Ngày 1-1-1964, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm, tại đây, Bác đã căn dặn: Đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác bảo tàng là người lưu giữ văn hóa của dân tộc, cần biết phát huy những vốn quý văn hóa của các dân tộc... Hơn 50 năm đã đi qua, các thế hệ cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam luôn khắc ghi lời căn dặn của Người.
Cùng với những hoạt động sôi nổi diễn ra khắp mọi nơi trong cả nước chào mừng 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014), tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi. Chị Nguyễn Thị Hải, nhân viên bán vé cho biết: “Tháng 5 này, trong tỉnh có 7 trường tiểu học và THCS đã đặt vé cho các em học sinh tham quan và được xem hoạt cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ. Còn các chương trình tham quan trưng bày và trải nghiệm các hoạt động văn hóa các dân tộc đến thời điểm hện tại đã có 4 đơn vị đặt vé”. Thông tin này đã khiến chúng tôi tò mò: Bảo tàng còn có sân khấu biểu diễn nghệ thuật thu nhỏ?
Trước những đổi mới về đời sống văn hóa và quá trình hội nhập quốc tế, nhất là từ năm 1998 thực hiện chủ trương Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Bảo tàng đã xây dựng nhiều chương trình hành động phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Năm 2000, sau khi được quy hoạch mở rộng với diện tích trên 4ha tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, nhiệm vụ của Bảo tàng càng trở nên quan trọng, vừa bảo đảm mỹ quan, bảo đảm tính nghệ thuật và khoa học. Đến năm 2010, sau khi đã ổn định không gian và quy hoạch trưng bày, nhiệm vụ quan trọng và cùng đầy khó khăn với đơn vị đó là “tạo hồn cho các hiện vật trưng bày”.
Theo đồng chí Vi Văn Biên, Phòng Trưng bày và Tuyên truyền: “Nếu chỉ sưu tầm, rồi trưng bày thì bày ra biết bao nhiêu diện tích cho đủ, thuyết minh chưa chắc khách đã thích nghe hết. Vì vậy phải có các hoạt động phụ trợ, thậm chí người tham quan được trải nghiệm từ các hiện vật trưng bày. Xuất phát từ đó, tập thể Chi bộ, Ban Giám đốc đã xây dựng chương trình hành động đổi mới công tác trưng bày hiện vật trên cơ sở tổ chức các hoạt cảnh, trải nghiệm. Với quan điểm: Làm chuyên môn thì phải biết vận dụng thực hành, không thể chỉ là thuyết minh máy móc và mỗi cán bộ, viên chức trong cơ quan phải xác định tinh thần tự học hỏi là chính, từ đó mỗi năm chủ động nâng cao nghiệp vụ, thể hiện trên cơ sở đổi mới các hoạt động tổ chức trình diễn và thực hiện các hoạt cảnh, thực hành...”.
Các chị Dương Thanh Nga và Trịnh Minh Tú làm thuyết minh trưng bày chia sẻ: “Ban đầu tập luyện chuyên sâu các hoạt cảnh, cũng thấy ngại vì không chuyên, nhưng rồi khi mọi người thấy đó chính là công việc mà bản thân cần phải có trước yêu cầu đổi mới, nên ai cũng nỗ lực hoàn thành. Thực tế nếu công việc không liên tục đổi mới thì sẽ bị lạc hậu và người làm việc cũng sẽ nhanh chán, đồng nghĩa với việc, khách tham quan xa lánh bảo tàng, rồi bảo tàng sẽ trở thành cái kho tư liệu; hiện vật trưng bày trong trạng thái “chết”. Vì vậy, chúng tôi phải tự rèn luyện thêm các kỹ năng khác trong thuyết minh. Ví dụ như nói đến văn hóa đồng bào Tày thì phải biết một vài làn điệu hát Then, chơi đàn tính; đồng bào H'Mông thì phải biết thổi khèn; đồng bào Tây Nguyên thì phải có một đội hình đánh cồng, chiêng; hay đồng bào Thái, Mường thì phải biết múa xòe, múa sạp; rồi một vài sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm, Khơ me, đờn ca tài tử Nam bộ...”. Nói rồi chị Tú vừa gẩy đàn Tính, hát vài câu theo điệu Then của người Tày, rồi thuyết trình bằng tiếng Anh lưu loát. Còn chị Nga cầm chiếc ô quay điệu nghệ trong bộ váy thiếu nữ H'Mông bên đồng nghiệp là anh Nguyễn Việt Anh vừa nhảy vừa thổi những điệu khèn dìu dặt, trữ tình. Được biết, hiện tại Báo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có gần 100 cán bộ, viên chức, trong đó có gần 40 cán bộ kiêm nhiệm làm “diễn viên” tham gia trực tiếp các hoạt cảnh sinh hoạt văn hóa của các vùng miền.
Đổi mới hoạt động trưng bày và phương pháp hoạt động thuyết minh gắn với trải nghiệm thực tế đã và đang thu hút đông đảo khách tham quan với Bảo tàng. Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Nếu như trước năm 2010, mỗi khi có các hoạt động phục vụ các sự kiện, đơn vị thường xuyên phải đi các vùng miền đón cá nghệ nhân, nghệ sĩ sân khấu, các chuyên gia về giúp, nay Bảo tàng đã đảm đương được 70% các nội dung hoạt cảnh và trải nghiệm trong thuyết minh và trưng bày.
Nhờ liên tục đổi mới hoạt động, năm 2013, Bảo tàng đón nhận trên 100 nghìn lượt khách tham quan (tăng 20 nghìn so với năm 2012), trong đó có trên 10 nghìn lượt khách nước ngoài, gần 30 nghìn khách là học sinh. Hệ thống hiện vật trưng bày cũng được bổ sung liên tục với lưu lượng hiện có gần 5 nghìn tài liệu, hiện vật gốc của 54 dân tộc anh em. Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm và trình diễn hoạt cảnh, Bảo tàng còn tổ chức các hoạt động văn hóa ẩm thức của các dân tộc với sự cộng tác của các nghệ nhân đến từ các vùng trong cả nước. Đây chính là các hoạt động phụ trợ đã góp phần làm nên tính sinh động trong việc lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.