Vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, 30-4, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn đã chủ trì biên tập, cho ra mắt cuốn sách ảnh Phóng viên ảnh Nick Út-Huyền thoại giản dị, về một trong những phóng viên ảnh chiến trường nổi bật nhất trong chiến tranh Việt Nam, Huỳnh Công Út. Với tôi, cả người biên soạn cuốn sách, anh Giản Thanh Sơn, lẫn đối tượng của cuốn sách, Nick Út, đều có những mối duyên nợ nghề nghiệp…
Một huyền thoại ảnh người Việt Nam
Chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong thế kỷ 20 đã sản sinh ra những phóng viên ảnh chiến trường nổi danh. Về phía Quân giải phóng, phóng viên Đoàn Công Tính của Báo Quân đội nhân dân là người đã theo sát bước chân Quân giải phóng trên khắp các mặt trận gian khổ nguy hiểm, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu hay loạt ảnh về cuộc chiến khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Về phía bên kia là các phóng viên như Tim Pết, La-ri Bu-râu, Man-côm Brâu…
Và một người Việt Nam, anh Huỳnh Công Út, hay còn gọi là Nick Út.
Cuốn sách ảnh về phóng viên Nick Út.
Tôi biết Nick Út từ tháng 11-1993, khi hãng tin AP của Mỹ, một trong ba hãng tin lớn nhất thế giới (hai hãng kia là AFP của Pháp và Reuters của Anh), vừa mới có văn phòng đại diện ở Hà Nội. Tôi ghé qua văn phòng của hãng ở một ngôi biệt thự của Pháp nằm đầu phố Trần Hưng Đạo. Nick Út tiếp tôi niềm nở. Trước đấy, anh đã có một lần về nước từ năm 1989 để thăm lại những người thân còn ở Việt Nam, còn vào cuối năm 1993, Nick Út quay trở lại trong vai trò phóng viên của AP.
Mà chính hãng AP ấy trước năm 1975 đã sản sinh ra những huyền thoại nhiếp ảnh chiến trường như Ét-đi A-đam (người chụp bức ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan dí súng bắn chết một chiến sĩ biệt động ngay trên đường phố Sài Gòn thời kỳ Mậu Thân 1968); Hen-ri Hu-et (tử nạn tại Lào năm 1971), Hốt Pha-át (người đứng đầu AP tại Sài Gòn trong thời điểm cao trào của chiến tranh)…
Dĩ nhiên là cuộc phỏng vấn của tôi với Nick Út xoay quanh bức ảnh mà Nick Út đặt tựa đề là “Kinh khủng”, nhưng thế giới lại đặt tên là “Cô gái Napalm”, được Đại học Columbia của Mỹ xếp thứ 41 trong số 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. Bức ảnh được Nick Út chụp vào ngày 8-6-1972 tại một đoạn đường trên Quốc lộ 1 gần Trảng Bàng (Tây Ninh), hình cô bé Phan Thị Kim Phúc bị bỏng na-pan trần truồng gào khóc chạy trên quốc lộ. Bức ảnh đã làm thay đổi cuộc đời hầu như tất cả những người có liên quan: Cô bé Kim Phúc được đưa ra nước ngoài chữa chạy và cả thế giới biết đến, là Đại sứ thiện chí của UNESCO; còn với Nick Út, nó cũng làm thay đổi vĩnh viễn cuộc đời anh: Năm sau đó, 1973, Nick Út nhận giải thưởng báo chí Pulitzer, một trong những giải thưởng danh giá bậc nhất của báo chí thế giới. Ngoài ra, bức ảnh đó còn nhận thêm ít nhất 8 giải thưởng khác nữa.
Nhưng có lẽ tác động bức ảnh của Nick Út còn vượt quá số phận các cá nhân. Chính những bức ảnh như “Cô gái Napalm” đã làm lay động trái tim hàng triệu người, giúp cho thế giới nhận thấy một cách trực diện tính chất khủng khiếp, vô nhân đạo và phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Nói không ngoa, chính những bức ảnh này đã làm dấy lên phong trào phản đối chiến tranh ở ngay nước Mỹ và trên toàn thế giới, góp phần sớm chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ. Vô hình trung, Nick Út đã làm được cái điều mà Tim Pết, một phóng viên chiến trường nổi danh khác từng đúc kết: Một bức ảnh chiến tranh thành công là một bức ảnh chống chiến tranh!
Một nhiếp ảnh gia có cái nhìn liên tài
Tôi biết Giản Thanh Sơn là nhờ… Nick Út! Một lần, Nick Út về Việt Nam và ghé nhà tôi chơi. Đang ngồi nói chuyện thì anh nhận điện thoại và nói: “Thôi, chạy qua đây đi!”. Một lúc sau, Giản Thanh Sơn đến, trông với Nick Út cứ như hai anh em: Người lùn mập, tóc lượn sóng và nụ cười cởi mở. Mãi sau này, tôi biết Giản Thanh Sơn không chỉ có nụ cười cởi mở ấy…
Ngày 30-4-1975, khi các cánh quân Quân giải phóng tràn ngập Sài Gòn thì chàng trai Giản Thanh Sơn mới 18 tuổi và còn chưa hình dung ra rồi đây, cuộc đời mình sẽ gắn liền với chiếc máy ảnh. Cùng quê Long An với Nick Út, đầu thập niên 1990, anh mới lóc cóc đưa vợ con lên Sài Gòn làm báo. Số phận đã đưa đẩy anh cùng với chiếc máy ảnh lang thang trên khắp các lục địa, qua hơn bảy chục nước, chụp ảnh các nguyên thủ quốc gia hay chụp hình Tổ quốc từ trên không trung. Đấy đều là những khung hình mà bất cứ một tay máy chụp hình nào cũng mơ ước.
Sự tình cờ đã khiến tôi có nhiều dịp cùng Giản Thanh Sơn tác nghiệp trên các nẻo đường. Anh là một tay máy vững vàng, luôn chọn được những góc chụp đắc địa để có những tấm hình lạ và đẹp. Nhưng ấn tượng mạnh nhất lưu lại trong tôi ở Giản Thanh Sơn chính là con người anh, hồn hậu, hết mình vì bạn bè. Cuốn sách ảnh về Nick Út mà Giản Thanh Sơn chủ biên quả thật là một điều đặc biệt về cái nhìn liên tài: Hiếm hoi lắm mới có chuyện một nhiếp ảnh gia làm sách ảnh về một đồng nghiệp của mình.
Tôi có nhiều kỷ niệm nghề nghiệp với Giản Thanh Sơn nhưng một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là lần tôi cùng anh tác nghiệp trong Nhà Trắng, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tôi và anh cùng chen nhau trước Vườn Hồng với đám ký giả to cao nước ngoài, rồi đến khi các nhân viên mật vụ vẫy tay, cả hai chạy thục mạng, xông vào bên trong phòng Bầu Dục. Cuối cùng thì anh trước, tôi sau, chen chúc giữa các phóng viên, cả hai cùng mải mê chụp. Tôi thấy Giản Thanh Sơn đang say sưa với chiếc máy ảnh, nên muốn chụp một bức hình anh đang tác nghiệp. Nhưng ở vị trí ngồi hơi chếch phía sau, rất khó để có thể chụp vừa được hình Giản Thanh Sơn, lại vừa có hình của một nguyên thủ quốc gia. Cuối cùng thì tôi cũng chọn ra được một giải pháp: Tận dụng góc rất rộng của cái ống kính Leica, chụp được bức hình với một góc là Giản Thanh Sơn, góc kia là Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma.
Cầm cuốn sách ảnh về Nick Út, tôi chợt có một liên tưởng thú vị: Hai con người ấy, một người chụp ảnh cuộc chiến của Mỹ trong chiến tranh, một người chụp Tổng thống Mỹ trong thời bình. Giữa hai khoảng cách ấy, đã có một ngày 30-4-1975…