Dịch cúm gia cầm (H7N9, H10N8, H5N1, H5N2, H6N1) đang xảy ra tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và các nước giáp biên giới với Việt Nam. Dịch cúm gia cầm diễn biến rất sức phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều chủng vi rút cúm khác nhau trên cả người và động vật.
Năm 2013, chủng vi rút cúm A/H7N9 đã lây nhiễm cho 147 người tại Trung Quốc, Hồng Koong và Đài Loan và gây tử vong 47 người. Có 38 ca mắc và có 26 ca tử vong với chủng vi rút cúm A/ H%N1, trong đó Campuchia có 26 ca mắc và có 14 ca tử vong. Trung Quốc thông báo có 1 ca nhiễm cúm A/ H10N8 và đã tử vong, chủng vi rút này đã tìm thấy trên loài chim hoang dã và đã biến đổi, có khả năng lây lan sang người. Đài Loan phát hiện chủng vi rút cúm A/ H6N1 ở một bệnh nhân nữ. Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến nay, Trung quốc cũng đã xuất hiện 11 ca nhiễm cúm A/ H7N9 và đã có 4 ca tử vong. Ở Việt Nam, tại tỉnh Bình Phước ngày 20/1/2014 đã có 1 một ca tử vong do nhiễm cúm A/ H5N1.
Như vậy, các chủng vi rút cúm gia cầm mới tìm thấy trên người và gây tử vong (H7N9, H10N8, H6N1) đều được tìm thấy trên gia cầm từ vài năm trước đây nhưng đến nay mới lây nhiễm sang người.
Theo thông báo của Tổ chức Thú y Thế giới và cơ quan thú y các nước: năm 2013, dịch cúm gia cầm A/ H5N1 đã xuất hiện tại 13 nước, đặc biệt ngày 21/12/2013, vi rút cúm A / H5N2, chủng độc lực cao đã lây nhiễm cho đàn gia cầm tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Trong năm 2013, các hoạt động phòng, chống buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới không rõ nguồn gốc có hiệu quả tích cực. Đồng thời công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch cúm gia cầm đã được chính quyền các cấp, các Bộ, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản xử lý các ổ dịch nhỏ lẻ không để lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức thực hiện kiểm soát nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới không rõ nguồn gốc chưa được thực hiện quyết liệt, gia cầm nhập lậu có chiều hướng gia tăng. Nguy cơ các chủng vi rút cúm mới xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm, khách du lịch đến từ các nước có dịch là rất cao nhất là trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.
Để chủ động ngăn chặn các chủng vi rút cúm gia cầm mới, độc lực cao xâm nhập và lây lan vào Việt Nam, hạn chế thấp nhất vi rút lây nhiễm và gây tử vong cho người, giảm thiểu thiệt hại cho ngành Chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 133/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới. Nội dung Công điện yêu cầu, các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1); tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm qua biên giới.
UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 191 yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, các sở ngành và UBND các huyện, thành thị triển khai thực hiện Công điện số 133, Công điện khẩn số 12 ngày 15/8/2013của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm cúm gia cầm qua biên giới và Quyết định số 1149 ngày 5/6/2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên về quy định tạm thời về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; tổ chức theo dõi, nắm tình hình, chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, trực chốt và vệ sinh thú y theo các quy định hiện hành.
Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp, các ngành liên quan để phòng chống dịch cúm có hiệu quả. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn theo dõi diễn biến, thường xuyên thông tin, chủ động tuyên truyền để người dân biết chủ động phòng chống dịch…