Thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc

14:48, 24/05/2014

Châu bản triều Nguyễn, vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc "Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương", không chỉ khẳng định sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản tư liệu ở Việt Nam mà còn là căn cứ, bằng chứng quan trọng về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bảo tồn và phát huy giá trị khối di sản đặc biệt này trong bối cảnh hiện nay được dư luận và các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.

Di sản tư liệu độc đáo

 

UNESCO đánh giá, Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của các triều đại phong kiến ở Việt Nam, cũng là số ít các tài liệu trên thế giới lưu giữ bút tích các hoàng đế phê duyệt chi tiết về mọi vấn đề của đất nước trên văn bản. Hơn thế, Châu bản triều Nguyễn phản ánh đầy đủ về đời sống xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, đặc biệt là quá trình biến đổi từ một xã hội thuần phong kiến sang phong kiến nửa thuộc địa... So với các tiêu chí Chương trình Ký ức thế giới đưa ra (tính độc đáo, ý nghĩa quốc tế, tính xác thực, tính quý hiếm…) thì Châu bản triều Nguyễn cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

 

Theo giới thiệu của Cục Văn thư lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) - đơn vị xây dựng hồ sơ Châu bản triều Nguyễn (1802-1945) trình UNESCO, di sản Châu bản gồm hơn 700 tập tài liệu gốc của 11/13 triều vua nhà Nguyễn, trong đó có lưu bút tích phê duyệt của 10 vị hoàng đế trên văn bản. Khối tài liệu chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có độ tin cậy cao, phản ánh đầy đủ các vấn đề của xã hội. Dưới triều Nguyễn, Châu bản là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống như: "Đại Nam thực lục chính biên", "Đại Nam nhất thống chí", "Đại Nam liệt truyện", "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ" (chính biên, tục biên), "Quốc triều chính biên toát yếu", "Minh Mệnh chính yếu"…

 

Từ năm 1945 đến nay, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp tục khai thác Châu bản cho các công trình nghiên cứu, chẳng hạn như công trình "Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam" của Viện Đại học Huế do Giáo sư Trần Kinh Hòa chủ biên; "Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các Châu bản triều Duy Tân" do Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài Gòn xuất bản năm 1973, NXB Văn học tái bản năm 2008; "Châu bản triều Nguyễn - tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945" của tác giả Lý Kim Hoa do NXB Văn hóa thông tin Hà Nội xuất bản năm 2002. Đặc biệt, cuộc triển lãm "Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn" năm 2011 và "Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn" năm 2012 do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - nơi lưu giữ di sản Châu bản tổ chức đã giúp công chúng hiểu hơn về khối di sản độc đáo này. Các văn bản Châu bản về Hoàng Sa, Trường Sa trích rút từ khối Châu bản triều Nguyễn để trưng bày trong nhiều cuộc triển lãm về biển đảo tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk… trong thời gian gần đây cũng đã tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực.

 


Đó chính là những bằng chứng xác thực khẳng định những giá trị có một không hai của Châu bản triều Nguyễn.

 

Bằng chứng khẳng định chủ quyền

 

Qua các cuộc trưng bày, triển lãm và phân tích của các nhà khoa học, công chúng có thể thấy được giá trị nổi bật của di sản Châu bản triều Nguyễn chính là những thông tin, tư liệu gốc khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chẳng hạn, Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) của Bộ Công ghi rõ lời phê của vua: "Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài (cột gỗ), mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc, khắc sâu dòng chữ to Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh". Theo châu bản này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật. Nội dung chính của Châu bản là xin triều đình chuẩn bị gấp số cột gỗ để đội thủy quân lên đường đúng lịch trình.

 

Tương tự, Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) có nội dung: "Bộ Công tâu trình đoàn đi khảo sát Hoàng Sa lần này có Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá là người của Bộ. Đoàn khảo sát được 25 đảo thuộc vùng thứ 3, vẽ được 4 bản đồ mang về (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung). Bộ Công tâu xin cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình". Còn Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) nêu rõ: "Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển"… Những dẫn chứng cụ thể này khẳng định, từ thời nhà Nguyễn, nước ta đã thể hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và dành sự quan tâm đặc biệt tới hai quần đảo này thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ.

 

Trao đổi với báo giới tại triển lãm "Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn" năm 2012, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho hay: Trong khối di sản Châu bản đang được lưu giữ có nhiều tờ Châu bản nói về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các Châu bản đều là bản gốc, ghi ngày giờ, niên đại, có dấu ấn vương triều Nguyễn, tập trung nhiều nhất vào thời vua Minh Mạng. Vì thế, Châu bản là tư liệu đặc biệt quan trọng để khẳng định chủ quyền của nước ta với Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng quan điểm này, PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu đồng nghĩa với việc tính pháp lý của các tư liệu này được nâng cao hơn. "Ở góc độ khẳng định chủ quyền của Việt Nam, Châu bản là tư liệu vô cùng quý giá", PGS Đặng Văn Bài nói.

 

Để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và khẳng định tính pháp lý của di sản Châu bản triều Nguyễn trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, những năm gần đây, Trung tâm đã sao chụp tài liệu Châu bản và in đĩa CD để bảo vệ bản gốc và mở rộng việc khai thác. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của di sản tới công chúng bằng nhiều hình thức.