Lại một mùa thơ rộn rã

11:12, 14/02/2014

Cũng như 11 năm qua, cứ vào Rằm tháng Giêng, bạn yêu thơ gần xa lại nô nức đến với Lễ hội thơ. Ở đó, thơ và người làm thơ được dịp tôn vinh. Ở đó, người yêu thơ được thưởng thơ thỏa thích, được hít thở bầu không khí đậm đặc chất thi ca.

Năm nay, Ngày thơ Việt Nam trên toàn quốc có chủ đề chung là “Mừng Đảng, Mừng Xuân - Từ Điện Biên tới Trường Sa”. Trên cơ sở đó, Lễ hội thơ của Thái Nguyên mang chủ đề: “Mừng Đảng, mừng Xuân: Tuổi trẻ và Tổ quốc”. Vẫn ở địa điểm cũ: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các “sân chơi” của thơ sẽ trải khắp khuôn viên Bảo tàng trong ngày 15 âm lịch (14-2). Phần lễ được tổ chức ở sân khấu chính, có treo cờ Thơ và đặt trống hội. Sau màn hát múa náo nức không khí xuân do Đoàn Nghệ thuật tỉnh trình diễn là màn đánh trống khai hội, phát biểu chào mừng của lãnh đạo tỉnh.

 

Khác với năm trước, bài thơ bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chủ tịch chỉ do 1 người ngâm, năm nay tác phẩm này do Nghệ sĩ Minh Thu và Xuân Giao của Trung tâm Văn hóa tỉnh trình bày. Và điểm khác biệt nữa: 4 nhà thơ gồm Đức Hạnh, Tuấn Dũng, Kiến Thọ, Quyết Tiến sẽ trình diễn liên khúc 2 bài thơ nổi tiếng là “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi và “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến. 4 nhà thơ đã dành thời gian tập luyện để thể hiện nét bi tráng, trữ tình, thắm thiết, hào sảng của thi phẩm trên. Bài thơ “Đất nước” có 10 khổ được 4 người thể hiện. Bài “Tổ quốc nhìn từ biển” có 12 khổ, 11 khổ đầu 4 người đọc lần lượt, khổ cuối mỗi người đọc 1 câu và đồng thanh đọc lại cả 4 câu như điểm nhấn về chủ đề, tạo dấu ấn cho người nghe:

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

 

Hướng về chủ đề Tuổi trẻ và Tổ quốc, bài thơ gối đầu giường của lớp thanh niên những năm 1970 “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của nhà thơ Phạm Tiến Duật với những câu thơ bất hủ được thể hiện bằng phong cách trẻ trung của nhóm sinh viên Khoa Văn - Xã hội (Đại học Khoa học):

 

Từ nơi em đưa đến nơi anh
Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn…

 

Phạm Văn Vũ, Chi hội Thơ, người được giao phụ trách tiết mục này cho biết: 2 nhân vật nam và nữ diễn xuất trên nền múa phụ hóa có đạo cụ là võng và lụa. Điều các bạn trẻ muốn gửi đến người xem, người nghe là: Trong gian khổ, chiến trận, tình yêu cũng là một sức mạnh, một vẻ đẹp, chúng ta đã từng có một thế hệ như thế.

 

Màn thả những câu thơ hay lên trời đã trở thành nghi lễ và năm nay, điều đặc biệt, 10 câu ca dao nổi tiếng sẽ được “thăng thiên” mang thông điệp về sự tôn vinh, trân trọng giá trị văn hóa dân tộc.

 

Sau phần hội, các sân chơi bắt đầu hoạt động. Tại ngôi nhà Việt, nhà Rông, nhà Chăm, sân chính Bảo tàng sẽ là các vườn thơ Muôn nhà, Đương đại, Thơ Đường, Thơ Trẻ… Các thi sĩ ở câu lạc bộ thơ các phường, xã, huyện, thị xã có dịp hội ngộ, hoan hỉ chia sẻ một tứ thơ, một tâm trạng, một cảm xúc để cùng làm đầy hơn tâm hồn, niềm vui sống trong nhau. Theo ước tính, có khoảng 100 người sẽ đọc thơ, hàng nghìn người được nghe thơ và tham gia các hoạt động văn hóa khác.

 

Lễ hội còn có sự góp mặt của “binh chủng” nhiếp ảnh, với khoảng gần 100 bức ảnh về quê hương, đất nước của các nghệ sĩ đặt rải rác trên các lối đi trong khuôn viên Bảo tàng. Người thưởng ảnh không chỉ bằng thị giác mà còn được bộc bạch cảm xúc của mình trong cuộc thi đề thơ vào ảnh. Ngay sau khi Ngày thơ kết thúc, người đoạt giải thi đề thơ cũng được trao thưởng.

 

Không phải lần đầu tham gia Lễ hội thơ, vậy mà lòng người vẫn nao nức, mong chờ đến ngày khai hội. Để được vui, được cảm, được thăng hoa cùng mùa xuân và bạn bè, giúp ta thêm hồ hởi bước tiếp chặng đường mới.