Thảo thơm trà Thái

09:29, 04/02/2014

Thành lệ, vào khắc giây “tống cựu, nghinh tân” (tiễn năm cũ, đón năm mới), dù bận mấy tôi cũng tự tay pha ấm trà thưởng xuân. Bên ấm trà nóng, thấy hơi ấm lan toả, lặng lẽ mang theo mùi huơng thảo thơm được cây chè chắt gạn, tích tụ tinh tuý từ sâu trong đất để hiến tặng cho con người.

Ở khắc giây khởi đầu cho một năm mới ấy, chiếc đồng hồ treo trên tường gióng lên bính boong đủ 24 tiếng, vọng vào thinh không, gợi lòng người xứ Thái niềm tự hào về thứ sản vật chè hiện được phổ quát ở nhiều nước trên thế giới. Điều đó được minh chứng tại Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013. Dịp đó, trà Thái Nguyên xác lập 2 kỷ lục: Thương hiệu trà danh tiếng được nhiều người biết đến nhất; Là sản phẩm thuộc top các đặc sản quà có giá trị của châu Á. Trước đó, Festival Trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất năm 2011, tỉnh ta đã xác lập được 3 kỷ lục: Ấm trà lớn nhất Việt Nam được đặt tại khu không gian văn hoá trà, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên); sản phẩm trà được nhiều người biết đến nhất và Đêm thưởng trà có số người uống trà nhiều nhất trong cùng một thời điểm, với hơn 300 bàn trà tại Quảng trường 20-8. 

 

Mới hay, Trà xứ Thái mang trong nó hương vị thảo thơm, mộc mạc sơn dã, nhưng chất chứa, hội tụ lại bao tinh hoa đất trời, và trở thành một nét đẹp văn hoá trong cuộc sống rất đời thường của mỗi mái ấm. Nét đẹp văn hoá ấy được tạo dựng từ chính cuộc sống lao động của cư dân vùng chè. Nguời Thái Nguyên tự hào về sản phẩm chè của mình, vì bởi ở bất cứ nơi nào đó, nói chuyện uống trà, người thị thành hay người thôn quê, thậm chí cả người... không biết uống trà cũng nhắc ngay đến chè Thái Nguyên. Thứ chè được trồng ở vùng đất mang câu chuyện tình huyền thoại của chàng Cốc, nàng Công. Từ cả trăm năm nay, giữa mưa, nắng và bao những dời đổi của xã hội, cây chè vẫn trẻ trung, chắt gạn từ lòng đất vị tinh tuý, chát như nước mắt và ngọt như lời của tình yêu đôi lứa, để trong mỗi chén trà ngon thấy dường như còn có mùi thơ và vị triết lý cuộc đời.

 

Ngồi nhẩn nha bên ấm trà, nhàn đàm, luận trong thế giới hiện thực có tới hơn 1.000 loại trà khác nhau: Trà lá, trà búp, trà xanh, trà đen, trà bột, trà hạt, trà cám, mộc... mỗi loại trà lại có một sắc, hương, vị riêng. Nhưng với người châu Á, những vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho con người loại trà ngon nhất phải kể đến Trà sâm Cao Ly, Thiết Quan âm ở vùng Ly Sơn, Đài Trung, Đài Loan; trà Ô long ở vùng núi Phổ Đà và trà Vũ Di, loại chè mọc trên đỉnh một ngọn núi cao, hiểm trở của Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, vùng đất cho sản phẩm trà ngon nhất là tỉnh Thái Nguyên. Hiện toàn tỉnh có hơn 18.600 ha chè, trong đó có hơn 17.000 ha cho thu hoạch, với năng suất ổn định 109 tạ/ha, sản lượng chè tươi hằng năm đạt 185.000 tấn. Chè Thái Nguyên vẫn chủ yếu phục vụ người tiêu dùng trong nước, số lượng chè được xuất khẩu khoảng 7.000 tấn chè búp khô/năm, giá xuất từ 1.400 USD đến 1.500 USD/tấn, chủ yếu sang các nước Trung Đông, một số nước châu Á và Đông Âu.

 

 

Từ hơn 10 năm gần đây, người trồng chè Thái Nguyên đã làm thêm vụ chè Đông. Nghĩa rằng bốn mùa trong năm người nông dân đều có chè thu hái. Nhưng mùa chè chính vụ thường bắt đầu vào tiết thanh minh, khi ấy bầu trời đã trở nên quang đãng, nắng mới sưởi ấm trên khắp các nương chè, vạn vật như bừng tỉnh, từ những cây cành khô gầy chợt rung rinh, bật bung chồi búp đón ánh ban mai. Ai nấy phấn chấn, khẽ reo lên: Xuân đã về. Cả vùng chè Thái Nguyên như bừng tỉnh, người làng trên, xóm dưới nô nức trẩy hội đầu xuân.

 

Trong rất nhiều những lễ hội đầu năm mới, hội chè có phong vị riêng, khác hẳn so với các lễ hội khác. Bởi đó là hội của những người trồng chè và người sành thưởng trà. Mà đã là người Thái Nguyên thì có mấy ai không biết thưởng trà. Có điều lạ trong cư dân vùng chè Thái Nguyên, phụ nữ là người rất tinh tế về nghệ thuật ẩm thực trà. Chỉ cần đưa ấm trà ra trước mặt, “họ” có thể biết đó là trà ở vùng Tân Cương (T.P Thái Nguyên); Minh Lập (Đồng Hỷ) hay trà La Bằng (Đại Từ)... dù trà ở các vùng này gần như tương đương nhau cả về hương, vị, sắc. Vì lẽ ấy mà trong “thiên hạ đồn thổi”: Phụ nữ đất chè Thái Nguyên không chỉ duyên dáng, mà còn biết... thưởng trà bằng mũi. Thực tế trăm phần trăm là thế, vì hằng ngày người phụ nữ Thái Nguyên tảo tần chăm bón cho cây chè lên búp, rồi thu hái, chế biến. “Họ” là người thổi hồn vào mỗi ấm trà trên bàn tiệc của các vị chính khách bàn việc đại sự quốc gia, hay ấm trà bên lề phố cho các bác kéo xe tay, anh đạp xích lô hoặc mấy bác phu hồ nhàn đàm chuyện cơm, áo.

 

Có thể ví trà là thứ ẩm thực “công bằng” nhất trong các loại ẩm thực có trên thế giới. Bởi trà không phân biệt kẻ sang, người hèn, nhưng cầu kỳ ở mức độ thẩm định, thưởng thức như một món nghệ thuật tự mỗi người. Thú vị ở trà là người uống cảm nhận thấy vị chát đắng chạy dọc từ bờ môi vào đáy dạ dày, rồi chợt thấy khoan khoái khi cái vị ngọt hậu giội ngược từ vòm họng ra đầu lưỡi. Và qua chén trà, ta cũng có thể nhận ra “cái” nhân cách của người đối ẩm. Vì việc uống trà từ hàng trăm năm nay đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

 

Với người cao niên, khi thưởng trà thường hướng lòng về nẻo thiền lý, ngẫm suy nhân tình thế thái... Và dù công việc quanh năm bộn bề, nhưng đã là người Việt Nam, bận đến mấy thì khi xuân về, tết đến, trong nhà đầy ắp những rượu ngoại, bia lon nhưng cũng không thể thiếu đi ấm trà dâng cúng tổ tiên. Đơn giản hơn từ trước giao thừa mỗi năm, con, cháu có ấm trà mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Hoặc trong ngày vui gặp mặt bạn bè, có ấm trà xuân đãi đằng nhau, thì chuyện đời, người như suối reo, sông chảy không muốn ngừng. Bởi thần, vị, khí được cô đọng lại ngay trong mỗi ấm trà, làm ai nấy thảng thốt reo vui: Dễ mến sao vị thảo thơm của trà Thái.