Những ngày Tết cổ truyền là thời điểm hội tụ những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống và độc đáo của mỗi dân tộc. Với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có một phong tục đón Tết riêng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của người Việt Nam. Xin giới thiệu phong tục Tết của một số dân tộc.
Lễ hội Gầu Tào của người Mông
Lễ hội Gầu Tào của người Mông diễn ra trong khoảng từ mồng một đến ngày rằm tháng Giêng. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông ở các tỉnh vùng cao phía bắc. Nghi lễ đặc sắc là dựng cây nêu báo hiệu cho mọi người biết gia chủ tổ chức lễ hội. Cây nêu là một cây tre cao từ 10 đến 12 m, thân tre gióng thẳng, nhẵn, mầu xanh bóng, ngọn tre để nguyên lá, trang trí chung quanh nhiều mầu sắc. Sau khi gia chủ và thầy cúng cúng lễ, gia chủ sẽ hát những bài ca ngợi bản mường, chúc tụng mọi người nhân dịp năm mới. Các chàng trai, cô gái trong trang phục dân tộc thổi khèn, múa khèn, mời nhau rượu ngô và cùng say trong tiếng khèn; tổ chức những trò chơi truyền thống như đánh yến, leo cột lấy bầu rượu. Sau ba ngày hội, chủ lễ hạ cây nêu sau đó vác về nhà gia chủ. Nghi lễ đón cây nêu diễn ra tại cửa nhà.
Tết của dân tộc Nùng
Mâm lễ cúng tổ tiên đêm 30 Tết cũng như trong bữa cơm Tết của người Nùng là món thịt gà sống thiến. Sáng mồng một, người con rể phải đi lễ bố mẹ vợ một đôi gà sống thiến. Hai món nữa không thể thiếu đối với Tết của bà con dân tộc Nùng là bánh khảo, xôi ngũ sắc (vàng, trắng, hai sắc của đỏ gấc, đen). Từ ngày 28 và 29 tháng Chạp, người Nùng đã nghỉ ngơi, vệ sinh nhà cửa, cọ rửa đồ nông cụ, dán giấy đỏ cúng hồn các vật dụng lao động; trước cửa treo câu đối Tết viết bằng chữ Nôm Nùng... Các trò chơi phổ biến trong ngày Tết của người Nùng là ném còn, đá cầu, hát đối nam nữ, đánh võ cổ truyền, đánh gậy; trẻ con chơi quay, múa sư tử...
Lễ gội đầu của người Thái trắng
Theo quan niệm của người Thái, gội đầu là để rửa trôi, tống tiễn những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước (sông, suối), đồng thời cầu cho năm mới tốt lành, con người có sức khỏe, gặp điều hay, làm ăn phát đạt... Lễ hội gội đầu hay lễ hội "lúng ta" được tiến hành từ trưa ngày cuối cùng trong năm (ngày 30 Tết) là lễ hội quan trọng đánh dấu thời điểm qua năm, rũ bỏ cái cũ, đón nhận cái mới, cũng là sự mở đầu của các lễ hội trong năm của người Thái trắng.
Lễ hội mừng lúa mới của người Xê Đăng
Đã thành truyền thống, cứ đến ngày đầu của năm mới, là thời điểm trời đất giao hòa, người Xê Đăng lại bắt đầu mở hội, bước vào mùa "ăn năm uống tháng", trong đó có lễ hội mừng lúa mới. Trước kia tục tế Yàng mừng lúa mới của người Xê Đăng diễn ra trong phạm vi từng gia đình, ngày nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng, là dịp để các gia đình chuẩn bị những ché rượu cần ngon nhất, nướng cơm lam, nướng thịt góp với cộng đồng buôn để tổ chức nghi lễ trong tình đoàn kết. Sau lễ cúng tế, già làng khai rượu cần, đồng thời các ché rượu, các bàn ẩm thực cũng bắt đầu khai tiệc đoàn kết. Sau đó chiêng trống nổi lên, cộng đồng cùng bước xoang vào hội; thanh niên nam, nữ trổ tài qua các hoạt động: thi giã gạo chày tay, thi trang phục truyền thống, thi đi cà kheo, thi kéo co...
Tết của đồng bào dân tộc Hrê
Tết của đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi kéo dài trong vài tháng. Mỗi gia đình phải lo nấu bánh tét, làm rượu cho thật nhiều. Có nhà nấu từ 20 đến 40 nồi bánh tét, ủ hàng trăm ché rượu cần, làm thịt vài con trâu để đãi khách và bà con trong buôn làng. Tất cả mọi người đều tề tựu về nhà chủ làng để ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau. Sau đó mới lần lượt đến các nhà khác. Họ vừa ăn uống vừa múa hát.
Đàn ông thì đeo ống chinh, còn đàn bà thì đeo ống bương lấy hai tay vỗ vào đầu ống sẽ tạo thành tiếng nhạc điệu bập bùng...