Trong niềm hoan hỷ, tràn ngập không khí vui tươi mừng Đảng, mừng Xuân, sáng 11-2, Chùa Phù Liễn đã tổ chức khai hội xuân. Dự lễ hội có các đồng chí Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Ban Tôn giáo của tỉnh, T.P Thái Nguyên, phường Hoàng Văn Thụ, cùng hàng nghìn tăng ni phật tử.
Chùa Phù Liễn tên chữ là Phù Liễn tự. Theo thần phả còn có tên: Chùa Phù Tự, có nghĩa là che chở, bảo vệ những điều chân chính. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý. Trải qua hơn 300 năm, ngôi chùa luôn là dấu ấn trong lịch sử phát triển của địa phương. Những năm gần đây, ngôi chùa được đầu tư, tôn tạo, xây dựng trang nghiêm, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của phật tử, nơi đặt Trụ sở Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên. Dưới sự trụ trì, hướng dẫn phật sự của Đại đức Thích Nguyên Thành, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thái Nguyên, Trụ trì chùa Phù Liễn, cùng các thành viên Ban hộ tự, các phật tử gần xa đã công đức tạo dụng ngôi chùa ngày một bề thế.
Màn múa Lân
Trước đó, chiều 10-2, Chùa Phù Liễn đã tiến hành An vị ngọc Phật Di Lặc do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Ấn T.P Hà Nội công đức, khối ngọc xanh có trọng lượng khoảng 16 tấn, được phát hiện và khai thác từ tỉnh Yên Bái, Chùa Phù Liễn đã quyết định tạc tượng Đức Phật Di Lặc. Sau gần 6 tháng chế tác, tượng Đức Phật Di Lặc bằng Ngọc xanh nguyên khối đã hoàn thành với khối lượng 6,6 tấn, cao 1,6m (không kể phần bệ đỡ phía dưới), được an vị trang trọng ngay trước sân chính của Chùa Phù Liễn. Tượng Phật Di Lặc là pho tượng ngọc xanh lớn nhất cả nước. Việc an vị tượng tại Chùa Phù Liễn không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh, mà đây còn là một công trình có ý nghĩa văn hóa to lớn, mang lại cho quần thể kiến trúc của Chùa Phù Liễn thêm đẹp và trang nghiêm.
Phát biểu tại lễ hội Chùa Phù Liễn, đồng chí Nhữ Văn Tâm bày tỏ mong muốn nhà chùa cùng các phật tử tiếp tục chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, đúng phương châm “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, động viên các tăng ni, phật tử và nhân dân hăng hái thi đua, lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh.
Ngay sau phần lễ dâng hương, các tăng ni phật tử cùng đông đảo du khách cùng xem các hoạt động văn hóa thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Múa lân, ca múa nhạc, thi đấu cờ tướng, bóng chuyền, thi bịt mắt đánh trống, thưởng thức chương trình ngâm thơ….các hoạt động diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tràn đầy sức xuân.