Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Trồng cây và trồng người, đó là hai mối quan tâm thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người - một danh nhân văn hóa thế giới, trong đào tạo giáo dục, xây dựng nhân cách con người, tạo dựng môi trường sống và phát triển bền vững.
Cũng riêng trong lĩnh vực "lợi ích mười năm" ấy, có lẽ hiếm có một dân tộc nào có một cái Tết độc đáo như ở nước ta. Đó là Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. "Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân", lời kêu gọi của Bác Hồ đã được đông đảo nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng. Kể từ đó, Tết trồng cây ngày càng phát triển, tạo nên một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt Nam.
Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày "Tết trồng cây". Người đã trồng cây đa đầu tiên để phát động Tết trồng cây đầu năm mới tại công trường xây dựng Công viên Thống Nhất vào ngày 11-1-1960, Người tự tay đặt cây đa vào hốc rồi xúc đất vun vào gốc trong tiếng hò reo của đông đảo nhân dân Thủ đô Hà Nội. Hiện cây đa này vẫn rất xanh tốt, ngày ngày tỏa bóng mát cho cả một góc công viên. Năm 1963, Mỹ ngụy ném bom, bắn phá những cánh rừng ở miền nam, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi cả nước trồng cây cho cả đồng bào miền nam ruột thịt. Người nói: "... Trong lúc bọn Mỹ -Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng...
Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa". Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền bắc, cũng chính tay Người đã trồng cây đa tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh vào sáng ngày 31-1-1965.
Cây cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng trước khi Người đi xa là tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây trước đây (nay thuộc Hà Nội), một địa phương có phong trào trồng cây tốt, vào ngày 16-2-1969 (mồng một Tết). Khi đó sức khỏe đã yếu, nhưng Người vẫn căn dặn các đồng chí có trách nhiệm: "Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...".
Khi thế hệ chúng tôi lớn lên, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục truyền thống đáng quý ở tất cả các địa phương trong cả nước vào ngày đầu Xuân đón năm mới, trong đó có làng quê tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ về thời thơ ấu tham dự những Tết trồng cây như thế. Vào buổi sáng ngày mồng 4 Tết Âm lịch, dù bận và mải làm đến đâu thì hầu như cả làng tôi đều tham gia ngày Tết trồng cây. Lũ trẻ chúng tôi hăm hở từ chiều mồng 3 Tết để lựa chọn những cái cây đẹp nhất cho buổi sáng ngày mai.
Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền bắc, lớp lớp thanh niên làng tôi lại hăng hái lên đường nhập ngũ. Do ngày giao quân cũng vào ngày mồng 4 Tết, cho nên trước phút lên đường nhập ngũ, mỗi thanh niên làng tôi đều tự tay mình trồng một cái cây để lại quê hương. Cho đến tận bây giờ, vào những dịp nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự, trai làng tôi vẫn thực hiện phong tục thật đẹp đó.
Người xưa dạy rằng trong đời người có ba việc nên làm. Đó là trồng cây, sinh con và viết sách. Viết sách thì không phải ai cũng viết được, nhưng trồng một cái cây thì ai ai cũng nên làm để lại cho cháu con.
Khi tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới thì việc phát động Tết trồng cây là một trong những lý do mà thế giới ghi nhận, bởi cho đến thời điểm cách đây tròn 55 năm khi Bác Hồ phát động Tết trồng cây thì vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên còn chưa nhận được nhiều sự quan tâm như ngày nay, mà sự biến đổi khí hậu hiện nay là một hậu quả nhãn tiền.
55 năm đã trôi qua kể từ Tết trồng cây đầu tiên và 45 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng tinh thần của Người vẫn còn sống mãi, Tết trồng cây đã trở thành phong tục, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
"Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" đã trở thành khẩu hiệu nằm lòng của mỗi người dân Việt Nam để Tổ quốc mãi mãi là những mùa xuân trên con đường xây dựng và phát triển.