Xúc động những bức thư tình “kinh điển” mọi thời đại

15:22, 22/04/2014

Những nhân vật lịch sử, những con người tài hoa, lỗi lạc của thế giới đã từng viết những lá thư tình được xem là kinh điển nhất mọi thời đại.

Hoàng đế Pháp Napoleon và nàng Josephine de Beauharnais





Một người cầm quân không khoan nhượng trên chiến trường như Hoàng đế Pháp Napoleon lại nổi tiếng là một người đàn ông dịu dàng trong tình trường. Với người vợ đầu Josephine, dù về sau Napoleon ly dị vì bà không thể sinh con, nhưng ông vẫn tiếp tục viết thư cho vợ.

 

Khi họ mới cưới, chỉ vài ngày sau hôn lễ, Napoleon phải ra chiến trường. Trong nhiều tháng sau đó, ông liên tục viết thư cho vợ để thể hiện nỗi nhớ da diết của mình. Trong lá thư đề ngày 17/7/1796, Napoleon viết:

 

“Từ khi xa em, tôi luôn buồn bã. Hạnh phúc của tôi là được ở bên em. Tôi luôn sống trong nỗi nhung nhớ về em, sự âu yếm của em, những giọt nước mắt của em, tình yêu của em… Vẻ quyến rũ của Josephine là vô song, nó nhen nhóm không thôi ngọn lửa thiêu đốt trái tim tôi. Khi phải cách xa vẻ đẹp đó, sự ân cần đó, tôi biết phải trải qua từng giờ từng phút như thế nào, khi tôi chỉ có thể yêu em và mải miết nghĩ về niềm hạnh phúc khi ở bên em. Tôi nói như vậy có chứng tỏ được với em điều gì không?”.


Vua Anh Henry VIII và nàng Anne Boleyn


 

Vua Henry VIII của Anh nổi tiếng với mối tình nhiều sóng gió cùng người đẹp Anne Boleyn. Ban đầu, nhà vua tán tỉnh người chị nhưng sau đó trái tim “đi lạc” về phía cô em. Vì lúc đó nhà vua đã có hoàng hậu nên Anne chỉ có thể là tình nhân, nhưng cô gái trẻ đầy tham vọng nhất quyết không chịu, cô muốn mình phải được làm hoàng hậu.

 

Vì tình yêu dành cho Anne, nhà vua đã thay đổi cả thể chế tôn giáo Anh lúc bấy giờ, tất cả chỉ để chiều lòng người đẹp, để nàng có thể lên làm hoàng hậu một cách danh chính ngôn thuận. Chuyện tình của nhà vua và cô gái trẻ Anne Boleyn khi đó là một sự kiện “kinh thiên động địa” đối với toàn Châu Âu.

 

Trong lá thư nhà vua gửi cho Anne năm 1527, Henry VIII đã rất… “xuống nước”: “Ta cầu xin em cho ta được biết mong muốn của em khi gieo mầm tình yêu giữa hai chúng ta. Ta cần phải biết câu trả lời. Đã hơn một năm nay ta đau khổ vì tình cảm này mà vẫn chẳng thể chắc chắn liệu ta có thể tìm được một vị trí trong trái tim em”.


Nhà soạn nhạc người Đức Beethoven và người tình bí ẩn


 

Danh tính người nhận bức thư này không được hé lộ, trong thư, Beethoven gọi người tình là “tình yêu bất tử”. Người phụ nữ nhận được rất nhiều lá thư tình của Beethoven hồi năm 1812 cho đến nay vẫn là một nhân vật bí ẩn, nhưng các sử gia tin rằng, đó là Antonie Brentano - con gái của một nhà ngoại giao người Áo.

 

Beethoven đã từng sáng tác một bản nhạc dành tặng riêng cho cô gái này. Trong một lá thư người ta tìm thấy sau khi Beethoven đã qua đời, ông viết:

 

“Dù vẫn nằm ở đây nhưng suy nghĩ của tôi đã chạy ra ngoài kia để tìm đến em, tình yêu bất tử của tôi. Xin tình yêu hãy lắng dịu lại. Tôi đã chờ đợi em trong nước mắt, sẽ chờ cả cuộc đời, bằng tất cả những gì tôi có, cho tới khi nói lời vĩnh biệt. Hãy yêu tôi, đừng bao giờ ngờ vực trái tim chung thủy nhất này. Mãi mãi là của em, của tôi, của chúng ta”.


Bác học người Anh Charles Darwin và Emma Wedgwood



Charles Darwin, tác giả của thuyết tiến hóa, từng viết một danh sách dài liệt kê những “được và mất” khi kết hôn, cuối cùng, ông quyết định sẽ cầu hôn cô em họ Emma Wedgwood. Cuộc sống hôn nhân của họ về sau rất hạnh phúc. Charles từng viết một lá thư cho Emma vài ngày trước khi họ tổ chức hôn lễ hồi năm 1839:

 

“Tôi hy vọng rằng em sẽ được hạnh phúc bởi tôi biết mình chắc chắn sẽ hạnh phúc. Emma yêu dấu, tôi thực lòng cầu nguyện rằng em sẽ không bao giờ phải hối tiếc về quyết định này. Tôi sẽ thêm vào cuộc đời em những điều tốt đẹp, kể từ thứ 3 sắp tới này. Vợ tương lai yêu quý, Chúa phù hộ cho em…”

 

Nhà văn Pháp Honoré de Balzac và Ewelina Hanska
 



Cuối thập niên 1820, nữ bá tước Ewelina Hanska bắt đầu đọc những tiểu thuyết của Balzac. Vào năm 1832, người phụ nữ này bắt đầu gửi lá thư đầu tiên cho nhà văn. Kể từ đây khởi đầu một mối quan hệ qua thư kéo dài suốt một thập kỷ. Qua đó, tình cảm giữa Hanska và Balzac dần được vun đắp và phát triển thành tình yêu.

 

Trong lá thư viết vào tháng 6/1835, nhà văn viết: “Tôi đã phát điên vì em, điên hết mức có thể: Tôi không thể suy nghĩ bất cứ điều gì một cách mạch lạc mà không có hình ảnh em xen vào. Trí tưởng tượng của tôi đưa tôi đến với em… Đây là một cuộc xung đột khủng khiếp, không còn là cuộc sống nữa. Tôi chưa bao giờ sống như thế này. Em đã phá hủy tất cả. Tôi cùng lúc vừa cảm thấy mình ngu ngốc vừa hạnh phúc ngập tràn, và cứ thế, tôi để mình mặc sức nghĩ về em… Tôi đã bị nỗi buồn nuốt chửng, bị giam cần trong hàng ngàn sợi tơ. Eva yêu dấu ơi, em đâu có biết…”

 

Nhà văn Pháp Victor Hugo và Adele Foucher



 

Chàng thanh niên Victor đã đem lòng yêu người bạn từ thuở ấu thơ - Adele Foucher, tuy vậy, mẹ của Victor không muốn con mình kết hôn với cô gái này. Đôi tình nhân đành bí mật đính hôn và chờ cho tới khi mẹ của Victor qua đời mới chính thức kết hôn.

 

Suốt cuộc đời mình, Victor Hugo qua lại với nhiều phụ nữ, thậm chí cả gái “bán hoa” nhưng cuộc hôn nhân với vợ vẫn không bị đổ vỡ cho tới tận khi bà qua đời. Trong một lá thư được viết thuở còn yêu đương, hò hẹn, Victor Hugo bộc bạch:

 

“Em yêu, khi hai tâm hồn tìm nhau, thì dù xa cách thế nào, cuối cùng cũng sẽ tìm thấy nhau, vừa trong sáng vừa dữ dội, họ sẽ ở bên nhau, khởi đầu từ mặt đất và vươn tới sự vĩnh hằng trên thiên đàng. Trong cuộc đời, ai đã từng yêu hết mình và dâng hiến cho tình yêu, người đó sẽ hiểu hy sinh lớn nhất cũng là niềm hạnh phúc ngọt ngào nhất. Tâm hồn em yêu bằng sự trong sáng của thiên thần, và có lẽ em chỉ có thể yêu một thiên thần, điều đó khiến tôi lo sợ”.