra các Liên hoan văn hóa lớn trong cả nước như: Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ 4; Liên hoan Rối quốc tế lần thứ 3; Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 2; Liên hoan ca trù toàn quốc lần thứ 2; Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc... Các chương trình này đã thu hút sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, với nhiều tiết mục và tác phẩm có chất lượng, thu hút sự quan tâm của công chúng, ghi dấu ấn vào đời sống văn hóa dân tộc trong năm qua.
10. Ban hành Luật quảng cáo và Nghị định chấn chỉnh hoạt động biểu diễn và trình diễn thời trang.
Trước thực trạng quảng cáo tràn lan, không có quy hoạch làm mất mỹ quan đô thị, ngày 21/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã họp và thông qua Luật Quảng cáo, tạo hành lang pháp lý chấn chỉnh và đưa hoạt động quảng cáo vào “khuôn khổ”. Cũng trong năm 2012, trước những bất cập tồn tại kéo dài trong hoạt động biểu diễn và trình diễn thời trang, ngày 5/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 79/2012/NĐ-CP về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu.