Tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa

14:36, 15/03/2014

Trong gần 80 năm thực dân Pháp đô hộ, trên đất nước ta đã diễn ra hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân chống giặc ngoại xâm, trong đó Cuộc khởi nghĩa Yên Thế nổ ra những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chống lại thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai đã trở thành biểu trưng rực rỡ của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Lương Văn Nắm (Đề Nắm) khởi xướng và sau là Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) lãnh đạo trong gần 30 năm (1884-1913), dưới sự lãnh đạo tài tình của vị tướng tài ba Đề Thám, nghĩa quân Yên Thế đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công khiến thực dân Pháp phải kinh hoàng.

 

Khởi nghĩa Yên Thế là phong trào khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử dân tộc ta. Đó là trang sử hào hùng chống thực dân Pháp ở Việt Nam. Mảnh đất Yên Thế và hình ảnh Hoàng Hoa Thám đã khắc sâu trong tâm hồn người dân đất Bắc. Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng để lại bài học lớn cho lịch sử dân tộc, chiếm vị trí ý nghĩa trong trường kỳ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc.

 

Tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng đó, ngày 16-3-1984, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa nông dân Yên Thế tại đồn Phồn Xương, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế. Đây là lần đầu tiên Lễ hội Yên Thế được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Từ đó đến nay, hàng năm cứ vào ngày này Lễ hội lại được tổ chức. Đây là nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, khẳng định bản sắc văn hóa, tinh thần thượng võ của nhân dân các dân tộc Bắc Giang nói chung và người dân Yên Thế nói riêng.

 

Năm nay, nhân Kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế, tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ kỷ niệm quy mô cấp tỉnh. Ngoài tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, liên hoan ca múa nhạc dân gian, giới thiệu ẩm thực, thi trình diễn và giới thiệu trang phục dân tộc, hội trại… tỉnh đã quyết định xây dựng kịch bản văn học chương trình nghệ thuật lễ khai mạc với tên gọi “Hùng ca Yên Thế và khát vọng tự do”.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, tác giả kịch bản văn học, Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết: Quả là rất khó đối với những nhà văn chúng tôi khi xây dựng kịch bản trong thời lượng 45 phút mà tái hiện được cả cuộc khởi nghĩa nông dân có quy mô lớn nhất Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Kịch bản gồm 5 cảnh. Cảnh 1 là khởi đầu bản hùng ca Yên Thế từ mùa xuân năm 1884 tái hiện không khí đau thương khi nước mất nhà tan, giặc Pháp xâm lược tàn phá, giết chóc trên mảnh đất Yên Thế. Đồng thời tái hiện cuộc chiến đấu oai hùng ngày 16-3-1884, Lương Văn Nắm chỉ huy, cùng Đề Ngân, Đề Trần (Phúc Sơn), phục kích quân Pháp ở Đức Lân (Phú Bình-Thái Nguyên). Cảnh 2 tái hiện không khí nghĩa quân xây dựng căn cứ, luyện tập võ nghệ. Cảnh 3 tái hiện lễ tế cờ và cuộc đàm phán của nghĩa quân Yên Thế với đại diện của Pháp dẫn tới cuộc hòa giải lần thứ nhất. Cảnh 4, tái hiện cảnh hòa giải lần thứ hai và công cuộc mở rộng căn cứ, thao luyện, chuẩn bị lực lượng đối phó với âm mưu của kẻ thù. Cảnh 5, trên đất nước hòa bình, tổ quốc vinh danh sự nghiệp anh hùng bất diệt của Hoàng Hoa Thám và các nghĩa sĩ năm xưa.

 

Điểm nhấn của kịch bản văn học nhằm tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa dân gian, đồng thời khắc ghi, tỏ lòng tôn kính đối với hai người anh hùng Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân Yên Thế, cùng tinh thần bất diệt của cuộc khởi nghĩa năm xưa đã kiên cường chiến đấu chống lại thực dân Pháp xâm lược.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Yên Thế khẳng định: Để bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tạo tiền đề cho ngành du lịch của địa phương phát triển, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư gần 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa để trùng tu, nâng cấp nhiều hạng mục quan trọng trong Khu di tích, đó là mở rộng khuôn viên đình Dĩnh Thép (xã Tân Hiệp); tu sửa động Thiên Thai (xã Hồng Kỳ); gia cố lại tường thành đồn Phồn Xương bị hư hỏng; đúc tượng đài Hoàng Hoa Thám bằng đồng; tu sửa hạ tầng khuôn viên trung tâm Khu di tích Hoàng Hoa Thám (thị trấn Cầu Gồ)…

 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiến hành khoanh vùng quy hoạch Khu di tích, đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về vai trò của hai người anh hùng Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế để mọi người hiểu sâu sắc hơn về cuộc khởi nghĩa; tổ chức triển lãm trưng bày, giới thiệu các hình ảnh, hiện vật, tư liệu có giá trị cùng nhiều tài liệu liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tôn tạo và bảo tồn di tích, nhất là việc phục dựng lại các di tích đã xuống cấp theo đúng hình ảnh tư liệu.

 

Việc tổ chức Lễ hội kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế cũng là dịp để tái hiện một cách sinh động truyền thống yêu nước của cha ông cùng những nét văn hóa bản sắc, mang đặc trưng vùng miền, đồng thời quảng bá hình ảnh quê hương và con người Yên Thế, những tiềm năng lợi thế của mảnh đất này đến với đông đảo du khách gần xa trong và ngoài nước khi Khu di tích Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, lễ hội Yên Thế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.