Triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”

07:42, 22/06/2014

Sáng 21/6, tại Bảo tàng Đà Nẵng đã diễn ra lễ Khai mạc và trưng bày triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”. Triển lãm là một trong các hoạt động trong khuôn khổ của Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 19 - 21/6/2014.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng cho biết, đây là cuộc triển lãm có nhiều ý nghĩa bởi vì lần đầu tiên một triển lãm về những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ nay được đón tiếp hàng ngàn lượt người đến tham quan; trong đó có đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đang đến với Việt Nam và TP. Đà Nẵng từ mấy ngày qua bằng nhiều ý kiến tham luận và thảo luận đầy lương tri, trách nhiệm khoa học tại Hội thảo Quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử”.

 

Ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh: Sự có mặt đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế ở triển lãm lần này là sự thể hiện sống động và đầy thuyết phục, góp phần khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Cuộc triển lãm này càng có nhiều ý nghĩa còn bởi thời điểm tổ chức. Đây là thời điểm mà Đà Nẵng một lần nữa lại đang ở tuyến đầu Tổ quốc. Hôm nay là ngày thứ 52 kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà còn thăm dò sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt Nam; đồng thời nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) sai trái của họ.

 

Thay mặt Ban tổ chức triển lãm, ông Bùi Văn Tiếng cũng hy vọng, cuộc triển lãm lần này không chỉ góp phần vào cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý để yêu cầu Trung Quốc rút ngay không điều kiện giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu bán vũ trang, tàu quân sự hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, mà còn góp phần vào việc tranh luận học thuật nhằm vạch trần, bác sỏ yêu sách “đường lưỡi bò” và rộng hơn là ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc muốn độc chiếm toàn bộ Biển Đông cả về tài nguyên lẫn tự do hàng hải.

 

Tại triển lãm, lần đầu tiên Ban tổ chức công bố một số tư liệu mới góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước. Đồng thời, cùng thời điểm này, Ban tổ chức Hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” cũng tổ chức Tọa đàm chuyên đề đánh giá sâu thêm về hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trên vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, vào buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đến thăm tàu cá ĐNa 90152-TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5 và gặp gỡ các nhân chứng của sự kiện này.

 

Trước đó, chiều 20/6, sau một ngày thảo luận nghiêm túc và khoa học, Hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” đã tổng kết, đánh giá những kết quả mà Hội thảo đã đạt được.

 

Theo đánh giá của Ban tổ chức, gần 120 đại biểu gồm các học giả, các nhà nghiên cứu uy tín đến từ các nước Mỹ, Đức, Nga, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Australia, Italia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippin…; các học giả Việt Nam ở trong nước và ngoài nước; đại diện một số cơ quan, ban ngành và địa phương trong nước, phóng viên báo chí quốc tế và trong nước đã nghe và thảo luận tổng cộng 21 tham luận được trình bày tại Hội thảo cùng hàng chục ý kiến trao đổi, làm rõ thêm các nội dung chủ đề mà Hội thảo nêu ra tại hai phiên và bốn phần thảo luận.

 

Trong đó, có nhiều ý kiến được đại biểu dự Hội thảo đánh giá cao như ý kiến của các học giả quốc tế Dmitry Mosyakov (Nga), K. Raja Reddy (Ấn Độ), Jean-Pierre Ferrier (Pháp)… Các đại biểu này đã đề cập đến các tư liệu pháp lý lịch sử khẳng định các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền hoà bình, liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: các Châu bản triều Nguyễn; các sách Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục viết về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thực hiện lệnh của Nhà vua đi khai thác và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

 

Bên cạnh đó, các học giả cũng nhấn mạnh: Dưới thời Pháp thuộc, Pháp đã nhân danh Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khi rút khỏi Việt Nam, Pháp bàn giao quyền quản lý hai quần đảo này cho Việt Nam; các tư liệu pháp lý lịch sử cho thấy Việt Nam đã chiếm hữu “hiệu quả, liên tục và lâu dài” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các ý kiến cho rằng, Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh Trung Quốc chiếm hữu hai quần đảo này trước khi dùng vũ lực đánh chiếm phi pháp quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988.

 

Cùng với các ý kiến trên, nhiều học giả quốc tế cũng đã lên tiếng phê phán chiến lược và hành động trên Biển Đông với mức độ bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đặc biệt, chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp chuyên sâu về vấn đề Biển Đông, Tướng Daniel Schaeffer đã phê phán mạnh mẽ tính phi lý “đường lưỡi bò”, cho rằng Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” không kèm theo bất cứ lời giải thích nào nên hoàn toàn không có giá trị. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã ráo riết hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” bằng các hành động xâm phạm chủ quyền các nước Philippin, Việt Nam, Malaysia. Theo chuyên gia này, vấn đề “đường lưỡi bò” không thuộc trách nhiệm của riêng nước nào trong khu vực mà là của cả cộng đồng quốc tế; cần phải đạt được sự đồng thuận quốc tế để yêu cầu Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”.

 

Nhiều học giả quốc tế tham dự Hội thảo "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" cũng đã đến tham quan Triển lãm "Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách tời của Việt Nam".

 

Đồng thời, tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nhất trí rằng, việc căn cứ vào những chứng cứ pháp lý, lịch sử dựa trên luật pháp quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ để giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của bất kỳ bên nào đều không thể chấp nhận. Theo các đại biểu, hành động của Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; hành động xâm chiếm bằng vũ lực như vậy không thể tạo ra chủ quyền.

 

Về những hành động của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông, nhất là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, các hành động bạo lực của các tàu Trung Quốc ngăn cản, ép đuổi, đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu của các lực lượng chức năng Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật trên biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; nghiêm trọng hơn, tàu của Trung Quốc còn cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam; xâm lấn trái phép ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam..., các đại biểu dự hội thảo đều lên tiếng phản đối Trung Quốc, coi đây là những hành động trái với luật pháp quốc tế và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. 

 

Để duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, các đại biểu dự Hội thảo đề nghị các bên liên quan cần kiềm chế, tăng cường xây dựng lòng tin, không có những hành động đơn phương, phá vỡ nguyên trạng. Các học giả kêu gọi Trung Quốc sớm cùng với các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với tính ràng buộc cao để ngăn ngừa những hành động leo thang, gây căng thẳng ở Biển Đông.

 

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, các nước đang tranh chấp cần coi trọng hơn các công cụ pháp lý và cơ chế trọng tài quốc tế theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam có thể sử dụng công cụ pháp lý thông qua Toà Trọng tài theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích của mình trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Jerome Cohen - Chủ tịch Viện luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, đề xuất Việt Nam có thể tham gia vụ kiện với Philippin hoặc tự khởi kiện Trung Quốc, và khuyến nghị các nước liên quan nên tận dụng sự trợ giúp của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hay hệ thống thể chế pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Ông Cohen nhấn mạnh việc Việt Nam sử dụng cơ chế tài phán quốc tế chứng tỏ cố gắng của Việt Nam tận dụng mọi biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy sử dụng công cụ pháp lý là phức tạp và đi kèm với những rủi ro nhưng đối với các nước nhỏ thì việc sử dụng pháp lý là cơ hội để bảo vệ các lợi ích của mình phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc./.