Góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc Cao Lan

21:03, 10/03/2014

Những sự quan tâm, những việc làm tưởng chừng như rất giản đơn nhưng mang lại ý nghĩa sâu sắc - góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người dân tộc Cao Lan đang sinh sống ở xóm 6, Hà Thượng (Đại Từ) là một trong những việc làm như vậy; và đó cũng là vấn đề văn hóa, xã hội ở khu vực ảnh hưởng bởi Dự án mà cán bộ Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đã, đang và luôn hướng tới, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số đang có xu hướng ngày càng mai một. 

Khi nhận lời mời của Bộ phận Quan hệ cộng đồng (NuiPhao Mining) tham dự Lễ ra mắt góc trưng bày các hiện vật của người dân tộc Cao Lan ở Nhà văn hóa xóm 6, xã Hà Thượng (Đại Từ), chúng tôi không khỏi bất ngờ. Bởi lẽ, buổi Lễ đó không phải do ngành chức năng tổ chức, mà là những cán bộ làm việc ở công ty khoáng sản (theo suy nghĩ của chúng tôi, họ chỉ quen với máy móc, thiết bị, các sản phẩm khai thác…) thực hiện. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi đến với buổi Lễ với một tâm trạng háo hức hơn bình thường.

 

Khi chúng tôi đến nơi, Nhà văn hóa xóm 6 có sức chứa hơn 200 người đã chật kín chỗ ngồi, nhìn gương mặt ai cũng rạng rỡ, phấn khởi. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, trong hội trường  không chỉ có người dân tộc Cao Lan mà còn nhiều dân tộc thiểu số khác cũng đến chung vui. Dù bận rộn nhiều công việc, song các đồng chí lãnh đạo UBND xã Hà Thượng cũng tham dự đông đủ. Đặc biệt là sự có mặt của ông Dominic Heaton, Tổng Giám đốc NuiPhao Mining. Điều đó cho thấy, văn hóa không có ranh giới về tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa làm cho con người với con người xích lại gần nhau hơn, hòa đồng, vui vẻ, cùng nhau thưởng thức những bài ca, điệu nhạc, nhìn ngắm những bức tranh… để sau đó có thêm động lực, niềm vui để hoàn thành tốt công việc của mỗi người.

 

Trên sân khấu, những điệu Sình ca của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Người cao tuổi xã Đồng Quý (Sơn Dương -Tuyên Quang) thu hút được sự chú ý, yêu thích của cả khán phòng. Những lời hát giản dị, mộc mạc như chính người dân tộc Cao Lan nhưng thắm đượm tình cảm dành cho nhau, nồng nàn tình yêu quê hương, đất nước. Bà  Phan Thị Kim, người dân tộc Cao Lan, một thành viên trong CLB phấn khởi: Đây là lần đầu tiên Đội hát Sình ca chúng tôi tham gia giao lưu với đồng bào dân tộc mình ở Thái Nguyên. Chúng tôi rất phấn khởi trước sự đón tiếp nồng hậu của Ban Tổ chức cũng như người dân địa phương. Những tiết mục chúng tôi biểu diễn hôm nay đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng để không chỉ người dân tộc Cao Lan thấy yêu thích mà các dân tộc khác cũng thấy thích nghe, thích xem.

 

Chương trình văn nghệ đã “vượt khung giờ” của Ban Tổ chức, điều đó chứng tỏ các làn điệu dân ca dù của dân tộc nào cũng luôn có sức hút đối với người xem. Sau những giờ văn nghệ vui tươi, thoải mái, các đại biểu và bà con nhân dân đã vào tham quan khu trưng bày các hiện vật của người dân tộc Cao Lan. Từ trang phục, trang sức, dụng cụ lao động, các vật dụng sinh hoạt (mâm, bát, cốc chén, cơi đựng trầu, dao…)… được bố trí khoa học theo trình tự bắt mắt, dễ nhìn, dễ xem. Dưới mỗi hiện vật, tranh ảnh đều có chú thích rất rõ ràng về nguồn gốc lịch sử, ý nghĩa, tác dụng của từng vật dụng đối với đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng, lao động, sản suất của dân tộc Cao Lan.

 

Em Tạc Thị Hằng, người dân tộc Cao Lan, học sinh lớp 10, Trường THPT Đại Từ bày tỏ: Em rất phấn khởi và tự hào khi NuiPhao Mining đã quan tâm tới dân tộc Cao Lan ở Hà Thượng. Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ như thế này, chúng em mới có cơ hội được đến đây để nhìn, ngắm, chiêm nghiệm thêm về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 

Vừa tác nghiệp, chúng tôi vừa tranh thủ nhìn ngắm chiếc cày, bừa, mâm gỗ hay những trang sức, trang phục của phụ nữ dân tộc Cao Lan. Và điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất, đó là tấm ảnh bộ tranh thờ và những cuốn sách cúng viết trên giấy bản bằng chữ Nho. Đó là vật không thể thiếu trong các nghi lễ cúng tế của người dân tộc Cao Lan. Nhìn vào bộ tranh, chúng ta dễ dàng nhận thấy tín ngưỡng và quan niệm về vũ trụ của họ nhưng tựu chung lại, tất cả những gì chúng tôi được nhìn ngắm vẫn là nét mộc mạc, giản dị, gần gũi rất đặc trưng của đồng bào các dân tộc… sinh sống trên dải đất hình chữ S thân thương.

 

Chị Mã Diệu Linh, cán bộ Bộ phận Quan hệ cộng đồng, là một trong những người tham gia tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật để xây dựng không gian văn hóa người dân tộc Cao Lan ở Nhà văn hóa xóm 6, xã Hà Thượng cho biết: Khi làm việc với người dân, chúng tôi đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo người dân tộc Cao Lan ở Hà Thượng là muốn xây dựng mô hình này để lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đang có xu hướng dần bị mai một theo thời gian. Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Công ty và nhận được sự chấp thuận cũng như hỗ trợ về kinh phí để thực hiện ý tưởng. Ngay sau đó Đội sưu tầm, tìm kiếm hiện vật đã được thành lập, trong đó có nhiều bác cao niên nhưng rất nhiệt tình, tâm huyết như: bác Hoàng Văn Đường, 83 tuổi; Tạc Văn Ngân, 83 tuổi; Nguyễn Văn Sơn, 75 tuổi; bà Đào Thị Tâm, 67 tuổi… Để có được góc trưng bày với hơn 20 hiện vật các loại, chúng tôi đã phải mất gần 6 tháng đi đến hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ để tìm hiểu, sưu tầm. Phần lớn các hiện vật ở đây là do người dân ở nhiều xã hiến tặng. Bên cạnh đó, chúng tôi tới cơ quan chức năng của huyện, tỉnh nhờ tham vấn; tham quan, học tập mô hình trưng bày của một số bảo tàng, nhà trưng bày không chỉ ở Thái Nguyên mà còn đến Hà Nội, Hòa Bình. Nói chung, để có được góc trưng bày này, quy mô tuy còn khiêm tốn, nhưng chúng tôi đã dồn vào đó tâm sức, sự nhiệt huyết và tình cảm chân thành.

 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Chi bộ xóm 6 nói: Tôi là người trực tiếp tham gia cùng với Đội sưu tầm không chỉ đi tới nhiều xóm, bản nơi có người dân tộc Cao Lan sinh sống trên địa bàn huyện Đại Từ, mà còn đến một số tỉnh bạn để tham quan học tập kinh nghiệm. Đó là một hành trình khá vất vả nhưng mà vui và hạnh phúc vì chúng tôi đã làm một công việc ý nghĩa. Ông Trần Văn Hán, người dân tộc Cao Lan ở xóm 7 (Hà Thượng) cho biết: Gia đình tôi đã tặng Đội sưu tầm một chiếc cày, một chiếc bừa, dao, mõ trâu, cối xay. Những vật dụng này khi được trưng bày ở đây tôi thấy rất tự hào.  

 

Trong cuộc sống, có nhiều thứ không thể đo đếm được bằng những con số định lượng nhưng nhìn vào đó, ai cũng có thể cảm nhận được giá trị to lớn, tình cảm, tâm huyết của cả người cho và người nhận. Bà Chu Thị Hoa, Trưởng xóm 6 xúc động: Xóm 6 có 142 hộ dân thì người dân tộc Cao Lan chiếm tới gần 60% số hộ. Có được không gian trưng bày, giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình như thế này, tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn tới Ban lãnh đạo NuiPhao Mining, tới những cán bộ trực tiếp giúp đỡ chúng tôi xây dựng không gian văn hóa này để những giá trị văn hóa của người dân tộc Cao Lan sống mãi với thời gian.

 

 Hiện nay, trên địa bàn xã Hà Thượng có khoảng 1.000 người dân tộc Cao Lan đang sinh sống, trong đó tập trung chủ yếu ở xóm 5 và 6. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều hộ dân người Cao Lan đã đùm bọc, che chở cho nhiều đồng chí cán bộ cách mạng. Đơn cử như gia đình bà Tạc Thị Tình ở xóm Suối Cát, xã Hà Thượng đã được chọn làm nơi dừng chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ Tân Trào (Tuyên Quang) về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 24-8-1945.