(TN)- Năm nào cũng vậy, từ thời khắc Giao thừa bước sang năm mới cho đến hết tháng Ba âm lịch, mỗi người con đất Việt lại hướng lòng mình lên núi Nghĩa Lĩnh, nơi thờ các Vua Hùng để được trở về với cội nguồn dân tộc.
Lễ hội đền Hùng năm Giáp Ngọ đã mở và triệu triệu trái tim con cháu Lạc Hồng lại một lòng tưởng nhớ công đức tổ tiên, đến đây báo công sau 1 năm cần cù lao động và dâng lên tổ tiên những sản vật do chính tay mình làm ra…
Hòa trong dòng người từ khắp mọi miền đất nước về đền Hùng giữa tiết xuân, hương trầm phảng phất và mùi thơm dìu dịu của những bông hoa Đại Khải trên đỉnh Nghĩa Lĩnh khiến chúng tôi thấy lòng thanh tịnh. Như bao người dân đến nơi này, chúng tôi cùng bâng khuâng, tự hào nhớ về những mùa xuân của hàng vạn năm trước - thời khắc đã khai sinh ra quốc gia, dân tộc Việt. Nửa ngày sải bước cùng chị Nguyễn Thị An, hướng dẫn viên của Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng xuất phát từ đền Giếng, nơi thờ 2 công chúa xinh đẹp của Vua Hùng có công dạy dân làm nghề nông, rồi trải qua 625 bậc đá uốn lượn để biết tại sao trên núi Nghĩa Lĩnh lại có đền Hạ, đền Trung và đền Thượng đều thờ các Vua Hùng… Chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống dân tộc, về Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia này.
Con cháu Lạc Hồng từ miền biển, vùng rừng trong cả nước đến với Lễ hội Đền Hùng với tấm lòng kính cẩn, tri ân, còn cháu con ở khắp vùng đất Bạch Hạc, ngay từ tháng 2 Âm lịch đã náo nức không khí chuẩn bị phục vụ Lễ hội với tinh thần, trách nhiệm của “trưởng tộc”. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Bản quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, năm nay, mỗi huyện trong tỉnh có một đội văn hóa dân gian, vận động viên về đền Hùng dựng trại văn hóa, giao lưu, biểu diễn các làn điệu dân ca, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, sản vật đặc sắc của địa phương, thi đấu các môn thể thao truyền thống. Cụ thể như: huyện Tân Sơn mô phỏng ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường với kết cấu khung gỗ chắc chắn và các vật dụng phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc: Mường, Dao, Mông, Kinh… được dựng ngay tại nơi tổ chức hội trại văn hóa dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Đồ dùng của các dân tộc như: Đuống, chiêng, hái cắt lúa, nỏ, ống tên, khèn, cum lúa giống, gùi, ống bương lấy nước… cũng có tại khu văn hóa của huyện Yên Lập, Thanh Sơn. Ngoài kết cấu nhà sàn, huyện Yên Lập còn dựng cả một cây đu quay gỗ truyền thống của người Mường; huyện Tam Nông, thành phố Việt Trì dựng trại văn hóa mô phỏng ngôi đình làng, thể hiện rõ nét kiến trúc điêu khắc riêng biệt mỗi vùng quê; trại văn hóa huyện Hạ Hòa lại thể hiện sinh động vùng đất thiêng với đền thờ Mẫu Âu Cơ; huyện Thanh Thủy với những nét đặc trưng của đền Lăng Sương thờ Tản Viên Sơn Thánh và thân mẫu… Bởi thế, mỗi du khách đến Phú Thọ chưa có điều kiện vãn cảnh hết các điểm di tích lịch sử thờ cúng Vua Hùng, Mẫu Âu Cơ thì khi đến không gian văn hóa đền Hùng sẽ thấy được kiến trúc, vẻ đẹp của mỗi công trình thông qua sự mô phỏng của các địa phương.
Trong không gian trại văn hoá tổ chức tại Đền Hùng năm nay, tiềm năng, thế mạnh cùng sản vật tiêu biểu, đặc sắc của mỗi địa phương ở Phú Thọ cũng được trưng bày, giới thiệu với du khách. Ông Hoàng Minh Đức, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Thanh Sơn cho biết: “Cùng với nét đẹp văn hoá truyền thống người Mường, Thanh Sơn sẽ trưng bày, giới thiệu những sản vật đặc sắc, tiêu biểu của huyện để du khách thập phương thêm hiểu biết, trải nghiệm và có ấn tượng đẹp về Đất Tổ Hùng Vương. Ngoài mật ong rừng, chuối phấn vàng, thịt chua, cơm lam, năm nay huyện sẽ mở một phòng trà tại trại văn hoá để giới thiệu, phục vụ miễn phí chè Bảo Long cho du khách trong suốt dịp lễ hội”. Huyện Tam Nông trưng bày, giới thiệu bánh đặc sản của thị trấn Hưng Hoá; tầm gửi cây gạo của xã Hiền Quan; bánh nẳng, bánh tẻ của xã Cổ Tiết; đu đủ, cá thính Thượng Nông; cá Diêu hồng, cá lăng Quang Húc; cá trắm đen Thượng Nông, Thọ Văn; gà đồi, rượu nếp, hạt sen Thọ Văn; sơn nhựa Tam Nông; sản phẩm làng nghề mộc Minh Đức (Thanh Uyên), đồ đan lát làng nghề khu Bắc (Hiền Quan)… Huyện Tân Sơn giới thiệu, quảng bá cây thuốc Nam, gà nhiều cựa, bánh kiến, rau xôi, rêu đá, thịt nướng, cá nướng, xôi ngũ sắc… Huyện Yên Lập quảng bá đặc sản chè núi Đù, nếp gà gáy Mỹ Lung, cá ngòi Lao. Cẩm Khê trưng bày sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ, nón lá Sai Nga, đụt tôm…
Cùng với hát Xoan đã được nhân loại vinh danh, để phục vụ du khách thập phương về dự hội, các nghệ nhân đến từ các huyện, thành, thị ở Phú Thọ thường xuyên biểu diễn, giao lưu các tiết mục diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền. Huyện vùng cao Tân Sơn giới thiệu điệu ví, câu dang, chàm đuống của người Mường, điệu kèn lá, múa khèn của người Mông. Các nghệ nhân Yên Lập biểu diễn múa sênh tiền của đồng bào dân tộc Dao Nga Hoàng, múa trống đu, múa mỡi của người Mường Đồng Thịnh… Tam Nông tham gia diễn xướng dân gian với câu ghẹo Nam Cường; diễn xướng chẻ tre kéo lửa nấu cơm thi; ném cầu giỏ… Đội văn nghệ dân gian Phù Ninh tạo không khí sôi động, thu hút du khách với trò chơi bắt chạch trong chum… Nghệ nhân Thanh Thuỷ “trình làng” những làn điệu chèo mượt mà đằm thắm của chiếu chèo Đoan Hạ…
Những nét đẹp văn hoá truyền thống, sản vật đặc sắc nhất sẽ được các địa phương ở Phú Thọ cũng như khác địa phương khác đưa về Nghĩa Lĩnh trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ với lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên.