Cùng với nhân dân cả nước, các cán bộ công tác tại Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh rất hào hứng, đón nhận Hiến pháp với những hy vọng mới về sự phát triển văn học nghệ thuật.
Ông Triệu Văn Doanh, Chủ tịch Hội cho biết: năm 1998, Nghị quyết TW5 (khóa 8) đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó khẳng định: văn học, nghệ thuật là một bộ phận rất quan trọng. 10 năm sau đó (2008), Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết TW5 và Nghị quyết 23, công tác văn học nghệ thuật (VHNT) và các văn nghệ sĩ của tỉnh Thái Nguyên được quan tâm đặc biệt. 9 năm qua, Nhà nước có hẳn một chương trình hỗ trợ cho hội viên sáng tạo, công bố tác phẩm ra công chúng. Nhờ đó mà số đầu sách hằng năm do hội viên xuất bản tăng gấp đôi so với những năm trước (khoảng 20 đầu sách/năm); các cuộc triển lãm cũng tăng 200% (4-6 cuộc/năm). Hội thường xuyên mở trại sáng tác ở xa (vùng Tây Nguyên, Tây Bắc). Chi phí cho 15 người/trại hết khoảng 150 triệu đồng, đều từ ngân sách nhà nước. Cơ sở vật chất của Hội được tỉnh đầu tư, diện mạo cơ quan đàng hoàng hơn trước. Vị thế của Hội VHNT và người làm công tác VHNT được nâng lên nhiều so với trước.
Là người nghiên cứu, góp nhiều ý kiến đóng góp từ khi Hiến pháp 2013 đang được lấy ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi, bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội VHNT, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ làm phép so sánh nhỏ với Hiến pháp năm 1992: Nói về văn hóa, VHNT, Hiến pháp năm 1992 có 5 điều (30,31,32,33,34). Trong đó 2 điều nói về VHNT. Điều 31 “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hoá Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân”. Điều 32: “Văn học, nghệ thuật góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cao đẹp của người Việt Nam. Nhà nước đầu tư phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện để nhân dân được thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị; bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước phát triển các hình thức đa dạng của hoạt động văn học, nghệ thuật, khuyến khích các hoạt động văn học, nghệ thuật quần chúng”.
Trong Hiến pháp 2013, nội dung này nằm trong 2 ý của Điều 60 “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân”.
Theo bà Quỳnh, tuy ngắn gọn hơn về câu chữ, nhưng Hiến pháp 2013 vẫn khẳng định rõ vai trò của VHNT, trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với sự phát triển VHNT. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nói chung, của tỉnh nói riêng đối với VHNT hiển thị rất rõ ở sự phát triển ngoạn mục của tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên. Từ năm 2004 đến nay, báo đã tăng từ 1 kỳ lên 3 kỳ /tháng, tăng từ 8 trang lên 12 trang/số, tăng từ 1.000 tờ lên 4500 tờ/kỳ phát hành và có thêm trang thông tin điện tử. Báo cũng được tỉnh cấp tiền đầu tư phương tiện như máy vi tính, máy ảnh; phòng ốc được sang sửa sạch đẹp hơn.
Với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 khẳng định vai trò quan trọng của VHNT và tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW5, Nghị quyết 23, Quy hoạch báo chí - xuất bản của tỉnh đến năm 2020, Báo Văn nghệ đã đặt ra 3 mục tiêu đến năm 2020 là: trở thành tuần báo trước năm 2015; phát triển báo Văn nghệ Thái Nguyên điện tử; tăng lượng phát hành lên 5000 tờ/kỳ. Lộ trình để đạt được các mục tiêu này về tổ chức bộ máy, tài chính, phát hành, cộng tác viên… đang được tỉnh xem xét, phê duyệt.
Ông Triệu Văn Doanh thông tin thêm: Cơ quan Hội đã tổ chức quán triệt học tập Hiến pháp 2013, phân tích sâu những ý liên quan đến mảng công việc của Hội đề cập trong Hiến pháp. Mọi người đều bày tỏ tin tưởng rằng: trên đà phát triển đang có, VHNT Thái Nguyên sẽ có bước tiến mới, xứng tầm trung tâm vùng Việt Bắc.