Cái lạnh cuối đông không ngăn được bước chân hàng nghìn người đổ về Lễ hội trà Đại Từ năm Quý Tỵ 2013. Sự háo hức chờ đợi ngày này của người dân Đại Từ đã hơn tháng nay. Nhiều nghệ nhân mong muốn đến Lễ hội để thể hiện tài nghệ của mình trong cách sao sấy chè; giới thiệu sản vật của địa phương mình với du khách 4 phương; gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè…
Từ sáng sớm, mọi người đã tập trung về khu vực diễn ra cuộc thi “Bàn tay vàng chế biến chè”. Trong các đội chuẩn bị thi, chúng tôi nhận ra nghệ nhân Nông Văn Khải, xóm Vân Long, xã Hùng Sơn - người đạt giải Bàn tay Vàng của Festival Trà Thái Nguyên lần thứ nhất. Khuôn mặt rạng ngời, anh Khải cho biết: Đến với cuộc thi sao chè lần này, chúng tôi sẽ đoàn kết thành một khối thống nhất, quyết tâm đạt giải cao để vinh danh những người làm chè. Kinh nghiệm cho thấy, để có được mẻ chè ngon, đạt tiêu chuẩn chất lượng, từ người điều chỉnh lửa, người đứng ra chuyên sao chè và chỉ đạo nhóm những người còn lại làm các công đoạn như vò chè, quạt chè nguội, lấy chè vụn... phải thật ăn ý, làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Chăm chú nhìn các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật chế biến chè, ông Nguyễn Duy Vũ, một du khách đến từ Hà Nội trò chuyện cùng chúng tôi: Lễ hội, tôi thích nhất là phần này. Bởi qua đây chúng tôi mới hiểu để có một ấm trà ngon thì phải trải qua các công đoạn chế biến thế nào. Tôi chờ mua 1 cân chè được chế biến tại cuộc thi này để về uống dịp Tết, dù đắt mấy tôi cũng mua.
Du khách thưởng Trà tại lễ hội.
Cũng tại Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động phong phú như: Không gian pha trà, thưởng trà, Tết nhảy của người Dao, các không gian hát Then và đàn Tính, nhưng độc đáo hơn cả là nghi Lễ cấp sắc của người Dao. Em Ngô Ngọc Vân, học sinh Trường THPT Đại Từ cho biết: “Chưa bao giờ em được xem Lễ cấp sắc của người Dao. Hôm nay được chứng kiến nghi Lễ này và ý nghĩa của nó, chúng e hiểu rõ hơn về một nét đẹp văn hóa trong các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ít người”. Được biết, Lễ cấp sắc của người Dao là một nghi lễ phong sắc và đặt tên thánh cho người đàn ông trưởng thành đã kết hôn của đồng bào Dao quần chẹt. Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào dịp cuối năm và thường diễn ra trong 2 ngày 3 đêm hoặc 3 ngày 4 đêm tùy điều kiện từng gia đình. Trong Lễ cấp sắc thể hiện những điệu múa, nhảy truyền thống của đồng bào Dao quần chẹt để cầu Thánh phù hộ cho người được cấp sắc và những người trong dòng họ được khỏe mạnh, làm ăn thịnh vượng, trồng cấy mùa màng được tốt tươi.
Lễ Cấp sắc của người dao.
Trong không gian văn hóa pha trà, thưởng trà, chúng tôi còn được đắm mình vào những làn điệu Then say đắm lòng người. Hát Then, đàn Tính được coi là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây. Tại gian hàng của xã Minh Tiến, nhìn những nghệ nhân diện bộ trang phục dân tộc, tay bấm phím đàn cùng ngân nga những làn điệu dân ca Tày, Nùng đan quyện vào âm thanh của cây đàn Tính hai dây như tiếng suối nguồn trong trẻo. Thứ âm thanh cổ sơ đó như chắt từ ruột núi, từ mạch nguồn dân tộc đến với sâu thẳm trái tim người. Giữa không gian ngày hội, lời hát Then bài “Vằn chiêng pây lín hội” (Ngày xuân chơi hội) đã lay động, níu chân du khách.
Khuốp pi slíp sloong bươn vận chuyển
Muốt mèng mà dao hẹn đổi hoa
Slao báo xấư quây mà lỉn hội
Slao luông y báo noọng lân la...
(Một năm 12 tháng quay vòng
Ong bướm về bay lượn theo hoa
Trai gái gần xa về chơi hội
Mọi người già trẻ về đông vui hội tụ...)
Dường như tiếng đàn, lời Then giúp mọi người quên đi bao vất vả, lo toan đời thường, để đến với hội Xuân, được đắm mình trong dòng âm thanh đầy sức quyến rũ…
Trong không khí Lễ hội, du khách còn được thỏa sức thăm quan, tìm hiểu 50 gian hàng triển lãm các sản phẩm chè của các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, làng nghề chế biến chè tại Đại Từ. Tại gian hàng trưng bày sản phẩm chè của xã La Bằng, Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng cho hay: "Lễ hội Trà như thế này rất có ý nghĩa, vì nó đã giúp cho các hộ nông dân trồng chè có cơ hội thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm chế biến, bảo quản và mở rộng quan hệ bạn hàng...". Chính vì xác định được lợi thế của Lễ hội sẽ giúp cho hơn 235 ha chè của xã La Bằng có cơ hội quảng bá sản phẩm đến bạn hàng mới, nên lãnh đạo xã này đã cắt cử các chức danh chủ chốt của xã, có mặt thường trực trong các ngày lễ hội để tranh thủ giới thiệu sản phẩm của mình đến với khách du lịch và khách thưởng thức trà. Không chỉ có xã La Bằng, mà tất cả các xã sản xuất, kinh doanh chè tại Đại Từ đều mang đến Lễ hội những sản phẩm chè độc đáo, bao bì nhỏ gọn, tiện lợi khi sử dụng. Chính nhờ công nghệ đóng gói và hút chân không, nên các mẫu mã bao bì đẹp và có khả năng chống mất mùi, có thể để lâu nên càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đến với Lễ hội Trà Đại Từ năm Quý Tỵ 2013, chúng tôi được hòa trong không khí tưng bừng phấn khởi đầy màu sắc văn hóa dân tộc. Cùng nhau nâng chén trà sóng sánh, thưởng thức những hương vị đậm đà của trà Đại Từ và được chìm đắm trong những làn điệu hát Then, Tết nhảy, cấp sắc của đồng bào dân tộc trong huyện. Chắc chắn đây sẽ là kỷ niệm khó quên về mảnh đất và con người xứ trà - Đại Từ của mỗi người khi tham gia lễ hội này.