Ngày xuân đi lễ hội đền Đuổm

17:41, 05/02/2014

Hằng năm, mỗi độ xuân về, đào, mận nở khoe sắc cũng là lúc từ chân núi Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương tiếng trống, chiêng lại gióng vang gọi mùa lễ hội. Như thường lệ, năm nay, cũng vào ngày mồng 6 tháng giêng (âm Lịch), huyện Phú Lương tưng bừng tổ chức Lễ hội đền Đuổm xuân Giáp Ngọ 2014. Về dự Lễ hội có đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thế Đề, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh; Trương Thị Huệ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Thái Nguyên; đại diện các cơ quan, ban, ngành, huyện, thành, thị xã của tỉnh và hàng vạn người dân thập phương về thành kính dâng nén tâm nhang cùng lời cầu phúc nhân ngày đầu năm mới.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

 

 

Từ xa nhìn lại, núi Đuổm hùng vĩ với 6 mỏm đá cao chất ngất tạo hình hàm long ngóc đầu chầu lên oai phong. Kề chân núi là đền Đuổm. Ngôi Đền thờ danh tướng Dương Tự Minh, người có công lao trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chãi biên cương phía Bắc Tổ quốc Đại Việt dưới các triều Lý (nửa đầu thế kỷ 12). Với tài năng, đức độ của mình, ông được vua Lý gả công chúa Thiều Dung, phong là “Phò Mã lang” và “Cao Sơn Quý Minh”.

 

Tương truyền, hơn 30 năm dưới sự cai quản của Dương tự Minh, phủ Phú Lương dần trở thành một vùng đất đai phồn thịnh, tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài, nhân dân làng Đuổm đã đời đời nối nhau phụng thờ. Ông Nguyễn Thế Hiệp, Trưởng Ban Quản lý quần thể Di tích đền Đuổm cho biết: Lễ, hội đền Đuổm được tổ chức vào ngày 6 Tết cổ truyền hằng năm, vào ngày này, nhân dân các xóm của xã Động Đạt đều dậy từ rất sớm để chuẩn bị. Đoàn dâng lễ với khăn áo chỉnh tề, trang trọng đội cỗ, lễ, hương hoa từ thủy đền dâng lên đền chính. Lễ dâng lên đền gồm có cỗ chay và cỗ mặn. Cỗ chay rước trước, cỗ mặn rước sau. Cỗ chay gồm các loại bánh bìa, bánh vôi, chè lam, bánh khảo, bánh rán, bỏng nổ được bày trí vào 8 mâm bồng, mỗi mâm lại được đặt thành 8 phần có đủ 6 loại bánh. Cỗ mặn gồm lợn quay, xôi gấc, gà luộc được bày biện đẹp mắt. Đi trước đoàn dâng lễ còn có các đội lân mở đường, tiếp đến là các đội trống, chiêng, kèn đồng, sáo, nhị thanh la... Khi các lễ vật được bày biện ngay ngắn lên ban thờ trước đền chính, tiếng chuông, tiếng trống bắt đầu gióng lên, thong thả, đều đặn từng nhịp điểm vào không gian của mùa xuân, gợi sự thiêng liêng, trân trọng như ru hồn bao con người trở về miền ký ức xa xăm của thuở ngày xưa cha ông ta cùng đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng bản làng no ấm, phồn thịnh. Bà Nguyễn Thị Xuân, xã Động Đạt cho biết: Để những mâm cỗ dâng Ngài được đẹp mắt, người dân các xóm đã rục rịch chuẩn bị từ trước đó vài hôm, có khi là trước cả ngày Tết. Mỗi người một việc, lấy lá, xay bột, gói bánh, nổ bỏng… Sau khi tế xong, nam giới làng Đuổm từ 18 tuổi trở lên được ăn cỗ tại Đền. Ngoài ra, các chức dịch trong làng còn được chia phần cỗ lễ mang về nhà thắp hương tại gia đình. Còn theo ông Bùi Quang Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Phú Lương, đại diện Ban tổ chức Lễ, hội đền Đuổm: Lễ, hội được tổ chức nhằm góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, niềm tự hào về lịch sử cha ông, truyền thống anh hùng và đáp ứng nhu cầu sinhh hoạt tinh thần của nhân dân. Hoạt động của lễ, hội bảo đảm đúng chuẩn mực nghi lễ truyền thống, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, an toàn, tiết kiệm, lành mạnh.

 

Được biết, từ hôm trước (mồng 5 Tết), huyện Phú Lương cũng đã khai mạc năm Du lịch và quảng bá du lịch Phú Lương năm 2014. Với những điểm đến hấp dẫn gồm: Di tích lịch sử Khuân Lân (Hợp Thành); Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phủ Lý; các làng nghề chè truyền thống ở Vô Tranh, Tức Tranh và những lễ, hội cầu mùa, hát Sấng cộ của người dân tộc Sán Chay, trong đó khu di tích và lễ, hội đền Đuổm được coi là điểm nhấn, thu hút đông đảo du khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh. Ban Tổ chức cũng đã tổ chức nghi lễ rước đất, rước nước, tổ chức một số hoạt động thi đấu thể thao, trình diễn sản phẩm làng nghề truyền thống và biểu diễn văn nghệ.

 

 

Hàng vạn người dân thập phương về dự Lễ hội đền Đuổm.

 

Ngay sau phần lễ, phần hội diễn ra tưng bừng với các trò vui chơi truyền thống và hiện đại, tạo sự cuốn hút, hấp dẫn đối với mọi người về dự. 16 xã, thị trấn của huyện Phú Lương hầu hết đều tổ chức được các đội thi hội, tham gia các tiết mục văn nghệ; thi trình diễn thời trang; thi gói bánh chưng, giã bánh dày. Đặc biệt là các làng nghề ở Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc còn có thêm phần thi sao chè. Sôi nổi hơn phải kể đến các môn thể dục thể thao như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, đánh cờ tướng, đi cà kheo, bịt mắt đập niêu, cây đu, đi cầu thăng bằng, đánh bóng chuyền. Cũng trong thời gian diễn ra lễ, hội, nhân dân địa phương còn có các gian hàng phục vụ du khách, chủ yếu là bày bán sản vật đặc sản như: Chè Tức Tranh, Vô Tranh; mật ong rừng; mành cọ; nấm linh chi; cơm lam; bánh tày.

 

 

Trò chơi kéo co tại Lễ hội đền Đuổm.

 

Bên sân Đền và các khu vực xung quanh, các trò hội được diễn ra từ sáng sớm cho đến tối nhọ mặt người. Ngay bên hồ bán nguyệt trước Đền, những tiếng hò reo của nam thanh, nữ tú liên tiếp cất lên, phấn chấn như khuyến khích cho từng quả còn vun vút bay cao hướng tới hồng tâm trên ngọn cây nêu. Trong không khí vui tươi ấy, ông Hoàng Minh Quân (Hoàn Kiếm - Hà Nội) đã nói với tôi: Tôi đã từng đến nhiều hội đền, chùa và thăm nhiều danh lam thắng cảnh trong nước, nhưng lễ, hội đền Đuổm thì đây là lần đầu tôi có dịp được tham dự. Tôi thấy ở đây lễ trang trọng, hội vui tươi không kém các di tích lịch sử hoặc danh thắng lớn cấp quốc gia ở các tỉnh khác được tổ chức hằng năm. Hẹn đầu xuân năm 2015 tôi sẽ rủ thêm người thân của mình trở lại, song tôi có một mong muốn ở Lễ hội đền Đuổm năm tới, Ban tổ chức Lễ hội nên dành một khoảng đất trống nào đó ở gần khu vực đền làm nơi mua bán cho nhân dân. Không nên để trong khu vực diễn ra các trò hội lại có quá nhiều người buôn, kẻ bán gây ảnh hưởng đến mỹ quan chung của lễ hội.