Sáng ngày 17-4, Đoàn khảo sát của Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học TW do PGS-TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy để khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Thông báo Kết luận số 213 TB/TW của Ban Bí thư TW về Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật” và Chỉ thị số 46-CT/TW về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành liên quan..
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Phách đã khẳng định: Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của các nghị quyết, chỉ thị, ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đảng triển khai các nghị quyết, thông báo kết luận, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiên cứu, quán triệt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện được triển khai nghiêm túc, quyết liệt. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đã thể chế hóa những chủ trương thành các cơ chế chính sách của địa phương để tập trung thực hiện hiệu quả.
Nhờ vậy, Thái Nguyên đã thu được những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Sự nghiệp văn học, nghệ thuật tiếp tục phát triển, những khuynh hướng, quan điểm sai trái được phê phán, đấu tranh. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh được quan tâm phát triển không ngừng về cả số lượng và chất lượng. Hiện nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có trên 250 hội viên. Việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật được chú trọng. Các cơ quan báo chí trên địa bàn đã có sự phát triển lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Công tác tuyên truyền tập trung vào nêu gương các điển hình tiên tiến, những giá trị văn hóa truyền thống, tích cực phát hiện, viết bài phê phán những hủ tục lạc hậu, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đấu tranh với sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại… Những thành tựu về văn hóa, văn học nghệ thuật đã thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển, giữ vững ổn định chính trị, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác cũng trao đổi để làm rõ hơn về công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong thực hiện nghị quyết; thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý văn học nghệ thuật của tỉnh; việc kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp; công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn học nghệ thuật…
PGS-TS Đào Duy Quát đã đánh giá cao công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý, chỉ đạo, đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa được chú trọng và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng: Thái Nguyên cũng cần nghiên cứu xem vì sao sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23 và 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5, khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trên địa bàn tỉnh ít có các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Tỉnh cần rà soát lại đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng chuyên môn. Tiếp tục có những chính sách đặc thù quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ sĩ tâm huyết phát huy sức sáng tạo để có những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.
Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW vào điều kiện cụ thể của địa phương trong thời gian tới.