Với hơn 100 tác phẩm hội hoạ về đề tài đất nước và con người Việt Nam được thể hiện bằng kỹ thuật Katazome truyền thống, nữ hoạ sĩ Nhật Bản Toba Mika được công chúng hai nước Việt Nam-Nhật Bản biết đến với hình ảnh là người nghệ sĩ của hai nền văn hoá.
Tạm lánh khỏi sự huyên náo, ồn ào ở đất nước mặt trời mọc, cuối năm 2013, nữ hoạ sĩ Nhật Bản Toba Mika lại mang theo những tác phẩm hội hoạ tâm huyết nhất đến với công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam.
Chia sẻ về duyên phận đã gắn chặt hoạt động nghệ thuật của mình với Việt Nam, Toba Mika nhớ lại, năm 1994, trên hành trình tìm hướng đi mới trong nghệ thuật, nữ hoạ sỹ ngẫu nhiên đặt chân đến Việt Nam. Ấn tượng mạnh mẽ đọng lại trong bà lúc đó là một đất nước vô cùng náo nhiệt, đầy sức sống và có nhiều nét tương đồng với nước Nhật trong quá khứ.
“Một ngày mưa dông, khi bắt gặp cảnh tượng những mái nhà liêu xiêu nép mình bên bờ sông Sài Gòn, khuất xa là một thành phố ồn ào náo nhiệt, bất chợt tôi nhận ra mình đang được chứng kiến giai đoạn phát triển đặc biệt của một đất nước. Điều đó thôi thúc tôi muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa”, Toba Mika chia sẻ.
Từ trong giây phút tĩnh lặng đó, nữ hoạ sĩ đã tìm thấy cho mình một hướng đi riêng trong nghệ thuật, và quyết tâm theo đuổi một đề tài duy nhất “Việt Nam” cho đến tận bây giờ. Với ấn tượng sâu sắc về một đất nước đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ, mỗi lần quay trở lại Việt Nam sau này, Toba Mika đều ghi chép lại những hình ảnh rất đỗi gần gũi với cuộc sống thường ngày, rồi phác hoạ chúng lên tranh vẽ một cách chân thực bằng kỹ thuật nhuộm màu Katazome truyền thống của Nhật Bản.
Trong tranh của Toba Mika, người xem có thể bắt gặp những khung cảnh thân thuộc của Việt Nam như: những góc phố cũ kỹ trầm lặng trong cái gió se lạnh đầu đông Hà Nội; những bãi biển cát trắng ngập nắng gió miền Trung; hay hình ảnh những cánh đồng, cửa sông, xóm chài Nam Bộ… Bằng lối diễn tả sống động và chân thực của mình, nữ hoạ sĩ như chạm tay vào ký ức của người xem, dẫn dắt họ quay trở lại với những hoài niệm xưa cũ, để rồi bất chợt khiến họ ngỡ ngàng trước một đất nước Việt Nam vẫn không ngừng vận động.
“Những con phố nhỏ cổ kính, những mái nhà nhỏ ven sông, hay âm thanh vang vọng của đoàn tàu đêm hối hả..., tôi muốn lưu giữ những hình ảnh đó bởi sau này, những cảnh tượng ấy chắc chắn sẽ không bao giờ tái hiện, mà chỉ còn có thể được chiêm ngưỡng và cảm nhận thông qua nghệ thuật mà thôi”, nữ hoạ sĩ Toba Mika tâm sự.
Tác phẩm "Nơi bàn chân tìm đến" vẽ thánh địa Mỹ Sơn của Toba Mika.
Cảnh sắc trong tranh Toba Mika tuy quen mà cũng rất lạ, quen vì đó là những khung cảnh thường thấy của cuộc sống, lạ vì cách thể hiện rất mới của người nghệ sĩ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật truyền thống với hội hoạ đương đại, cùng cái nhìn và cảm quan riêng về nghệ thuật đã tạo nên nét độc đáo cho những tác phẩm của Toba Mika.
Trong những sáng tác của mình, một cách có chủ ý, Toba Mika đã khéo léo kết hợp sự đối lập mạnh mẽ của hội hoạ hiện đại với kỹ thuật in ấn truyền thống lâu đời của nước Nhật. Thành công của sự kết hợp tinh tế ấy đã tôn thêm nhiều lần giá trị của những mảng mầu tương phản trong tranh, qua đó càng làm nổi bật lên ý nghĩa của từng tác phẩm.
Toba Mika cho biết, Katazome là nét văn hóa độc đáo, được người dân Nhật Bản trân trọng, kế thừa từ bao đời nay. Nó đòi hỏi tài năng, sự tinh tế và công phu của người nghệ sĩ mà chính họa sĩ phải là người tâm huyết để bảo tồn và cách tân cho phù hợp với sự phát triển của thời đại. Kỹ thuật Katazome chỉ phù hợp để in tranh khổ lớn, vì thế các bức tranh của Toba Mika thường có kích cỡ khổng lồ, có bức rộng đến cả chục mét vuông.
Hiếm có một họa sĩ nước ngoài lại có được một số lượng lớn tác phẩm hội họa về Việt Nam lớn như Toba Mika. Những tác phẩm hội hoạ độc đáo về đề tài Việt Nam của nữ hoạ sĩ Toba Mika đã góp phần mang hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Tác phẩm "Giấc mơ phương Đông".
Trong suốt 20 năm gắn hoạt động nghệ thuật với Việt Nam, hàng loạt những bức tranh nhuộm màu đặc sắc, khắc họa cảnh vật các vùng, miền trên đất nước Việt Nam của Toba Mika như: Ánh sáng Việt Nam, Hồi tưởng Việt Nam, Nhắn Hà Nội, Mỹ Sơn, Dòng sông qua kinh thành Huế, Phố cũ Sài Gòn, Phố phường Hoàn Kiếm... như dòng chảy thời gian, ghi lại hình ảnh đất nước Việt Nam đang từng ngày thay da đổi thịt.
Toba Mika tâm sự từ rất lâu bà đã coi Việt Nam đã là quê hương thứ hai, một phần máu thịt không thể thiếu trong cuộc sống, hơi thở của mình. Nữ hoạ sĩ muốn lưu giữ lại những cảnh vật không thể thấy lại của mảnh đất này, để giúp các thế hệ trẻ sau này của Nhật Bản và Việt Nam có thêm một góc nhìn nghệ thuật, qua đó hiểu rõ hơn nữa về cuộc sống và con người nơi đây. Bằng tình cảm trân trọng, Toba Mika gọi đó là “Di sản văn hóa của riêng tôi”.
Vì những đóng góp đối với các hoạt động giao lưu văn hóa hai nước Việt-Nhật, nữ hoạ sĩ Toba Mika đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam trao tặng “Huân chương vì sự nghiệp văn hóa”. Trong sự nghiệp của mình, nữ họa sĩ cũng nhận được rất nhiều giải thưởng nghệ thuật danh giá của Nhật Bản và thế giới.