Mùa xuân trảy hội Lồng Tồng

15:39, 09/02/2014

“Áo em thêu chỉ biếc hồng/Mùa xuân ngày hội Lồng Tồng thêm vui”, đã thành lệ, cứ mùng 9, mùng 10 tháng Giêng, trong tiết trời se lạnh, mưa xuân lất phất bay, người dân Định Hóa lại náo nức tìm về hội Lồng Tồng mang theo niềm hy vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

 

 

Trước giờ khai hội (mùng 10 tháng Giêng), Đoàn đại biểu của tỉnh do đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn, cùng lãnh đạo huyện Định Hóa đã trang trọng thực hiện nghi lễ dâng hương, báo công với Bác Hồ tại Nhà tưởng niệm Người trên đỉnh đèo De (ảnh). Ngay sau lễ dâng hương, mọi người cùng về sân khấu chính của lễ hội để lắng đọng trong điệu hát then cổ, điệu múa nàng then - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nơi đây.

 

 

Sau bài phát biểu khai mạc của đồng chí Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, già làng Ma Đình Được, 73 tuổi, xóm Đồng Hoàng, xã Phú Đình, người nhiều năm nay được giao trọng trách là người đánh trống khai hội dang rộng cánh tay, nhịp từng hồi trống chắc nịnh, cùng với màn trống hội của các em học sinh trường THPT Bình Yên, vang vọng khắp núi rừng mời gọi người về dự hội. Già làng Ma Đình Được xúc động nói: 12 năm được vinh dự đánh trống khai hội, tôi cảm thấy rất vui. Vẫn là 3 hồi, 3 tiếng, nhưng trước tôi đánh từng hồi chậm rãi thì nay khi đất nước đổi mới, cuộc sống ngày càng phát triển hơn, tiếng trống được gióng lên từng hồi, từng tiếng nhanh, mạnh hơn với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà no đủ, mọi người mạnh khỏe.

 

 Nghi lễ cầu phúc, cầu mùa theo phong tục cổ truyền được thực hiện tại sân khấu lễ hội.

 

Cũng trong phần lễ, bà con và du khách thập phương còn được chứng kiến các nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, dân tộc Sán Chay, lễ xuống đồng, nghi lễ cầu phúc của dân tộc Dao được thực hiện ở khu vực sân khấu Lễ hội. Các thầy cúng trong trang phục rực rỡ đã dâng lên trời đất mâm lễ được chuẩn bị công phu với đủ ngũ sắc, hương vị... thịt gà luộc, thịt lợn nạc, xôi ngũ sắc, rượu, các loại bánh đặc trưng của Định Hóa… Khi lễ đã đủ, thầy mo sẽ thực hiện mọi nghi thức tâm linh như vái lạy trời đất, cảm tạ thần linh, nguyện cầu cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... Sau màn cúng cầu mùa trên sân khấu, đích thân thầy cúng ra cánh đồng xin phúc lộc đến với mùa màng cho người dân.

 

 Hội thi cấy thu hút nhiều đội thi của các xã về tham dự.

 

Mưa xuân mỗi lúc một dầy, nhưng dòng người từ khắp các ngả đường vẫn hướng về sân khấu chính của lễ hội để được tận mắt chứng kiến và thử sức trong các trò hội truyền thống như: ném còn, đánh đu, bịt mắt bắt dê, đi cầu thăng bằng, kéo co, đẩy gậy… Tại sân lễ hội rực rỡ sắc cờ Tổ quốc, cờ hội và đủ sắc màu của từng lán trại, một cây nêu cao, trên gắn hồng tâm, có tua rua ngũ sắc bay phấp phới được đặt ở giữa sân để mọi người tham gia tung còn. Giữa những tiếng hò reo, từng quả còn ngũ sắc lượn bay trên không trung, như trăm cánh hoa làm đẹp núi rừng Định Hóa. Lễ hội náo nhiệt, rộn ràng hơn với phần múa lân-sư-rồng và múa rối Tày Ru Nghệ của những nghệ nhân người bản địa tại sân khấu chính. Đồng chí Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết về nhiều nét mới như: Thay vì tổ chức Hội thi trang phục dân tộc trong tối mùng 9 như những năm trước thì năm nay, BTC phối hợp với Đài PT-TH tỉnh truyền hình trực tiếp chương trình văn nghệ với sự tham gia của Đoàn văn hóa nghệ thuật tỉnh, các ca sĩ, nghệ sĩ của Học viện âm nhạc Hà Nội. Cùng với chương trình văn nghệ, du khách thập phương và khán giả truyền hình còn được đắm mình trong không gian Văn hóa Trà, không gian ẩm thực mang đậm nét đặc sắc của vùng đất ATK Định Hóa. Ngoài ra, Lễ hội năm nay còn tổ chức đưa điệu múa nàng then của dân tộc Tày, Nùng vào biểu diễn, phục vụ du khách dự hội. Đây là những hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá những tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện tới du khách gần xa.

 

Màn múa lân-sư-rồng tại lễ hội.

 

Được tổ chức ở ATK Định Hóa, nơi một thời từng là căn cứ địa cách mạng những năm kháng chiến, nên lễ hội Lồng Tồng cũng là dịp để du khách thực hiện hành trình về nguồn và tri ân. Nhiều du khách chia sẻ, ngoài việc đi chơi hội, tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều du khách đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, thăm nơi Bác từng sống và làm việc, cũng như thăm các di tích lịch sử khác để hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc.

 

Hội đã tan nhưng trong lòng người tham dự vẫn văng vẳng lời then, tiếng  đàn tính, lòng lại dặn lòng gặp lại ở hội sau.