Những bài học kinh nghiệm chung quanh việc bảo vệ bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan đã được các nhà hoạt động trong giới giải trí (công nghiệp nội dung) từ Hàn Quốc chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam.
Ông Jeong Seok Cheol, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế - Ủy ban Bản quyền Tác giả Hàn Quốc cho biết, trong những năm qua, Hàn Quốc đã nỗ lực rất nhiều trong việc bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan. Liên tục trong vòng sáu năm nay, Mỹ đã loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các nước có nguy cơ về xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, ông Jeong Seok Cheol cũng cho biết, Hàn Quốc vẫn gặp những vấn đề nghiêm trọng trong sao chép, như qua điện thoại thông minh, internet. Ngày nay, các thiết bị ngày càng thông minh hơn, nhiều ứng dụng hơn và dễ dàng sao chép hơn, điều đó cản trở không ít cho việc bảo vệ bản quyền tác giả, làm giảm động lực sáng tác.
Bên cạnh đó, những rào cản về thủ tục đăng ký bản quyền còn rườm rà cũng gây khó khăn cho các tác giả và khiến cho nạn vi phạm bản quyền có cơ hội “lách luật”.
Trước tình trạng đó, chính phủ Hàn Quốc đã liên tục có những nỗ lực về cải cách các thủ tục, quy định, pháp luật để theo kịp và hỗ trợ cho công tác bảo vệ bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan. Cùng với đó, việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật cho kịp với sự tiến bộ của các thiết bị thông minh cũng được Hàn Quốc chú trọng. Ông Jeong Seok Cheol nói: “Văn hóa sáng tạo của Hàn Quốc được hình thành trên sự bảo vệ bản quyền tác giả, nghiên cứu và phát triển công nghệ bảo vệ bản quyền tác giả, đặc biệt là ứng dụng ở các thiết bị thông minh”. Ông nhấn mạnh: “Bảo vệ quyền tác giả không phải là cản trở cuộc cách mạng công nghệ mà ngược lại, còn thúc đẩy nó phát triển”.
Một nội dung quan trọng nữa mà ông Jeong Seok Cheol cho biết, là Hàn Quốc đang hoàn thiện luật về quyền tác giả, trong đó có những nội dung hỗ trợ cho sức sáng tạo. Ông Jeong cũng đề cập đến một trong những vai trò quan trọng của luật đối với bảo vệ bản quyền là phải chừa lại “không gian thở” cho sáng tạo và cách mạng công nghệ.
Ông Kim Ki Bok, Chủ tịch Hiệp hội người biểu diễn trên sóng truyền hình Hàn Quốc lại chia sẻ những kinh nghiệm trên khía cạnh người khai thác bản quyền. Ông Kim cho biết, ở Hàn Quốc có rất nhiều rắc rối giữa biểu diễn và truyền hình, tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, cả hai bên đều đã tìm ra nhiều phương thức ký kết.
Ông Kim chia sẻ, hiện nay Hiệp hội đã ký cam kết với khoảng 60 kênh truyền hình tất cả, với mức phí phải chăng. Ông Kim Ki Bok cũng chia sẻ những kinh nghiệm chung quanh việc ký kết này, chẳng hạn như có nhiều loại phí để các kênh truyền hình lựa chọn, như phí phát sóng một lần, mức phí phát lại. Thông thường mức phí phát lại ở mức rất vừa phải, ngoài ra còn các mức phí khác nhau cho truyền hình mặt đất và truyền hình cáp. Số tiền thu được trừ đi chi phí tối thiểu, phần còn lại sẽ do người biểu diễn hưởng.
Có mặt trong buổi chia sẻ kinh nghiệm còn có nhạc sĩ Phó Đức Phương, hiện là Giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Ông Phó Đức Phương cho biết, số tiền bản quyền mà trung tâm thu được hiện đang tăng lên theo từng năm. Nếu như năm 2010, Trung tâm thu được số tiền bản quyền là hơn 32 tỷ đồng, thì đến năm 2013, con số này đã là hơn 53 tỷ đồng. Tổng cộng trong 11 năm (từ 2002 đến 2013), tổng số tiền bản quyền mà Trung tâm thu về là hơn 175, 3 tỷ đồng, tức là xấp xỉ 8,4 triệu USD.
Tuy nhiên, theo ông Phó Đức Phương, con số này chưa đáng là bao so với các nước khác trong khu vực. Chẳng hạn Singapore là hơn 18 triệu USD/ năm, Hàn Quốc hơn 100 triệu USD/năm, Nhật Bản hơn 1,1 tỷ USD/ năm, còn với một nước có hệ thống pháp luật bảo vệ bản quyền chặt chẽ như Mỹ, riêng tiền thu bản quyền trong âm nhạc đã lên tới hơn 3 tỷ USD.
Một đại diện của phía những người biểu diễn và khai thác bản quyền ở Việt Nam, ông Trần Bình, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật đương đại lại tỏ ra không đồng tình với mục tiêu của Trung tâm mà ông Phó Đức Phương đề ra. Ông Trần Bình chia sẻ: “Ở Việt Nam, việc thực thi bảo hộ quyền tác giả có nhiều điều chưa hợp lý. Chẳng hạn như công ước Rome quy định bảo hộ quyền tác giả chỉ trong 20 năm, nhưng chúng ta kéo dài từ 75-100 năm, quá dài đối với phía khai thác bản quyền”. Ông Trần Bình cũng nêu ra những bất hợp lý trong việc thu tiền bản quyền: “Thù lao cho anh em nghệ sĩ hiện nay quá thấp. Phần lớn anh em hiện nay tiền công một buổi tập là 10 nghìn đồng, còn tiền biểu diễn là 50 nghìn đồng, mức tiền này liên tục đề xuất xin nâng lên mà không được thay đổi. 131 đơn vị biểu diễn công lập trong khắp cả nước hoạt động bằng ngân sách, chỉ những đơn vị ở các thành phố lớn hay các tỉnh giàu, như Quảng Ninh, mức doanh thu bình quân mới được khoảng 3 tỷ đồng/năm, các tỉnh nghèo thường chỉ 1,4 đến 2 tỷ. Các đơn vị trung ương thu được khoảng 7-8 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tiền bản quyền tăng vọt không ngừng”. Ông Trần Bình bức xúc: “Khoảng 6 nghìn nghệ sĩ, diễn viên hiện nay, phần lớn là sống ở mức nghèo, hoặc dưới nghèo rất nhiều. Với mức phí bản quyền này (khoảng trên dưới 1 triệu/bài hát), nhiều đơn vị không muốn diễn”.
Điều này cho thấy, muốn thực thi việc bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan, ngoài việc quan trọng là giáo dục, tuyên truyền cho số đông công chúng, thì việc có chung tiếng nói giữa bản thân những người trong cuộc cũng không kém phần quan trọng.