Lạc quan, yêu đời là một nét nhạc hoà tấu trong bản đại hợp xướng hùng ca chiến thắng.
Lịch sử ghi lại, phân tích những sự kiện quá khứ, khác với lịch sử, văn học, nghệ thuật có các chức năng đặc thù, nhiều văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã tham gia chiến đấu và sáng tác, phản ánh hiện thực chiến trường. Nếu không có tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bút ký, nhật ký, nhiếp ảnh, ký hoạ thì khó có thể hình dung hết sự khốc liệt của chiến tranh và cuộc sống nội tâm, suy nghĩ, tình cảm của người lính ở những nơi từng giây phút sống với mưa bom, bão đạn.
Không có những trang viết, những ghi chép nhật ký chiến tranh có lẽ ta không thể hình dung được những người lính trẻ có những lý tưởng, hoài bão, khát vọng cống hiến, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc như thế nào, ta cũng không thể hình dung được trước lúc lên đường, trong chiến đấu họ nghĩ gì, họ lạc quan hay bi quan, và tình cảm của họ đối với quê hương, đất nước.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi có sức mạnh của cả dân tộc, có chiến lược, sách lược đúng đắn nhưng cũng phải nói là có cả sức mạnh tinh thần và lòng dũng cảm vô biên của người lính, trong bất cứ khó khăn, gian khổ, có thể luôn cận kề cái chết, họ vẫn lạc quan yêu đời vì lý tưởng giải phóng Miền Nam, đi chiến đấu vì sự thôi thúc “ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” (Vũ Trọng Hối).
Trong số các văn nghệ sĩ vào chiến trường tham gia chiến đấu có rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã hy sinh anh dũng như Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong…
Âm hưởng lạc quan như một mạch nguồn xuyên suốt góp phần tạo nên sức mạnh, ý chí Việt Nam. Một người con gái mới ngoài 20 tuổi bình tĩnh, ung dung trong trận giặc càn: “Con viết thư này giữa lúc tiếng phản lực gào xé không gian… chiều nay con đang chạy càn, bọn địch chỉ ở cách con chừng 20 phút đi bộ… con đi ung dung trên đường, mặc cho những chiếc trực thăng rà trên đầu” - Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm.
Hay như những phút giây lãng mạn như Nguyễn Văn Thạc trong Mãi mãi tuổi hai mươi: “Ai ra đi cũng với lòng say lý tưởng và nhẹ nhàng bên trong là chút ước mơ. Buổi gác đầu tiên là đêm trăng sáng, là bài thơ, là trang nhật ký. Sung sướng và hãnh diện biết bao, ơi xóm làng yêu quý ngủ yên, ngủ yên, có anh bộ đội thức canh trời. Những mái nhà nghiêng như mi mắt thân thương nhắm ngủ ngon lành, ta bước nhẹ lâng lâng mùi hương quen thuộc, bưởi đã cuối mùa, ổi đã cuối mùa… cây lá đang dồn nhựa để một mùa quả chín”.
Những ngày hành quân gian khổ, những trận đánh ác liệt chàng tân binh trẻ thư sinh Hà thành vừa rời trường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng lên đường đánh Mỹ với tâm hồn lãng mạn, hành trang trong chiếc ba lô mang theo cả những chú ve kim:
Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu
Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ
Trong chiếc ba lô kia ai bảo là không có
Một, hai, ba giọng hát chú ve kim.
Lạ lẫm ngày đầu trận mạc, cái nhìn vẫn lạc quan trong trẻo, đêm chiến trường “vẫn nằm nghe lá thở”:
Sáng bình minh ấy là bình minh kỷ niệm
Chiều hoàng hôn như lạ lại như quen
Khuya tắc kè ném lưỡi vào đêm
Có ngủ được đâu nằm nghe lá thở, nằm nghe súng nổ
Đánh giặc lần đầu ai chẳng thế
Trời sáng rồi vẫn tiếng gà xóm mẹ
Quẫn võng lên đường theo tiến súng mà đi”.
Có những bài thơ của nhà thơ - chiến sĩ Phạm Tiến Duật, dường như ta có cảm nhận niềm lạc quan, yêu đời xua tan hết sự ác nghiệt của chiến tranh, người chiến sĩ như quên đi những đối mặt đang chờ vẫn cảm hứng thả tâm hồn mình vào cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”:
Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư…
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn Tây.
Chiến tranh hy sinh, gian khổ có hề chi! Người lính Phạm Ngọc Cảnh, trên cao điểm ác liệt, nửa đêm vẫn ngóng trông về một vùng đất mà ở đó dấu chân anh đã đi qua và giọng hát của cô gái với câu dân ca lý ngựa ô đã làm anh vương nhớ, thổn thức:
Anh đa tình nên vẫn cứ lần theo
Xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm
Đêm đánh giặc mịt mù cao điểm
Vạch lá rừng nhìn xuống quê em
Mặt đất ra sao mà thúc vào điệu lý
Gương mặt ra sao suốt một thời đánh Mỹ
Lý ngựa ô hát đến mê người
Mỗi bước mỗi bồn chồn về đó em ơi.
Hay như xúc cảm của người lính xe tăng Nguyễn Duy giữa lúc bình yên là khoảng lặng đan cài các trận đánh, anh hình dung cái nắp vuông - cửa vào của xe tăng, như một bầu trời vuông trong xanh suốt bốn mùa:
Thắng rồi - trận đánh thọc sâu
Lại về với mái tăng - bầu trời vuông
Sục sôi bom lửa chiến trường
Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng
Khoái nào bằng phút ngả lưng
Mở trang thư dưới bóng rừng đung đưa
Trời tròn còn có khi mưa
Trời vuông, vuông suốt bốn mùa nắng hanh
Mặt trời là trái tim anh
Mặt trăng vành vạnh là tình của em.
Giang Lam ký hoạ bằng ngôn từ một bức tranh với nhưng hình ảnh thơ mộng trong bài “Nổi lửa lên em” Huy Du phổ nhạc:
Đất nước tưng bừng nghe tiếng rừng thao thức
Khơi ánh lửa hồng bên suối đàn Trưng reo
Nổi lửa lên em miếng nước ngọt ngào
Muối đậm quê hương tình thương chiến trận…
Vũ trụ theo ta vào trong chiến trận
Có chị hằng soi sáng canh thâu
Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã trở thành quá vãng, chỉ điểm qua một vài tác phẩm của vài gương mặt thơ tiêu biểu họ là những người chiến sĩ - nghệ sĩ, các sáng tác đó đã khắc hoạ thêm lý tưởng, suy nghĩ, tâm hồn của người chiến sĩ với khát vọng sống lớn lao đó là góp sức trẻ của mình để bảo vệ tổ quốc - âm hưởng chủ đạo là niềm lạc quan vô bờ bến trong hiện thực cuộc chiến đấu gian khổ, tàn khốc với nhiều mất mát hy sinh.