Tác giả những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Điện Biên

09:00, 02/04/2014

Có lẽ không chỉ bằng tài năng, sự sáng tạo mà còn là một cơ duyên hiếm có, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận chính là tác giả thiết kế Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên, khu trung tâm hành lễ và nhà tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 và khu tưởng niệm, tri ân những người có công với đất nước tại tỉnh Điện Biên. 3 công trình, 3 ý tưởng khác nhau nhưng tựu chung lại, nó gợi cho mỗi du khách cảm nhận được không khí của chiến trường xưa, với những hoài niệm mang đầy tính nhân văn và gắn liền với bản sắc văn hóa của núi rừng Tây Bắc.

Chiếc mũ lưới, áo trấn thủ là những hình ảnh rất quen thuộc khi nghĩ về những người lính trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh ấy không chỉ đẹp khi đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô mà còn đẹp bởi lớp lớp chiến công, người người đã ngã xuống khi mang trên mình chiếc áo trấn thủ trong chiến dịch lịch sử. Xuất phát từ hình ảnh ấy, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận đã chọn cho Bảo tàng chiến thắng Điện Biên một diện mạo hình chóp nón cụt, có độ vát nghiêng giống hình chiếc mũ anh bộ đội Điện Biên.

 

Một đặc điểm nữa khiến cho kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận phải khẳng định là không thể chọn một ý đồ nào khác, đó là kỷ niệm về Bác Hồ. Khi bàn về trận đánh cùng với Đại tướng và các vị lãnh đạo chiến dịch, trong một lúc nói, Bác đã cầm mũ úp lên mặt bàn. Cử chỉ ấy diễn tả điều Bác nói là chiến dịch này phải đánh địch theo kiểu như thế. Ngoài ra, hình ảnh lưới khi du khách nhìn từ ngoài vào trong bảo tàng cũng có một triết lý, một liên hệ là lưới của quân và dân ta, vây bắt kẻ thù.

 

Không có gì tuyệt vời hơn khi gắn bó với mảnh đất lịch sử, được thể hiện sức sáng tạo bằng những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Điện Biên. Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận tâm đắc: những sáng tạo về mặt tạo hình phải gây được ấn tượng, vừa đúng với tính chất của một bảo tàng chứng tích chiến tranh nói về một sự kiện lớn. Điều đó có nghĩa là, thiết kế ấy phải làm sao để du khách cảm nhận được tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện đồng thời phải có một biểu tượng làm nên hình ảnh bảo tàng tương xứng.

 

Trong quá trình thực hiện, ông đã đặt ra cho mình nhiều giả thiết. Cuối cùng, ông nhận ra rằng, khi nói đến mảnh đất Điện Biên, mọi người sẽ hình dung đây là vùng đất trập trùng đồi núi. Hình ảnh của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên phải hài hòa với địa hình tự nhiên, khiến cho du khách cảm nhận được không khí lịch sử. Do vậy, bên cạnh việc tạo hình tổng quát là chiếc mũ lưới thì xung quanh bảo tàng, ông đã thiết kế đường đi, lối vào bằng hình ảnh công sự, giao thông hào với màu đá xám - giống với hình ảnh chiến trường xưa. Còn bên trong bảo tàng, nội dung lớn nhất chính là bức tranh toàn cảnh miêu tả diễn biến chiến dịch, được giao cho các họa sĩ. Ông mong muốn khi một du khách đứng ở giữa không gian bảo tàng và nhìn ra 4 phía sẽ thấy được sự hiện diện của tất cả những câu chuyện lịch sử.

 

Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận (áo xanh-thứ 2 từ phải qua) cùng các kiến trúc sư tại chuyến thăm Điện Biên tháng 11/2013

 

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tấc, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: trong giới kiến trúc, mỗi người sẽ có một phong cách, dấu ấn riêng. Nhưng những kiến trúc sư giỏi, họ đều giống nhau, đó là sự nghiêm túc trong cách đặt vấn đề, nghiêm khắc trong cách thể hiện để chạm đến sự thành công trong nghệ thuật. Và kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận là một trong những người như thế.

 

“Riêng trong Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ thì có thể làm người ta phải thỏa mãn về cách tiếp cận vấn đề cho một công trình rất đẳng cấp, nghiêm túc, xử lý một cách thấu đáo và nhiều cân nhắc: Từ cách tiếp cận tính triết lý của công trình cho đến cách tiếp cận các điều kiện lịch sử, thời khắc của lịch sử, văn hóa, của những biểu hiện hình thức đến cách ứng xử để chuyển tải thành một công trình có công năng hoàn chỉnh, thuyết phục” - Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tấc nói.

 

Từ chiếc mũ lưới, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận tiếp tục đưa ra ý tưởng cho khu tưởng niệm nghĩa trang đồi A1 với hình ảnh chữ A, 644 ngôi sao nhỏ trong đó (tương ứng số phần mộ trong khu nghĩa trang đồi A1)- tạo nên một bức tường với ngôi sao vàng 5 cánh được gắn trên đỉnh. Ông cũng đang thực hiện công trình nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với cảnh quan thân thiện với người dân, thể hiện mong muốn hài hòa lịch sử và hình thức kiến trúc. Những tác phẩm đã và đang được thực hiện ấy không chỉ là sự sáng tạo, mong muốn để lại dấu ấn với Điện Biên mà hơn hết, ông mong muốn góp phần tạo nên một diện mạo Điện Biên đúng với vốn có của nó.

 

Ông chia sẻ: “Trước hết, mình làm ra một công trình thì phải để những người dân ở đó cảm nhận được, rồi mới nói đến du khách ở phương xa. Có hai điều tôi tâm niệm, ngoài tất cả những yếu tố về khoa học, logic, về phương pháp luận của những người làm nghề thì phải luôn hiểu biết văn hóa, đời sống xã hội và đặc biệt phải coi trọng nghiên cứu khí hậu địa phương”.

 

Khi đến với Điện Biên, nhiều người không khỏi băn khoăn khi chứng kiến sự phát triển đô thị đang dần lấn át di tích lịch sử, chiến trường năm xưa. Thật khó để gọi tên cho Kiến trúc Điện Biên trong tương lai nhưng ý tưởng gắn liền với bản sắc của đồng bào nơi đây như mũ lưới, hoa văn thổ cẩm trên trang phục của đồng bào dân tộc hay một kiến trúc hài hòa với cuộc sống người dân của kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận thật đáng trân trọng./.