Sự giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng, các giá trị văn hóa mới được các dân tộc thiểu số tiếp thu và sử dụng nhiều hơn, đây là mặt tích cực trong sự phát triển xã hội, nhưng theo đó không ít những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần bị mất đi.
Nhiều năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã coi trọng công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, bằng các việc như ký kết với Ban Dân tộc tỉnh “Chương trình đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thái Nguyên giai đoạn năm 2011-2015”; tham mưu cho UBND tỉnh Quyết định ban hành kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015.
Đến hết năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tổ chức thực hiện hoàn thành công tác kiểm kê tại các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, tỉnh đã lựa chọn được 2 di sản văn hóa tiêu biểu là “Lễ cấp sắc” của cộng đồng dân tộc Dao tỉnh Thái Nguyên và “Múa Tắc xình” của cộng đồng dân tộc Sán Chay huyện Phú Lương để lập hồ sơ khoa học, trình Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chuyện phục dựng văn hóa phi vật thể, ông Hầu Văn Tĩnh, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương) cho biết: Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa của tỉnh, huyện đã về xóm động viên, hỗ trợ kinh phí mở lớp học Xình ca… Được biết: Từ khoảng 10 năm trước đây, ông Tĩnh được ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch mời tham gia phụ trách lớp học Xình ca của xóm. Ông là người được dòng họ Hầu truyền lại cho nhiều cuốn sách chép bài hát bằng chữ Hán cổ, bản thân ông cũng thuộc nhiều bài hát, nên khi được mời đi dạy Xình ca, ông phấn chấn, truyền thụ hết sức mình. Chuyện bà con các dân tộc thiểu số truyền dạy cho con cháu học hát bằng tiếng dân tộc mình, ông Trần Gia Cát, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) tự hào: Hầu hết các xóm trong xã Nam Hòa đều thành lập được câu lạc bộ hát Soọng cô. Đây là điệu hát của người dân tộc Sán Dìu mới được phục dựng lại từ gần 10 năm nay. Vui nhất là hằng tuần, câu lạc bộ hát Soọng cô của các xóm lại tổ chức giao lưu, đôi bên hát đối đáp qua lại cả ngày chưa hết lời. Đặc biệt là gần đây, nhiều gia đình, dòng họ đã tích cực truyền dạy cho con, cháu lời hát Soọng cô.
Cùng với việc quan tâm phục dựng một số làn điệu văn hóa, văn nghệ dân gian, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã bằng nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh và kinh phí chương trình mục tiêu do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cấp, thực hiện được một số đề tài khoa học, trong đó đáng chú ý là các đề tài công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Thái Nguyên (1996-1998); phục dựng đám cưới của người Tày ở xã Lam Vĩ (Định Hóa); Đám cưới và Lễ cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ); Lễ cầu mùa của người dân tộc Sán Chí ở xã Tức Tranh (Phú Lương). Đặc biệt năm 2012, Sở tổ chức thành công việc phục dựng, bảo tồn đám cưới của người dân tộc Sán Chay ở xã Tức Tranh (Phú Lương); Dự án hát lượn cọi của người dân tộc Tày (Định Hóa); Lễ cấp sắc của người dân tộc Dao Lô Gang xã Yên Đổ (Phú Lương) và hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Lễ hội lịch sử cách mạng ATK Định Hóa…
Việc phục dựng nét đẹp văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ góp phần để văn hoá truyền thống của các dân tộc không bị mai một.