"Báu vật sống" của sử thi Tây Nguyên

07:59, 11/04/2014

Bây giờ, Điểu K'lung (trong ảnh) chỉ còn niềm vui hát ot ndrong (sử thi) một mình, khi trên rẫy, lúc vào rừng. Giữa đất trời, giữa bao la đại ngàn, chỉ ông với lung linh huyền thoại oai hùng của những trường ca M'nông nổi tiếng như Thuốc cá ở hồ bầu trời mặt trăng, Bắt con lươn ở suối Dak Huch, Tiăng bán tượng gỗ... Ở tuổi 72, Điểu K'lung là nghệ nhân thuộc nhiều sử thi M'nông nhất với tổng số 120 tác phẩm.

Bay bổng giữa hồn thiêng đại ngàn

 

Điểu K'lung sinh năm 1941, là con út trong một gia đình có bốn anh em tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đác Nông), cái nôi của kho tàng sử thi M'nông. Mấy anh em nhà ông đều là nghệ nhân trong lĩnh vực hát kể sử thi như nghệ nhân Điểu K'lứt, nghệ nhân Điểu Kâu. Lên năm tuổi, ông bắt đầu theo bố mẹ, các anh, các chú bác, già làng nghe hát kể ot ndrong. "Chỉ nghe một lần là ot ndrongđã dính vào tai", ông bảo. Sử thi Tây Nguyên như những mạch nguồn trong mát tự nhiên tan thấm vào tâm hồn chàng trai M'nông từ nhỏ. Buổi tối nghe kể bên bếp lửa nhà dài, ngày mai tự hát lại khi hái lúa, chăn trâu, lúc vào rừng đặt bẫy, bắt cá. Mười tuổi, cậu bé Điểu K'lung đã có thể hát kể được khoảng 20-30 sử thi. Điểu K'lung bảo, những gì có trên mặt đất khi con người sinh ra đều có trong sử thi: đất, nước, con người, vạn vật muôn loài.

 

Lễ hội nào của làng, buôn, Điểu K'lung cũng được mời đến, sử thi dài nhất ông hát kể khoảng sáu, bảy ngày đêm. Ngắn cũng hai, ba ngày đêm.

 

Đó là lúc ông được hòa vào hồn thiêng sông suối, đại ngàn, bay bổng cùng những huyền thoại hùng tráng mà gần gũi, đời thường của cha ông, của buôn làng. 30 tuổi Điểu K'lung lập gia đình, vài năm sau ông về sống tại quê vợ ở buôn Ea Tul A, xã Ea Vear, huyện Buôn Đôn (Đác Lắc) và gắn bó với quê hương thứ hai này suốt hơn 40 năm qua...

 

Khát khao giữ lửa

 

Trong căn nhà dài cũ kỹ trong buôn, Điểu K'lung vừa từ rẫy trở về. Đã qua 72 mùa rẫy, dáng người ông thật bé nhỏ với nước da khô sạm và những vết chân chim đổ dồn nơi khóe mắt. Tài sản quý giá nhất trong nhà có lẽ là những cuốn sách dày cộp trong bộ sách của Dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam cùng các tỉnh Tây Nguyên thực hiện từ năm 2001-2007. Được mời tham gia dự án, ông đã hát kể và ghi âm hơn 50 sử thi M'nông, trung bình mỗi sử thi ghi âm từ bảy đến 10 băng, khi dịch ra song ngữ M'nông - Việt có dung lượng từ 700 đến 1.000 trang.

 

Đó quả là một kho tàng tri thức đồ sộ. Ông Trương Bi, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Lắc, người có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm sử thi cho biết, trên thực tế, nghệ nhân Điểu K'lung có thể hát kể được gần 200 sử thi M'nông. Ngoài ra, anh em ruột của ông như nghệ nhân Điểu Kâu (đã mất) và Điểu K'lứt cũng hát kể sử thi giỏi. Có thể nói đây là dòng họ thuộc nhiều sử thi M'nông nhất Tây Nguyên và đóng góp nhiều công sức trong việc thực hiện dự án sưu tầm, biên dịch, xuất bản sử thi Tây Nguyên thời gian qua. Nghệ nhân Điểu K'lung từng được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KHXH và Bằng khen về thành tích sưu tầm, hát và truyền dạy sử thi. Năm 2003, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng ông danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian.

 

Trong câu chuyện về những vui buồn cùng sử thi, Điểu K'lung bảo ngày xưa lễ hội nào cũng có hát kểot ndrong, ai ai cũng say mê hứng thú. Bây giờ lễ hội ít, mà ot ndrong cũng chẳng mấy người muốn nghe, nhất là lớp trẻ. "Mình giờ già rồi, không còn nhớ được nhiều như xưa nữa. Chỉ mong lớp trẻ sẽ có người kế tục để ot ndrongkhông bị mai một...". Ông nói về những cái khó trong việc truyền dạy sử thi, sự mất dần của môi trường diễn xướng như nhà dài, lễ hội; rồi việc trẻ em đi học ở trường đến lớp bảy mới được dạy tiếng M'nông và vùng ông ở toàn dân tộc Ê Đê... Tuy vậy, thời gian qua ông đã cố gắng truyền dạy cho bảy em nhỏ M'nông biết hát kể sử thi bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Ông ấp ủ mong muốn tha thiết được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ mở các lớp truyền dạy hát kể, biên dịch và in ấn để lưu giữ kho tàng sử thi quý báu của dân tộc. Ông sẵn lòng trở về quê ở Đác Nông phụ giúp cháu là nghệ nhân trẻ Điểu Thị Mai, con gái nghệ nhân Điểu Kâu, cùng thực hiện các công việc này.

 

Lấy từ trong tủ ra chiếc cátxét nhỏ cũ kỹ, Điểu K'lung bật cho tôi nghe một đoạn trong trường ca về chàng Ti-ăng trên đường đi lấy đục đá chuẩn bị chiến đấu, câu chuyện ông mới tự kể, ghi băng lại chưa công bố. Giọng hát kể lúc lên bổng, xuống trầm, khi ngân dài như âm thanh của thác suối đại ngàn, của tiếng chiêng cồng mùa lễ hội. Gương mặt già nua theo tuổi tác chợt giãn ra, ánh mắt lấp lánh sáng. Niềm hạnh phúc của con người đang cố gắng chắt chiu, níu kéo những hào quang, báu vật vô giá của cuộc đời. Cho người nghe thẳm thẳm hoài vọng, nuối tiếc...