Để mùa lễ hội vui tươi, an toàn

09:02, 25/01/2014

Mùa xuân - mùa lễ hội, bắt đầu từ giây khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới (giao thừa), nhiều người đã đến các đền, chùa cầu cho quốc thái dân an, cho bản thân, gia đình một xuân mới an lành, may mắn...

Thái Nguyên hiện có 780 điểm di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 474 di tích lịch sử, 12 di tích khảo cổ, 43 di tích thắng cảnh, 26 di tích kiến trúc nghệ thuật và 225 di tích tín ngưỡng, tôn giáo. Hầu hết các di tích lịch sử và danh thắng đều là điểm đến của nhân dân trong, ngoài tỉnh dịp đầu xuân.

 

Đình, đền, chùa là nơi nhân dân địa phương đến làm lễ từ lúc sau giao thừa hoặc vào sớm mùng 1 Tết. Nhưng lễ hội chính thức thường được tổ chức ở những ngày sau đó, như Lễ hội núi Văn, núi Võ (Đại Từ) được tổ chức vào ngày 4 Tết; Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương) vào ngày 6 Tết; lễ hội Lồng Tồng ATK (Định Hóa) vào ngày 10 Tết…

 

 

Theo ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Các năm trước đây, các lễ hội đều phát huy được giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng nhu cầu tín gưỡng của các tầng lớp nhân dân. Song bên cạnh mặt tích cực vẫn có những hạn chế tồn tại là trong quá trình diễn ra lễ hội cũng còn có những tồn tại nhất định do công tác quản lý ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ. Do đó, xuất hiện không ít những biểu hiện phản cảm như việc áp đặt suy nghĩ chủ quan, đưa các yếu tố hiện đại không phù hợp vào nội dung của lễ hội dân gian... Đặc biệt là tính thương mại hoá lễ hội đang làm giảm đi giá trị chân thực và làm sai lệch giá trị, bản sắc văn hoá của lễ hội. Cùng đó là các trò chơi mang tính cờ bạc, mê tín chưa chấm dứt. Không gian dịch vụ thương mại lấn át không gian thiêng lễ hội... Những yếu kém, tiêu cực còn tồn tại trong hoạt động lễ hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường văn hoá, gây nên bức xúc trong dư luận nhân dân.

 

Để có một mùa lễ hội vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, đáp ứng thuần phong mĩ tục cũng như tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân, từ ngày 10 tháng 1 năm 2014, Sở đã có văn bản chỉ đạo phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thị và thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện tốt các nhiệm vụ về tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội.

 

Cụ thể là các đơn vị trực thuộc cũng như địa phương có lễ hội tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 265/CT-BVHTTDL ngày 18/12/2012 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội; Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức lễ hội ở địa phương mình;; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội hàng năm và chỉ đạo thực hiện cụ thể; kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội, thành lập các tiểu ban, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩ và giá trị lịch sử của lễ hội, bảo đảm tổ chức an toàn, trang trọng, hiệu quả, thiết thực, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ di tích, di sản; đặc biệt công tác tổ chức lễ hội năm 2014, các địa phương phải quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các địa phương có lễ hội diễn ra tại các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh… phải xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, phương án tổ chức bảo đảm an toàn tuyệt đối, phân luồng, phân tuyến giao thông, bảo đảm an ninh trật tự; bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông cho khách, tránh ách tắc cục bộ làm cản trở lưu thông của du khách tham dự lễ hội; không gây ảnh hưởng và làm sai lệch giá trị của di tích, danh thắng; thực hiện quy hoạch tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí hợp lý; Đảm bảo vệ sinh môi trường và chú trọng việc tổ chức các hoạt động văn hoá, trình diễn di sản văn hoá phi vật thể ở các lễ hội.

 

Tiếp tục triển khai thực hiện và tiến hành sơ kết thực hiện nhiệm vụ đột phá thuộc lĩnh vực văn hoá cơ sở về đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tuyên truyền tạo sự chuyển biến căn bản, bền vững trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội; Có biện pháp ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, như xóc thẻ, rút thẻ, bói toán, cúng thuê, cờ bạc trá hình, đốt đồ mã, đặt quá nhiều hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tuỳ tiện, lưu hành văn hoá phẩm trái phép, tăng giá dịch vụ, thương mại hoá lễ hội, tổ chức lễ hội không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Hướng dẫn nhân dân đặt lễ, tiền giọt dầu đúng nơi, đúng chỗ theo quy định của Ban tổ chức lễ hội địa phương.

 

Mùa lễ hội đã gõ cửa từng nhà. Song chúng tôi mong cho mỗi người đều có được một mùa Xuân an bình, tiết kiệm và có những ngày tham gia lễ hội vui tươi, an toàn, văn minh và “vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”.