Lúc mặt trời vừa trốn xuống núi, cả bản Ten, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đã rục rịch chuẩn bị cho đêm xòe. Ríu rít, bận rộn nhất phải kể đến gia đình các ông: Lò Văn Minh, Lò Văn Dũng và Lò Văn Uẩn. Đây là 3 hộ ở bản Ten tham gia làm dịch vụ ẩm thực và tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Trưởng bản Lò Văn Ún, bảo: Bản chủ yếu người dân tộc Thái đen sinh sống. Từ nhiều năm rồi bản đã xây dựng được đội văn nghệ, dàn diễn viên gồm chị em trong bản tham gia.
Dưới gầm sàn, gà mẹ lục cục gọi con lên chuồng. Chúng thong thả vì đã quen với tiếng xe hơi, tiếng người trò chuyện. Chỗ của chúng bới hạt thóc rơi lúc này là nơi để xe của khách, tất cả được xếp thành hàng gọn gàng. Bên chân cột gần bậc cầu thang lên xuống, một bóng đèn hiệu compac được bật sáng. Mới hơn 18 giờ, tôi thở nhẹ và nhìn ra xung quanh, lấp loáng ánh sáng điện chứ không phải ánh sáng của ngày. Thấy tôi loay hoay nhìn ngó, chị Lò Thị Hiến, phụ trách đội văn nghệ của bản mau mắn kéo tôi lên sàn, mời nước và chuẩn bị thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của miền Tây - Bắc.
Chị Hiến là con dâu của ông Lò Văn Minh. Hôm nay, một ngày trung tuần tháng 3, cả 3 ngôi nhà của bản đều có khách miền xuôi lên thưởng ẩm, múa xòe. Lẽ đương nhiên chị Hiến ở lại nhà mình để phục vụ du khách. Chị Hiến bảo: Đội văn nghệ của bản có nhiều người. Hôm bản có đông khách thì chia nhau ra phục vụ, hôm ít thì tập trung về một nơi, vui lắm. Có mặt ở đó, chị Lò Thị Hích cho biết thêm: Người Thái trong bản ai cũng có thể tham gia đội văn nghệ. Trong đội, những người cao tuổi hơn thường lui về sân sau, nhường chỗ cho người trẻ chúng em.
Nghe chuyện của Hích, tôi hiểu ở bản Ten, bà con trong bản ai cũng biết hát, biết xòe. Hát và xòe đã ngấm vào máu thịt của một dân tộc yêu văn nghệ và mến khách, quý người. Cũng vì thế mà từ nhiều năm nay, người dân bản Ten đã đón tiếp hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế. Người bản Ten cũng đã để lại cho du khách một ấn tượng đẹp về đất và người Tây - Bắc.
Ngồi bên mâm cơm, chị Lò Thị Minh cầm chai rượu ý tứ chuyên ra từng chén. Hương vị của loại rượu gạo nấu bằng men rừng, ai nấy chưa uống đã thấy mềm môi, muốn bật lên câu hát. Lại thấy trong miệng tứa nước miếng vì hương vị của các món ăn bày trên mâm. Các món đều do đôi tay mềm như cánh hoa ban của phụ nữ Thái bản Ten chế biến.
Rất mộc mạc, nhưng chỉ có ở vùng Tây - Bắc, với cá nướng; thịt trâu khô chấm mẻ; nộm hoa ban; rau rừng. Một món không thể thiếu là măng đắng chấm nậm pịa. Chị Lò Thị Phương, thành viên đội văn nghệ giải thích: Sau khi “ngả” trâu làm thịt, bà con lấy chất dịch ở phần ruột non, khi nấu bỏ muối, thêm gừng thành nậm pịa, dùng chấm măng đắng.
Ngồi rót rượu đãi đằng khách, chị em trong đội văn nghệ bản Ten đều mang trang phục truyền thống: Áo cóm bó sát thân; xà tích bạc đeo bên eo thon, đầu mang khăn Piêu… các chị đã lập gia đình đều bện tóc thành búi lên đỉnh đầu gọi là Tằng cẩu. Đặt chiếc chén xuống mâm, chị Phương khẽ cất lời bài hát: “Người đẹp Mường Then”… Tôi không hiểu nội dung bài hát, nhưng cũng cảm nhận được điều gì đó rất mộng mơ, vời vợi xa mà gần, giống như cách mở môi thả lời của chị. Hát xong, chị giải thích: Đêm bản Ten có vui uống rượu, hát, múa. Nhưng nhộn nhịp nhất là các điệu múa nón, múa piêu và xòe. Đêm xòe có thể kéo dài tới sáng ngày hôm sau. Xòe không hạn chế về số người, có thể vòng xòe to bằng cả sân vận động, song cũng có thể vòng xòe chỉ bằng chiếc chiếu hoa.
Trên sàn nhà bắt đầu rậm rịch bước chân người vui cùng vòng xòe. Anh Toòng Văn Phương, nhạc công của đội văn nghệ tươi tắn gõ 2 cây tre vào nhau thành nhịp. Tôi cùng mọi người nắm tay nhau, khi chụm lại, lúc lùi xa khiến vòng xòe lúc như nụ ban chúm chím, lúc như bông ban nở tung. Điệu xòe biến hóa liên tục trong rạng ngời niềm vui mỗi người. Chị Lò Thị Thoa giải thích thêm với chúng tôi: Xòe là một nét đẹp văn hóa của người dân tộc Thái, Mường Tây - Bắc. Vì thế xòe được lưu truyền từ đời trước tới đời sau. Rộn ràng nhất phải kể đến điệu Khấm Khen (xòe cổ), mọi người cùng nắm tay nhau thành vòng xòe. Rồi đổn hôn (bước tiến lên), nhôm khăn (tung khăn) và ỏm lọm tốp mư (vỗ tay đi vòng tròn)… Cứ như thế, người bản Ten thế hệ sau kế theo thế hệ trước, ngày chăm bẵm đồng áng, tối về say sưa trong vòng xòe. Bởi xòe là hồn cốt trong đời sống tinh thần của người dân tộc Thái Tây - Bắc.