Những khó khăn trong đào tạo đội ngũ người làm phim

08:03, 17/03/2014

Ðiện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp bao gồm nhiều thành phần cùng tham gia sáng tác. Ðiều này đòi hỏi cần có một đội ngũ những người làm điện ảnh được đào tạo hết sức bài bản và đồng bộ. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề còn nhiều bất cập ở nước ta.

Hiện tại, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chính cho điện ảnh nước ta chỉ có Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hằng năm, hai trường này có khoảng 150 sinh viên điện ảnh, truyền hình nhập học tại các chuyên ngành: biên kịch, đạo diễn điện ảnh- truyền hình, quay phim điện ảnh- truyền hình, lý luận phê bình điện ảnh, hoạ sĩ hoạt hình, kỹ sư công nghệ điện tử, kỹ thuật viên máy chiếu, diễn viên điện ảnh, sân khấu (tổng cộng khoảng mười chuyên ngành). Như vậy còn mấy chuyên ngành cần được quan tâm đào tạo: âm thanh, kỹ xảo điện ảnh, dựng phim, hóa trang, nhà sản xuất phim. Trong khi đó, cơ sở vật chất kỹ thuật cho đào tạo điện ảnh còn thiếu và không đồng bộ, thiếu trang thiết bị thực hành mang tính chuyên nghiệp cao, nhất là các thiết bị làm phim số hóa... Kinh phí đào tạo sinh viên điện ảnh nhất là cho các chuyên ngành đạo diễn, quay phim là rất thấp, luôn xảy ra tình trạng sinh viên không đủ kinh phí để làm bài tập.

 

Trong đội ngũ giảng viên điện ảnh, số giáo viên có trình độ sau đại học còn hạn chế, số giảng viên cơ hữu không cao. Phần lớn giáo viên, giảng viên, chuyên gia có trình độ, được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn và nghiệp vụ đã lớn tuổi. Một số NSND, NSƯT được mời vào giảng dạy nhưng khả năng sư phạm hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển tải kiến thức một cách hiệu quả. Trong khi việc gửi sinh viên, thực tập sinh đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ ở nước ngoài từ khi Liên Xô tan rã đến nay là rất hiếm. Những lĩnh vực: kỹ xảo điện ảnh, âm thanh, nhà sản xuất... chưa có hoặc thiếu giảng viên. Ðến nay, ở các trường điện ảnh, đào tạo về âm thanh chưa được đầu tư, chưa có bộ giáo trình chuẩn (mới chỉ xây dựng được chương trình đào tạo), nhiều môn học các thầy tự soạn, tự giảng dạy theo cách riêng của mình.

 

Từ thực tế trên, có thể thấy, để công tác đào tạo đáp ứng được sự phát triển trong giai đoạn ngành điện ảnh đang chuyển sang hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cần xây dựng và hoàn thiện chương trình - giáo trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và chính sách đãi ngộ cho đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí đào tạo... Trước mắt, phải tăng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho trường để sinh viên có điều kiện học tập đi đôi với thực hành, thực hiện các bài tốt nghiệp không thua kém các cơ sở đào tạo trong khu vực và thế giới. Các trường phải có được đội ngũ giảng viên cơ hữu có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, tăng cường hợp tác, bồi dưỡng, đào tạo ở nước ngoài để có nhiều chuyên gia đầu ngành trong đội ngũ giảng viên cơ hữu.

 

Một vấn đề không kém phần quan trọng là xây dựng được một hệ thống giáo trình cơ bản, có đầy đủ tài liệu, phim tham khảo từ các trường đào tạo điện ảnh tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung đào tạo những ngành nghề còn thiếu; đa dạng hóa hình thức như đào tạo liên thông, văn bằng hai, đào tạo trong nước, nước ngoài theo chỉ tiêu nhà nước, liên kết đào tạo với các nước, các trường điện ảnh trong khu vực và thế giới. Các cấp quản lý nên nhanh chóng tìm hiểu và có hướng giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng cho giảng viên, tăng kinh phí đào tạo các chuyên ngành điện ảnh đặc thù như đạo diễn, quay phim và cơ chế ưu đãi lựa chọn năng khiếu, nhân tài trong tuyển sinh.

 

Nhằm sớm phát hiện các năng khiếu, tài năng trẻ trong sáng tạo nghệ thuật điện ảnh, dự báo khả năng phát triển của các em là công việc của cơ quan đào tạo, các đơn vị nghệ thuật và cả các cơ quan chỉ đạo, quản lý. Ngành điện ảnh phải có ý tưởng, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chăm sóc lâu dài nhằm góp phần tạo ra độ chín của các tài năng đó trong tương lai. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục với các trường sân khấu - điện ảnh là cần thiết, đưa kiến thức về nghệ thuật điện ảnh vào nhà trường thông qua các chương trình học ngoại khóa, hoạt động câu lạc bộ, các dự án tập làm phim ngắn... tạo nên một sân chơi bổ ích góp phần nâng cao thẩm mỹ và nhận thức cũng như hiểu biết về nghệ thuật điện ảnh cho thanh thiếu niên. Cũng từ các sân chơi nghệ thuật, các em yêu thích và đam mê điện ảnh sẽ có cơ hội tự tạo ra những "tác phẩm" của riêng mình, còn chúng ta qua đó có thể phát hiện và bồi dưỡng cho những tài năng điện ảnh trong tương lai. Ðây là hướng đi mà Hội Ðiện ảnh Việt Nam đã và đang làm khi thành lập Trung tâm bồi dưỡng tài năng điện ảnh trẻ và thực hiện dự án "Chúng ta làm phim", đưa kiến thức điện ảnh vào một số trường phổ thông ở Hà Nội thông qua các chương trình học ngoại khóa. Sau một số hoạt động, Trung tâm đã có những hỗ trợ phát triển nghề nghiệp cho những người làm phim trẻ, tổ chức được hơn 40 lớp với hơn 500 người tham gia sân chơi này và đã cho ra đời hàng trăm bài tập, tiểu phẩm, phim tài liệu, phim truyện ngắn với chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật từng bước được nâng lên. Chỉ tính riêng trong số những người tham gia dự án "Chúng ta làm phim" vừa qua, đã có 11 học sinh thi vào Ðại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội.

 

Có thể nói, để có một đội ngũ những người làm phim tài năng và giàu tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp điện ảnh dân tộc, công tác đào tạo nhân lực cho điện ảnh hiện nay phải được gấp rút tiến hành một cách đồng bộ, bài bản và chuyên nghiệp.