Ngày 22/2, Thư viện “Những cuốn sách quý của Pino Tagliazucchi về Việt Nam và lịch sử hiện đại” đã được khai trương tại thành phố Allerona, miền Trung Italy.
Khoảng 5.000 đầu sách các thể loại nói về Việt Nam cũng như lịch sử châu Á thời kỳ đương đại... do ông Pino Tagliazucchi viết, dịch và sưu tầm đã được con gái ông Pino Tagliazucchi tập hợp và gửi tặng lại thành phố Allerona sau khi ông mất.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long cho biết ông Pino Tagliazucchi là người bạn tốt của nhân dân Việt Nam và là một trong những nhà nhà nghiên cứu về Việt Nam hàng đầu của Italy. Ông Pino Tagliazucchi đã có rất nhiều sách nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và đã tham gia cùng các học giả Việt Nam dịch nhiều sách, ca dao, viết báo về Việt Nam... Ngoài ra ông còn sưu tầm nhiều sách báo, tài liệu về Việt Nam, về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh từ năm 1965, ông Pino Tagliazucchi đã có nhiều hoạt động tích cực vì Việt Nam, nhất sự đóng góp trong các hoạt động của phong trào công đoàn Italy đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long chia sẻ ông Pino Tagliazucchi là một trong những thành viên tích cực của Hội Hữu nghị Italy-Việt Nam trong những năm Hội tham gia đấu tranh cho hòa bình, chống chiến tranh tại Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long hy vọng thư viện sẽ là cầu nối để phát triển, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung cũng như Việt Nam và thành phố Allerona nói riêng.
Cùng chung nhận định trên về ông Pino Tagliazucchi, Thị trưởng thành phố Allerona Valentino Rocchigiani nhấn mạnh sự đóng góp của bà Nora Tagliazucchi trong việc sưu tập lại những cuốn sách, tài liệu trên của ông Pino Tagliazucchi.
Thư viện mang tên ông Pino Tagliazucchi được đặt tại thành phố Allerona sẽ là địa điểm lý tưởng để người dân thành phố hiểu biết nhiều hơn về ông Pino Tagliazucchi và đất nước Việt Nam. Lãnh đạo thành phố Allerona sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho thư viện đi vào hoạt động cũng như trong các hoạt động truyền bá văn hóa, sự hiểu biết về Việt Nam cho người dân thành phố nơi đây.
Xúc động trước tình cảm, chia sẻ của mọi người có mặt tại buổi lễ khai trương thư viện, bà Nora Tagliazucchi đã cảm ơn sự quan tâm của người dân Italy nói chung và thành phố Allerona nói riêng với sự nghiệp nghiên cứu về Việt Nam của cha mình.
Bà Nora Tagliazucchi chia sẻ bà rất tự hào về cha mình, đặc biệt bà rất trân trọng những tình cảm của ông đối với đất nước và người dân Việt Nam. Vì thế, việc bà hy vọng những cuốn sách mà mình gửi tặng sẽ có ích đối với những người có tình cảm và mong muốn được tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam.
Sinh ra tại thành phố Modena, ông Pino Tagliazucchi (1921-2005) là một học giả nghiên cứu về Việt Nam rất nổi tiếng tại Italy. Năm 1964, khi Đảng Xã hội Italy tách làm đôi, ông đứng về phía đảng cánh tả là Đảng Xã hội đoàn kết vô sản Italy (PSIUP), với tư cách Ủy viên Trung ương phụ trách quan hệ quốc tế, kiêm Tổng biên tập tạp chí quốc tế của đảng, làm việc ở Roma.
Sau đó, từ năm 1965, ông bắt đầu quan tâm đến các vấn đề Việt Nam và đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu.
Ông Pino Tagliazucchi đã xuất bản các cuốn sách về Việt Nam, như “Điện Biên Phủ, ba nghìn ngày” (1969), "Ca dao Việt Nam" (cùng dịch và viết với giáo sư Nguyễn Văn Hoàn ở Hà Nội, năm 2000), "Tiểu sử chính trị Hồ Chí Minh" (1890-1945) và nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam như Phong trào Cần Vương, Các vấn đề chiến lược về Điện Biên Phủ, nghiên cứu Đóng góp vào tiểu sử Võ Nguyên Giáp...
Trước thư viện mang tên ông Pino Tagliazucchi với nhiều sách báo, tài liệu nghiên cứu về Việt Nam và Bác Hồ tại thành phố Allerona, tại thành phố Torino, Italy cũng có Trung tâm nghiên cứu Việt Nam đặt tại văn phòng do Lãnh sự danh dự Scagliotti với khoảng 4.000 đầu sách các loại giới thiệu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là một địa điểm tại Italy mà cộng đồng Việt kiều cũng như bạn bè Italy rất hay đến để tìm hiểu, nghiên cứu và tham khảo các loại tài liệu giới thiệu giới thiệu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh./.