Xuân trà

09:19, 02/02/2014

Xuân Đinh Hợi - 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình "Thiên đô, bảo chủ quốc tồn" (Dời đô bảo vệ chủ quyền Tổ quốc) đặt chân lên chiến khu Việt Bắc tại Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (ngày 2-4-1947 tức ngày 11-2 âm lịch). Cảnh sắc "non xanh, nước biếc" với những sản vật địa phương dân dã, những sinh hoạt thôn quê miền núi,... đã in vào "con mắt thơ" của vị lãnh tụ với niềm lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của công cuộc giải phóng dân tộc và vùng "non xanh, nước biếc" đã được người chọn làm Thủ đô kháng chiến.

"Non xanh nước biếc, tha hồ dạo 

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say"

                        Hồ Chí Minh - 1947

 


Hẳn là trong chín năm ở chiến khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn với đồng bào, chiến sĩ... nhưng có ít nhất 3 thứ là Trăng, Thơ và Trà là không bao giờ thiếu! Bởi thế Người đã hẹn ngày trở lại... ngay khi mới đặt chân đến:

           

"Kháng chiến thành công ta trở lại

 Trăng xưa, hạc cũ với Xuân này"

 

Trăng và Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc là những hình ảnh lung linh, sinh động và thân thiết từ "Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa" trên đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc, Định Hóa,Thái Nguyên) đến "Dạ bán quy lai, Nguyệt mãn thuyền " (Nửa đêm trở về, trăng đầy thuyền) trên dòng sông Phó Đáy (Năm 1948)... Và với trà (chè) "xuất hiện" trong bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc dẫn ở trên đã làm đẹp thêm, hoàn chỉnh thêm Trăng và Thơ. Ở An toàn khu, Người ít có thời gian "thưởng trà" mà trà chỉ là thức uống dân dã, "cây nhà, lá vườn", chỉ là chè tươi nhưng là một thứ chè (trà) đặc biệt: dồi dào, ngon để mà "mặc sức say"!

 

Nhiều lần về An toàn khu Việt Bắc, qua nhiều nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ở trong kháng chiến chín năm tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn... đến đâu cũng gặp những đồi chè xanh mướt, những búp chè non ánh lên màu xanh ngọc để  mà "mặc sức say" trong "men trà" riêng có của một vùng trà, xứ trà nổi tiếng dưới chân Tam Đảo, nhớ về một thời chưa xa, khi đặc sản chè Thái Nguyên, chè Tuyên Quang... chưa nổi tiếng như bây giờ với một chút bâng khuâng...

 

... Nhưng tôi vẫn mơ, một ngày không xa, đến đồi Khau Tý "Phủ Chủ tịch đầu tiên" tại chiến khu Việt Bắc, nghe vọng về những vần thơ của Bác trong êm đềm, tĩnh lặng được thưởng trà đặc sản của Điềm Mặc; đến lán Nà Lừa (Tân Trào), ngồi bên dòng suối Khuôn Pén, nghe kể về những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử, Bác Hồ ốm nặng trên lán Nà Lừa, được chữa khỏi, kịp dự Quốc dân Đại hội tại Đình Tân Trào, lập Chính phủ lâm thời... Trong hương trà đặc sản đang dần khẳng định thương hiệu như trà Bát Tiên, trà Ngọc Thúy, Đại Bạch Trà của các vùng trà Mỹ Bằng, Vĩnh Tân, Thanh Minh...

 

Mùa xuân này, với sự "kích cầu" và định hướng của thành công Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai 2013, những vùng chè, những sản phẩn Trà gắn với địa danh An toàn khu, gắn với những tuyến du lịch sinh thái, du lịch về nguồn sẽ nhanh chóng khẳng định thương hiệu, vị thế tại chính quê hương mình. Hãy về hội Lồng Tồng tổ chức trên đỉnh Đèo De, nơi có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (mùng 10 tháng Giêng), hãy về Tân Trào, Thủ đô cách mạng,... đề ngợp trong sắc chè mùa xuân - Một Xuân Trà tươi mới./.