Lên chùa nghe tiếng mõ rơi

10:54, 07/05/2014

Tiếng mõ rơi, đều đặn, từ hàng trăm năm rồi, những ngôi chùa trên quê hương cách mạng Thái Nguyên vẫn khoan thai tiếng mõ, không vội vã, không mệt mỏi, như tiếng kim đồng hồ làm dịch chuyển thời gian.

Hôm tôi lên chùa Phủ Liễn, sống trong không khí bận rộn, phấn chấn của tăng ni, phật tử đang chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2558 - Dương lịch 2014, chợt lòng chùng lại khi nghe tiếng mõ rơi. Bởi cảm nhận từ tiếng mõ gợi niềm thanh tịnh, khiến bao tao nhân mặc khách khi về chùa vãn cảnh đều có giây phút tĩnh tâm, quên đi mọi ái, ố, hỉ, nộ của đời thường.

 

Sự nguyện cầu thành tâm ấy được xuất phát từ thẳm sâu đáy lòng người hướng thiện. Cũng bởi lẽ ấy mà hàng trăm năm nay, chiếm đa số người Việt Nam hướng tâm về cõi thiền, nghe tiếng mõ rơi mà lòng bền chắc chí khí dân tộc, cùng đoàn kết đứng dậy đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm; xây dựng đất nước ngày thêm phồn thịnh, cho quốc thái dân an, mọi nhà cùng được hạnh phúc.

 

Đại đức Thích Chúc Tiếp, Chánh Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trên địa bàn của tỉnh có hơn 180 ngôi chùa. Các ngôi chùa lớn, nhỏ đều là nơi tu tập của phật tử, nhân dân và là địa chỉ để người dân sinh hoạt văn hóa tinh thần. Cũng từ nhiều năm gần đây, hầu hết các cơ sở thờ tự trong tỉnh được xây dựng trùng tu, tôn tạo bằng việc phát tâm công đức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân, nhiều chùa được khôi phục, trùng tu, sửa chữa khang trang tố hảo làm chốn nương tựa cho tăng ni, phật tử tu chứng.

 

Gom lại những thành tâm trong thiên hạ mà tạo dựng nên những ngôi chùa có tuổi từ vài trăm năm. Những ngôi chùa bền bỉ sống trong lòng người, và chứng kiến bao sự đổi dời của xã hội. Hơn thế, ở chế độ, xã hội nào thì những ngôi chùa vẫn là địa chỉ cho nhiều người tìm về gửi thác tâm hồn. Nhất là những năm gần đây, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiện tâm, thường xuyên hoan hỷ giúp đỡ người già, trẻ nhỏ và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời tham gia cùng chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng nông thôn mới” và các hoạt động tri ân tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Bởi gần gũi với đời thường, nên lòng dân thuận hòa, hoan hỷ công đức tiền của, đóng góp công sức lao động để cùng nhà chùa tạo dựng nên chốn tu tâm, dưỡng đức với nghĩ suy 48 lời đại nguyện của Phật A di đà, mong tạo nên cái duyên tốt cho mình và mọi người.

 

Cũng theo Đại đức Thích Chúc Tiếp: Trong thời gian 3 năm gần đây, người dân Thái Nguyên và nhân dân cả nước đã hoan hỷ công đức được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới Nhà Tổ, nhà Mẫu, sân chùa, bãi để xe cho du khách và một số công trình phụ cận của chùa Phù Liễn (T.P Thái Nguyên); làm đường, làm sân, làm công trình Tượng đài Quan Thế Âm Bồ tát, nhà khách của chùa Huống (Đồng Hỷ). Đặc biệt là chùa Cải Đan (T.X Sông Công), chùa có niên đại hơn 300 năm. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngôi chùa này là nơi hoạt động bí mật của cán bộ Việt minh và du kích địa phương đã được Hợp tác xã Công nghiệp - Vận tải Chiến Công và nhân dân địa phương công đức xây dựng mới ngôi Tam bảo, ngôi Tổ đường. Các công trình như giảng đường giảng dạy giáo lý đạo phật cho tăng ni, phật tử, khu vực khách tăng đang được tiếp tục thi công, dự kiến đến cuối năm 2014 được hoàn thiện đưa vào sử dụng. Cũng bằng sự hoan hỷ công đức của nhân dân, chùa Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) đã xây dựng mới các công trình: Ngôi Tam bảo, nhà Tổ, nhà khách và đúc chuông… Mỗi chiều, từ chùa Thịnh Đán, tiếng chuông lại ngân rung, vọng về miền ký ức từng câu chuyện của những năm tháng lịch sử hào hùng dân tộc, trong đó có câu chuyện xảy ra vào ngày 19-8-1945, chùa Thịnh Đán đã quang lâm đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân giải phóng từ Tân Trào (Tuyên Quang) sang, tập kết tại chùa và tiến hành cuộc giải phóng Thái Nguyên.

 

Như tất cả những ngôi chùa trên dải “non sông gấm vóc” Việt Nam, những ngôi chùa ở Thái Nguyên không chỉ là địa chỉ để một bộ phận nhân dân sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là địa chỉ văn hóa cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu về một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Và không kể là chùa lớn hay chùa nhỏ, đồng thời cũng không phân biệt sự hoan hỷ công đức của người hiến bạc tỷ với người thiện tâm bằng lời nguyện xuất phát từ cõi lòng, bởi lời phật dạy: Trong mười hai nhân duyên, cái nọ làm duyên cho cái kia mà thành ra vạn vật trong thế gian này.

 

Đứng dưới chân Tượng đài Quan thế âm Bồ tát (chùa Huống), nghe tiếng mõ thỉnh đều vẳng vào hư không, lòng chợt thấy khoan thai, tĩnh tại bởi như lúc này trong tôi không vướng bụi hồng trần. Nhưng tôi biết: Người hoan hỷ công đức hơn 1 tỷ đồng để nhà chùa dựng lên Bức tượng đài Quan thế âm Bồ tát ấy là một doanh nhân mới nổi, ông từng có một quá khứ đen bạc, là gánh nặng của xã hội và đã “đứng dậy ngay nơi mình ngã”, gạt bỏ quá khứ, sống hướng thiện như bao con người.